"Sống" được nhờ giao dịch đất ngộp, môi giới bất động sản thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
"Khoe" với chúng tôi, anh D, là một môi giới tự do tại khu Đông TP.HCM cho biết vừa mới hỗ trợ một nhà đầu tư chốt 2 nền đất ngộp tại Q.9 (cũ, nay là TP. Thủ Đức). Anh D nhận về số tiền hoa hồng gần 50 triệu đồng. Tính ra đây là giao dịch lần thứ 5 của anh trong gần hai tháng qua.
"Thị trường vẫn âm thầm xuất hiện các nhà đầu tư đi mua hàng ngộp nhưng xem xét kỹ hơn về vị trí, tiềm năng mảnh đất. Đồng thời, họ có thương lượng thêm phần giá với chủ đất, mặc dù đó đã là giá ngộp. Bởi đây là thời điểm người mua có thể ép giá người bán. Giao dịch phát sinh thời điểm này chủ yếu đến từ nguồn hàng ngộp tài chính được bán ra", anh D cho hay.
Gặp anh Hải, một môi giới đất nền tự do tại phòng công chứng PP (Đỗ Xuân Hợp, Q.9 cũ) khi đang hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng đất cho một nhà đầu tư. Anh Hải cho biết, trong 1 tháng qua, anh đã có 2 giao dịch đất nền đến từ nhà đầu tư ngộp tài chính gửi lại. Có nhà đầu tư đã hạ giá đến 400 triệu đồng/nền để thu vốn giải quyết công việc khác. Những nền đất vị trí đẹp, đường lớn được nhà đầu tư quan tâm. Đây cũng là giai đoạn họ "ôm hàng" giá tốt để chờ thị trường phục hồi.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sửa Luật Đất đai để người dân đồng thuận và yên lòng khi thu hồi đất?
Theo chuyên gia, vấn đề bị khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất trong lĩnh vực đất đai là thu hồi đất, bồi thường tái định cư, trong đó giá đất là yếu tố tiên quyết cần cải thiện. Nếu vẫn xác định và quản lý giá đất bằng "con mắt" của cơ quan hành chính nhà nước và chưa thực sự điều tiết theo cơ chế thị trường thì sẽ khó để đạt được mục tiêu hài hòa lợi ích và hướng tới công bằng xã hội khi thu hồi đất.
Mặt khác, việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật đất đai cần tránh nguy cơ khiến người dân bất mãn, mất đi "bờ xôi ruộng mật" nhưng chờ mãi vẫn không được thụ hưởng các giá trị mà chủ đầu tư dự án hứa hẹn mang lại. Chỉ khi đời sống của người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án có cuộc sống tốt hơn thì việc thu hồi đất mới đúng với ý nghĩa là để phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 - 15/3. Hàng chục hội thảo khoa học, hàng nghìn ý kiến của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần hệ thống chính trị đã được đưa ra. Tính đến ngày 13/3, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo thông qua website lấy ý kiến Nhân dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Còn nhiều vướng mắc để có thể xác định được giá đất theo thị trường
Trong đợt lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới cách tính giá đất theo giá thị trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, hướng tới tính minh bạch.
Hiện nay việc xác định giá đất tại Việt Nam vẫn diễn ra theo cơ chế "hai giá" gồm giá đất theo bảng giá đất Nhà nước và giá đất thị trường. Theo đó, giá đất theo Bảng giá đất Nhà nước sau khi áp dụng hệ số điều chỉnh hàng năm vẫn thấp hơn 60% giá thị trường.
Trong khi đó, giá trị thị trường được định nghĩa bởi Ủy ban tiêu chuẩn định giá thế giới và được sử dụng bởi Hiệp hội Thẩm định giá Hoàng Gia Anh Quốc (RICS) là số tiền ước tính mà một bất động sản có thể trao đổi vào ngày tư vấn giá giữa một người mua sẵn sàng mua và một người bán sẵn sàng bán trong một giao dịch công bằng sau quá trình tiếp thị phù hợp đồng thời mỗi bên đều hành động một cách am tường, thận trọng và không có sự cưỡng ép.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Định giá, Savills Hà Nội cho rằng, việc xác định giá đất theo thị trường sẽ đảm bảo tính công bằng cho các chủ thể có liên quan đến bất động sản và giúp cho nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả. Định giá đất là quá trình xác định giá trị của lô đất dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm mục đích sử dụng đất, diện tích, khả năng sinh lợi, hạ tầng, tính pháp lý và các yếu tố khác.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Luật Đất đai sửa đổi: Cần bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống
Cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đất đai sửa đổi mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, làm sao có được một dự án Luật với nhiều chính sách bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống.
Chiều 15/3, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai chủ trì buổi Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi Luật Đất đai nhằm huy động tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam; các vấn đề cần sửa đổi của Luật Đất đai nhìn từ góc độ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; cơ chế thế chấp quyền sử dụng đất để huy động nguồn vốn quốc tế cho danh nghiệp Việt Nam; xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất…
Cụ thể, về nội dung "các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đề nghị bổ sung quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư về cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp (tự chủ tài chính), đất xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình, hạ tầng cảng biển, đường sắt, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội, có lợi cho cộng đồng.