Thanh khoản đảo chiều
Theo SSI, trong tuần từ 21/10 đến 25/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 15.000 tỷ đồng. Số tín phiếu lưu hành hiện ở mức 72.000 tỷ đồng và số dư OMO duy trì ở mức 0.
Động thái nói trên của NHNN vẫn tiếp tục trong các phiên đầu tuần này. Cụ thể, trong phiên ngày 28/10, NHNN chỉ phát hành 12.000 tỷ đồng tín phiếu, trong khi có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, như vậy NHNN đã bơm ra 3.000 tỷ đồng. Thậm chí trong hai phiên 29 - 30/10, NHNN chỉ phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu mỗi phiên, trong khi vẫn có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, có nghĩa cơ quan quản lý đã tăng lượng bơm ròng lên 5.000 tỷ đồng/phiên.
“Nhu cầu gia tăng thanh khoản VND đoạn chuyển tháng có thể khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn cắt giảm bớt nguồn cung, lãi suất trên liên ngân hàng có thể nhích tăng trong tuần này”, SSI nhận định. Cũng có chung góc nhìn như vậy, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng có thể có dấu hiệu bớt dư thừa trong tuần cuối tháng 10 khi các ngân hàng phải đáp ứng các tỷ lệ về dự trữ bắt buộc.
Trong khi đó, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang trong tuần trước và bất ngờ bật tăng 35 điểm cơ bản vào ngày cuối tuần, lên mức 2,12%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,36%/năm với kỳ hạn tuần. Nhờ vậy, chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng chuyển từ âm sang dương, mức chênh lệch khoảng 0,2%/năm.
Trước đó, đã có thời điểm lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng rơi xuống thấp hơn khá nhiều lãi suất USD. Vì lẽ đó, cho dù chênh lệch đã chuyển sang dương trong phiên cuối tuần trước, nhưng theo số liệu thống kê của NHNN, tính bình quân trong tuần chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn ở mức -0,14% đối với kỳ hạn qua đêm; -0,04% với kỳ hạn 1 tuần; và +0,06% với kỳ hạn 2 tuần…
Tuy nhiên trên thị trường 1, lãi suất huy động vẫn neo cao, duy trì ở mức 4,3 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 8,1%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Sở dĩ như vậy là do các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để tài trợ tín dụng mùa cao điểm cuối năm và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của NHNN. Điều này sẽ khiến lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm, đồng thời nới rộng mức giãn cách lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.
Tỷ giá ổn định
Mặc dù chênh lệch lãi suất VND - USD có thời điểm đã rơi xuống mức âm, nhưng tỷ giá trên thị trường vẫn ổn định. Theo đó, trong tuần qua, tỷ giá trung tâm chỉ tăng nhẹ 1 đồng lên mức 23.155 đồng/USD; trong khi tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM đi ngang trong cả tuần, giữ ở mức 23.115/23.265 đồng/USD trên ngân hàng và 23.190/23.210 đồng/USD trên thị trường tự do. Sự bình lặng của thị trường ngoại hối tiếp tục nối dài trong các phiên giao dịch đầu tuần này do FED cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống 1,5 - 1,75% trong cuộc họp cuối tháng 10 và nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Quả vậy, cán cân thương mại 10 tháng thặng dư tới 7 tỷ USD, trong khi nguồn vốn FDI giải ngân đạt 16,2 tỷ USD; nguồn vốn FII cũng đạt 10,8 tỷ USD. Chưa hết, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối chảy về Việt Nam có thể đạt tới 16,7 tỷ USD trong năm nay...
Trên thực tế, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, tức chỉ mấy giờ sau quyết định giảm lãi suất của FED, NHNN giữ nguyên tỷ giá trung tâm ở mức 23.145 đồng/USD, thấp hơn 10 đồng so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá mua – bán USD tại các ngân hàng gần như bất động. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng phổ biến trong khoảng 213.120 – 23.140 đồng/USD; trong khi giá bán ra trong khoảng 23.250 – 23.270 đồng/USD.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm mới tăng 1,4%. Trong khi tỷ giá thực (giá mua - bán USD) của các ngân hàng thậm chí còn giảm nhẹ. Điều đó vô hình chung đã khiến cho VND tăng giá khá mạnh so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY), từ đó gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Đây là điều mà NHNN phải tính tới trong điều hành tỷ giá những tháng cuối năm nay.