Du lịch Việt Nam: Không còn đường lùi cho những giải pháp đột phá

Du lịch Việt Nam: Không còn đường lùi cho những giải pháp đột phá

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 13/06/2023 - 06:30

Việc thu hút tốt khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Tuy nhiên, sau tác động của dịch Covid-19, dường như ngành du lịch đã phải “xóa bàn cờ đánh lại” trong vấn đề thu hút dòng khách này.

Dù thực hiện mở cửa khá sớm sau đại dịch nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp so với mục tiêu trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi mạnh, thậm chí đã vượt qua ngưỡng trước đại dịch và đang trên đà vươn tới những mục tiêu cao hơn.

Nhận diện thực tế và đưa ra giải pháp để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế, tăng chi tiêu và tăng tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam đang là vấn đề cấp bách đối với ngành du lịch nói chung và sự sống còn của các doanh nghiệp du lịch, bất động sản du lịch nói riêng.

Đối thoại Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) về vấn đề này.

du lịch

KHÔNG CÒN ĐƯỜNG LÙI CHO NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

- Theo nhìn nhận của ông, du lịch Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới?

TS. Lương Hoài Nam: Trên bản đồ du lịch thế giới, Việt Nam có thể gọi là “điểm đến du lịch quốc tế trẻ”, tính xông xênh thì cỡ 30 tuổi, nhưng chỉ khoảng 20 năm trở lại đây mới được nhiều du khách quốc tế biết đến, trong khi các quốc gia châu Âu đã có lịch sử phát triển du lịch hàng trăm năm. Ngay cả so với các điểm đến du lịch quốc tế trong châu Á như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) thì điểm đến Việt Nam cũng có quá trình phát triển ngắn hơn nhiều.

Với 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 (là năm ngay trước đại dịch Covid-19), mang lại 20 tỷ USD doanh thu du lịch quốc tế, nước ta đang có một nền du lịch quốc tế với quy mô trung bình, so với Thái Lan chỉ bằng xấp xỉ 1/2 về số lượng du khách và 1/3 về doanh thu du lịch quốc tế. So với Singapore, lượng khách du lịch quốc tế của ta năm 2019 nhiều hơn (họ đón 16 triệu lượt khách) nhưng về doanh thu lại thấp hơn, trong khi về quy mô, Singapore chỉ ngang bằng một thành phố.

Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019, nước ta đứng thứ 63 trong 140 nên kinh tế du lịch được WEF xếp hạng, đây là mức trung bình. Trong 14 trụ cột cạnh tranh du lịch quốc tế được WEF đánh giá, Việt Nam có thứ hạng rất cao về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa (thứ 26/140) - những thứ chúng ta được thừa hưởng từ mẹ thiên nhiên và tổ tiên. Còn những gì tự chúng ta đã tạo ra, đang làm thì thứ hạng phổ biến là trung bình hoặc kém.

- Sau tác động của đại dịch, với việc mở cửa đón khách du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

TS. Lương Hoài Nam: Kết quả thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19 của nước ta phải nói là đáng thất vọng, năm 2022 chỉ đạt bằng 1/3 lượng du khách đến Thái Lan (trong khi trước đại dịch Covid-19 đã đạt gần bằng 1/2 của họ). Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, chính sách visa chậm được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, thoáng hơn; thứ hai, công tác quảng bá du lịch yếu kém và thứ ba là các đường bay quốc tế được khôi phục quá chậm.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam bị thua lỗ nặng trong 2 năm đại dịch Covid-19, trong điều kiện tiềm năng tài chính của họ có hạn, nên chậm khôi phục nguồn nhân lực và đầu tư tái khởi động, cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hút du khách quốc tế không đạt như kỳ vọng.

khách du lịch quốc tế
Lượng khách du lịch quốc tế vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. (Ảnh: V.L)

- Tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam so với một số nước như Thái Lan, Singapore cũng thấp hơn nhiều. (Năm 2019 - Việt Nam 10%, Thái Lan 82% Singapore 89%). Điều này gợi lên vấn đề gì, thưa ông?

