Aa

"Sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo đã trở thành xu hướng toàn cầu"

Thứ Sáu, 04/12/2020 - 10:30

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT tại Hội thảo “Vận hành lưới truyền tải điện khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo nối lưới” tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội.

Ngày 03/12, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vận hành lưới truyền tải điện khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo nối lưới”. Hội thảo do ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT chủ trì.

Mở đầu Hội thảo, ông David McNaught - Tham tán Chính trị Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát biểu: "Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong những năm gần đây Việt Nam đang tích cực giảm tác động biến đổi khí hậu. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nghị quyết số 55 có đưa ra lộ trình phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) bền vững. Chính phủ Anh cũng xác định ưu tiên hàng đầu trong phát triển NLTT, do vậy Chính phủ Anh cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang NLTT theo đúng chiến lược và đường lối của Đảng. Chính phủ Anh hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam hướng tới hạn chế phát triển điện than cho giai đoạn 2026 - 2030 và tăng cường sử dụng NLTT trong kế hoạch phát triển điện lực sắp tới".

Ông David McNaught - Tham tán Chính trị Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tiếp lời ngài Tham tán, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết: "Những năm gần đây, việc đẩy mạnh sử dụng nguồn điện NLTT đã trở thành xu hướng toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách và biện pháp thúc đẩy phát triển điện NLTT (mặt trời, gió)". 

Tính đến tháng 10/2020, đã có 6.434MW được đưa vào vận hành (108 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 5.948MW và 13 nhà máy điện gió với tổng công suất 486MW); sản lượng điện phát của các nhà máy điện NLTT năm 2019 đạt 5,5 tỷ kWh (chiếm 2,3% sản lượng điện toàn hệ thống) đã góp phần bổ sung thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh hệ thống bị thiếu nguồn cấp, đặc biệt giảm được sản lượng huy động từ các nguồn điện chạy dầu có giá thành rất cao.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT phát biểu tại Hội thảo

Lưới truyền tải điện 500kV và 220kV do EVNNPT quản lý vận hành vẫn luôn đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và giải tỏa hết công suất các nguồn điện NLTT được đấu nối trực tiếp vào lưới điện 220kV cũng như công suất của các nguồn điện NLTT được truyền tải từ lưới 110 kV lên lưới 220kV và 500kV qua các TBA và ĐD 220kV, 500kV của EVNNPT.

Thời gian tới, sản lượng điện NLTT hòa lưới sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự kiến lũy kế đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 7.400MW điện mặt trời và 600MW điện gió; tới cuối năm 2021 sẽ có khoảng 10.400MW điện mặt trời và 3.400MW điện gió phát lên hệ thống điện quốc gia. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cho lưới truyền tải điện nhmất cân bằng phân bố nguồn và tải, cân bằng công suất, dao động công suất, dao động tần số, sóng hài gia tăng...

Để có đáp ứng đầy đủ nhu cầu nối lưới của các nguồn NLTT, EVNNPT sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cũng như nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ mới, hiện đại, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các nước tiên tiến như Anh Quốc để đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn điện NLTT theo yêu cầu.

Trình bày tại Hội thảo, Tiến sỹ Stephanie Hay - Chuyên gia Mạng lưới và Đấu nối, công ty TNEI (Anh) cho rằng vận hành hệ thống truyền tải điện khi có tỷ trọng NLTT cao thực sự là khó khăn, thách thức lớn, một quá trình cần được hỗ trợ bởi khung pháp lý, chính sách và công nghệ phù hợp. 

Bà cho biết, tại Anh, việc nối lưới các nguồn NLTT cũng đã trải qua khó khăn lớn khi mà các nguồn NLTT có nhiều ở miền Bắc Scotland, trong khi các trung tâm phụ tải lớn nằm ở miền Nam nước Anh, hệ thống phân phối từng bị tắc nghẽn do tỷ trọng NLTT đưa vào cao. Vấn đề đặt ra cả trong quy hoạch và vận hành, trong việc dự báo tin cậy sản lượng điện tái tạo và xác định vai trò NLTT trong cân bằng hệ thống. Tại Anh, đơn vị vận hành hệ thống điện Quốc gia mua các dịch vụ để cân bằng cung cầu và NLTT quy mô lớn có thể sử dụng để cân bằng hệ thống như cắt giảm công suất khi cung vượt cầu, và cơ chế cân bằng đã được mở ra cho các nhà cung cấp nhỏ hơn...

Ở khía cạnh khác, bà Hanah Evans - chuyên gia hệ thống điện và phát triển điện gió ngoài khơi đã bổ sung thông tin về cách tiếp cận chính sách và quy định được áp dụng ở Vương quốc Anh nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến gia tăng NLTT trên hệ thống truyền tải. Bà cho biết sản lượng phát điện tái tạo tại Anh tăng mạnh trong 20 năm qua, công suất điện tái tạo tăng chủ yếu nhờ gió và mặt trời. Nước Anh đã dần giải quyết tốt các thách thức với lưới truyền tải điện. Cơ chế thiết lập giá, kiểm soát giá, vai trò điều tiết ngành, cấp phép phân phối, truyền tải... được thực hiện, phân định rõ ràng giữa các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên đóng vai trò quan trọng. Hiện tại, NLTT điện gió ngoài khơi được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy tăng sản lượng điện tái tạo trong tương lai.

Tại phiên thảo luận chung và hỏi đáp, các đại biểu đưa ra nhiều câu hỏi thiết thực, những vấn đề quan tâm cao từ hầu hết các quốc gia như: giá thành, chi phí đầu tư, các khung pháp chế áp dụng, công nghệ lắp đặt thiết bị, cách xử lý pin trữ điện khi thải ra môi trường... Chuyên gia Anh cũng cho biết sẽ sẵn sàng tiếp nhận thêm câu hỏi và phản hồi qua thư điện tử nếu EVNNPT vẫn muốn tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin và mong muốn hai bên có thể hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Kết thúc Hội thảo, ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho rằng trong việc này, Việt Nam và Anh quốc có nhiều điểm tương đồng, phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Vì vậy thông tin, kinh nghiệm thực tế mà các chuyên gia cung cấp là rất bổ ích. Hy vọng rằng các đại biểu tham dự học hỏi, lĩnh hội được một số kinh nghiệm quý giá để áp dụng tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top