Những phục hồi ấn tượng
Những tháng cuối năm 2023, du lịch Việt Nam liên tiếp nhận được những tin vui về sự phục hồi và tăng trưởng. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 7,83 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước, gần cán mốc mục tiêu của cả năm 2023. Tuy vẫn còn xa mới trở lại mức tăng trưởng của năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, nhưng những con số này thực sự là làn gió mát của du lịch Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19 kết thúc. Cùng kỳ năm ngoái 2022, Việt Nam mới đón 1,44 triệu khách quốc tế.
Du lịch Việt Nam cũng đã liên tiếp nhận được sự vinh danh của cộng đồng quốc tế. Hơn 40 giải thưởng World Travel Awards 2023 khu vực châu Á - châu Đại Dương được trao cho Việt Nam mới đây đã cho thấy du lịch Việt Nam ngày càng có vị thế trong khu vực. Đặc biệt, lần thứ 5 Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” (năm 2022 và 2023).
Cùng với sự vinh danh dành cho Việt Nam nói chung, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt cũng ghi dấu ấn ở nhiều hạng mục danh giá. Chỉ riêng Tập đoàn Sun Group đã được World Travel Awards 2023 khu vực châu Á – châu Đại Dương trao tặng 5 giải thưởng: Tập đoàn Du lịch hàng đầu Châu Á dành cho Sun Group; Nhà phát triển du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Châu Á dành cho Sun Hospitality Group; Công viên nước hàng đầu Châu Á 2023 dành cho Aquatopia Water Park (Phú Quốc); Công viên chủ đề hàng đầu Châu Á 2023 thuộc về Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) và Khách sạn Boutique sang trọng hàng đầu Châu Á 2023 thuộc về Capella Hanoi (Hà Nội).
“Thời gian qua, du lịch Việt Nam được WTA 2023 bình chọn và đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Đó chính là nguồn lực quan trọng khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, chỉ trong 6 tháng đã từ vị trí thứ 11 vượt lên vị trí thứ 6 với mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Đông Nam Á và cũng là điểm đến duy nhất của khu vực nằm trong nhóm này.
So với tình cảnh ảm đạm, vắng bóng khách quốc tế như “chợ chiều” của giai đoạn 2021-2022, rõ ràng du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2023.
Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn
Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự phục hồi đó. Một trong những cú hích quan trọng nhất không thể không nhắc đến là chính sách visa mới, có hiệu lực từ 15/8, cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự ứng biến linh hoạt và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, đã tạo đà cho tiến trình phục hồi và tăng trưởng của du lịch Việt Nam được thúc đẩy nhanh hơn. Trong 3 năm qua, dù liên tiếp gánh chịu những hậu quả từ Covid-19 rồi suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn có thêm hàng loạt sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, nhờ nỗ lực và sự chủ động đầu tư của doanh nghiệp.
Chỉ riêng Tập đoàn Sun Group cũng đã cho ra đời khắp 3 miền đất nước những công trình ấn tượng như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh); khách sạn 5 sao Capella Hanoi (Hà Nội); chuỗi dự án Cổng Thời gian, Thác Thần Mặt trời, Quảng trường Nhật thực, show ánh sáng 3D mapping tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) hay show Kiss the Stars, trò chơi tàu lượn siêu tốc khổng lồ bằng gỗ tại Sun World Phu Quoc hay công trình Cầu Hôn đang được hoàn thiện tại Phú Quốc…
Tập đoàn này cũng nỗ lực phối hợp với các địa phương, liên tục tổ chức các chuỗi sự kiện, lễ hội quy mô và hấp dẫn ở Sa Pa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Thanh Hóa… góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới, thu hút đông đảo du khách trong nước.
“Chúng tôi xác định rằng, nếu cứ ngồi yên chờ giông bão đi qua thì chúng ta có thể sẽ bị nhấn chìm trước khi có cơ hội vượt bão. Do vậy, dẫu khó khăn, chúng tôi quyết tâm gia tăng thêm sức mạnh bằng những sản phẩm mới, dịch vụ mới, tạo đà cho du lịch phục hồi ở giai đoạn hậu dịch", ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn chia sẻ.
Thực tế, sản phẩm mới, lễ hội, sự kiện đã và đang trở thành “vũ khí” góp phần giúp các địa phương nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung có những dấu ấn đột phá sau đại dịch. Đà Nẵng là ví dụ điển hình.
Bên cạnh sự xuất hiện của các sản phẩm du lịch mới đẳng cấp tại Sun World Ba Na Hills, chuỗi hoạt động MICE liên tục được tổ chức cùng các hoạt động đêm, phố đêm, Đà Nẵng đã nâng cấp, đầu tư mới chuỗi sự kiện lễ hội. Đặc biệt, sự trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 do Sun Group tài trợ và đồng tổ chức sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh đã tạo nên không khí rộn ràng, sôi động cho thành phố suốt mùa hè 2023.
Nhiều địa phương khác cũng đã có những dấu ấn tăng trưởng du lịch ấn tượng trong 8 tháng đầu năm, nhờ nỗ lực làm mới sản phẩm, dịch vụ du lịch. Lào Cai đạt 4.920.828 lượt khách, tăng 73,7% so với cùng kỳ năm 2022; Quảng Ninh đón 12,06 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 875.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2022…
“Chính những nỗ lực của Chính phủ, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, kiến tạo sản phẩm mới đã giúp khôi phục hoạt động du lịch nhanh hơn. Trong đó, vai trò của các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn như Sun Group, các hãng hàng không, các hãng lữ hành lớn rất lớn. Họ đã trở thành những đơn vị tiên phong triển khai kết nối thị trường, xây dựng sản phẩm mới, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn này trong việc nỗ lực phục hồi du lịch nội địa và du lịch quốc tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.