TS. Lương Hoài Nam: Tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp đã được nhận diện từ nhiều năm nay, nhưng chưa xác định được đúng, đủ các nguyên nhân, do vậy vẫn chưa cải thiện được đáng kể. Một mình ngành du lịch không giải được bài toán này.

Trong 14 trụ cột cạnh tranh du lịch quốc tế được WEF đánh giá thường niên thì có hơn 10 trụ cột không thuộc ngành du lịch. Để cải thiện điều này cần cả một chương trình hành động quốc gia, với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Bản thân vị thế, trọng lượng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng rất nên được nâng lên, thành Bộ Du lịch. Nhiều nước ASEAN đã có Bộ Du lịch (kể cả Campuchia), trong khi nước ta thì Tổng Cục du lịch lại bị hạ cấp từ Tổng cục xuống Cục. Nước ta chưa thực sự chú trọng phát triển du lịch đúng tầm chiến lược như yêu cầu của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Có lẽ vì thế mà WEF xếp hạng Việt Nam ở thứ 100/140 về mức độ ưu tiên về phát triển du lịch, thua xa Campuchia (thứ 44), Lào (thứ 64). May mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên và văn hóa nên mới đạt được kết quả phát triển du lịch như lâu nay.

Du lịch đang được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ đỡ lớn nhất cho tăng trưởng nhưng với tình hình hiện tại, có vẻ khó gắn cho ngành du lịch trách nhiệm này?

TS. Lương Hoài Nam: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố kinh tế - xã hội và các chính sách vĩ mô. Muốn là “mũi nhọn”, “trụ đỡ” thì trước hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch và liên quan rất chặt chẽ đến du lịch là hàng không cần phải “khỏe” về hiệu quả đầu tư, kinh doanh, chứ đã và đang “ốm” như suốt từ đại dịch Covid-19 đến nay thì làm sao làm được?

- Xin ông nói thêm về “sức khỏe” của các doanh nghiệp du lịch và bất động sản du lịch sau tác động của đại dịch và những khó khăn vẫn còn kéo dài cho đến nay?

TS. Lương Hoài Nam: Du lịch và bất động sản du lịch gắn bó khăng khít với nhau, du lịch “ốm” thì bất động sản du lịch không thể khỏe, chắc chắn bị “ốm” theo, như chúng ta đang nhìn thấy rất rõ. “Sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp đang rất “sầu”. Hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động, nhiều khách sạn phải chào bán để trả nợ ngân hàng. Thực tế trên buộc chúng ta phải lo lắng chứ không còn chỉ là thất vọng.

Khi nói về cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra, thì tác động chủ yếu là bất động sản du lịch, đặc biệt là bất động sản du lịch biển. Các sản phẩm bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn vẫn đang có thị trường tốt, thậm chí cung không đủ cầu.

Tôi còn nhớ, khoảng 5 năm trước tôi từng cảnh báo về khủng hoảng condotel. Khi đó chưa ai biết là sẽ có một đại dịch lớn như đại dịch Covid-19. Giờ cuộc khủng hoảng đó đã và đang diễn ra với một mức độ rất khủng khiếp. Rất nhiều nhà đầu tư bất động sản du lịch biển mất tiền, rất nhiều tiền. Mất cả niềm tin nữa.

“Bức tranh” phát triển du lịch Việt Nam đang quá xấu và chúng ta không còn đường lùi cho những giải pháp đột phá.

VISA CẦN ĐƯỢC XEM LÀ MỘT TRỤ CỘT CỦA CẠNH TRANH DU LỊCH QUỐC TẾ

-  Rào cản chính khiến Việt Nam “đi trước về sau” trong cuộc đua đón khách quốc tế được cho là do chính sách visa vẫn chưa thực sự cởi mở. Theo ông, một chính sách visa mới thông thoáng hơn có tầm quan trọng như thế nào? Và Việt Nam có đang thực sự nỗ lực trong vấn đề này?

TS. Lương Hoài Nam: Visa là mối bận tâm đầu tiên khi một người nghĩ đến việc đi du lịch nước ngoài. Chúng ta cũng vậy, cảm thấy rất thoải mái khi lên kế hoạch đi đến một nước mà người Việt Nam được miễn visa (chủ yếu là trong ASEAN), khó chịu khi phải làm visa với những điều kiện phức tạp (như visa Schengen).

Trước khi được miễn visa theo chính sách chung của ASEAN, mỗi năm chỉ có mấy chục nghìn người Việt Nam đi Thái Lan, Singapore, nhưng bây giờ đã cả triệu người Việt Nam đi du lịch sang các nước này mỗi năm. Chính vì thế, các nước ưu tiên phát triển du lịch quốc tế như Thái Lan, Singapore đều coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh du lịch quốc tế, đơn phương miễn visa cho công dân nhiều nước trên thế giới để thu hút du khách đến nước mình.

Thái Lan miễn visa cho 68 nước. Singapore miễn visa cho cả thế giới, chỉ trừ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách phải xin visa Singapore. Các quốc gia ở châu Âu, Mỹ không thông thoáng về visa được như thế, họ có những quan ngại về di cư bất hợp pháp, tuy nhiên, các điểm đến du lịch ở châu Âu, Mỹ hấp dẫn đến mức du khách quốc tế thấy đáng để vượt qua trở ngại về visa.

du lịch Việt Nam

Tôi đánh giá rất cao đề xuất của Bộ Công an với Quốc hội về việc mở rộng visa điện tử cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ (thay vì 80 nước theo danh sách hiện tại), tăng hiệu lực visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, tăng thời hạn tạm trú cho công dân các nước được miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày và du khách được vào, ra nhiều lần. Đây là mức độ điều chỉnh chính sách visa lớn nhất từ đầu thập niên 90 đến nay, vì sự phát triển của du lịch. Còn danh sách các nước được miễn visa đơn phương là do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Vừa qua, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao kiến nghị danh sách mở rộng miễn visa đơn phương. Nếu đề xuất của TAB được Bộ Ngoại giao và Chính phủ ủng hộ, về cơ bản chính sách visa của nước ta sẽ gần thoáng bằng chính sách của Thái Lan, đủ để ngành du lịch Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh quốc tế. Tất nhiên là chính sách visa của các nước khác cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng thoáng hơn và tôi tin là chính sách visa của nước ta cũng vậy. Một khi chính sách visa được coi là một trụ cột của cạnh tranh du lịch quốc tế thì nó sẽ thường xuyên được đánh giá hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết.

bất động sản du lịch
Các doanh nghiệp du lịch và lưu trú kỳ vọng nhiều vào chính sách visa thông thoáng hơn. (Ảnh minh họa: 1.6 Media)

SẢN PHẨM BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH CẦN HƯỚNG ĐẾN ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA DU KHÁCH

- Như ông vừa nói, các quốc gia ở châu Âu, Mỹ cũng có những quan ngại về di cư bất hợp pháp nên không được thông thoáng về visa, tuy nhiên, các điểm đến du lịch ở châu Âu, Mỹ hấp dẫn đến mức du khách quốc tế thấy đáng để vượt qua trở ngại về visa. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, miễn visa là một điều kiện tốt để thu hút khách du lịch quốc tế đến một đất nước nhưng đó không phải là tất cả. Ông có kiến nghị giải pháp gì để mở ra cánh cửa hy vọng, tạo đột phá cho ngành du lịch trong thời gian tới?

TS. Lương Hoài Nam: Về thị trường, phải tìm cách khai thác bằng được thị trường Trung Quốc. Trước đại dịch Covid-19, một mình thị trường này chiếm 1/3 tổng du khách quốc tế đến Việt Nam, có thời gian lưu trú khá dài, chi tiêu nhiều tiền cho kỳ du lịch và mua sắm hàng hóa mang về nước.

Về sản phẩm du lịch, lâu nay nước ta chỉ mạnh về mảng du lịch nghỉ dưỡng biển, hầu hết các mảng sản phẩm du lịch khác đều yếu hơn so với các điểm đến cạnh tranh (như Thái Lan, Singapore). Cần đánh giá thực trạng của tất cả các mảng sản phẩm du lịch và có biện pháp khắc phục. Du lịch nghỉ dưỡng biển dễ làm vì không đòi hỏi đầu tư nhiều vào sáng tạo sản phẩm, còn hầu hết các sản phẩm du lịch khác buộc phải đầu tư nhiều cho sáng tạo.

- Các nhà phát triển bất động sản du lịch đã, đang và sẽ đóng góp như thế nào trong việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam?

TS. Lương Hoài Nam: Không thể phát triển du lịch mà thiếu các cơ sở lưu trú, các công trình vui chơi, giải trí như công viên chủ đề, điểm tham quan. Dưới góc độ này, các nhà phát triển bất động sản du lịch đã, đang và tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng đối trong sự phát triển của du lịch Việt Nam. Tính riêng khách sạn, resort từ 3 sao trở lên, năm 2010 cả nước chỉ có gần 400 cơ sở, với hơn 40.000 buồng. Sau 10 năm, số lượng cơ sở lưu trú đã tăng lên đến gần 1.000 cơ sở với gần 140.000 buồng, trong đó có những khách sạn, resort nổi tiếng, đoạt các giải thưởng du lịch quốc tế. Mảng công viên chủ đề cũng đã có những công trình lớn và rất ấn tượng đối với du khách. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ du lịch nước ta vẫn được WEF xếp hạng rất thấp (năm 2019 xếp thứ 106/140), còn rất nhiều việc phải làm để tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam.

-  Để làm tốt hơn vai trò của mình, theo ông, các nhà phát triển bất động sản du lịch cần chú trọng điều gì?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi thấy có rủi ro lớn trong sự phát triển ồ ạt các dự án condotel biển trong những năm gần đây, với các sản phẩm căn hộ, nhà phố, villa du lịch phục vụ nhu cầu đầu cơ bất động sản của một số không ít người dân hơn là phục vụ nhu cầu du lịch của du khách nội địa, quốc tế. Tôi chưa nhìn thấy cơ hội lấp đầy các dự án đó bằng các hoạt động du lịch, thậm chí nhìn thấy sự lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực xã hội, sự trả giá không hề nhỏ của các nhà đầu tư, các ngân hàng cung cấp tín dụng. Hiếm nước nào có tỷ trọng condotel trong đầu tư phát triển cơ sở lưu trú du lịch lại cao như ở nước ta.

Các nhà đầu tư bất động sản du lịch nên trở lại với giá trị cốt lõi là đầu tư, phát triển các dự án bất động sản du lịch thực sự có giá trị đối với du khách nội địa, quốc tế như họ đã làm rất tốt trước khi có làn sóng condotel.

du lịch

-  Năm 2022, Việt Nam được Tạp chí du lịch lữ hành Travel + Leisure của Mỹ bình chọn là một trong 8 quốc gia lý tưởng để người nước ngoài đến nghỉ hưu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của dòng khách này và giải pháp để thu hút được du khách nghỉ hưu quốc tế từ kinh nghiệm của các nước là gì?

TS. Lương Hoài Nam: Nhờ các điều kiện thiên nhiên, khí hậu, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch dưỡng lão. Trên thực tế đã có những ý tưởng đầu tư phát triển các dự án dưỡng lão phục vụ người già từ các nước có chi phí cuộc sống đắt đỏ như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Mỹ. Người già ở nước ngoài có thể cho thuê nhà của họ và chuyển sang sống dưỡng già ở Việt Nam với chi phí rẻ, đội ngũ điều dưỡng và y bác sỹ dồi dào. Tuy nhiên, vì chưa có một chương trình, kế hoạch cụ thể để giải quyết các vấn đề liên quan, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác ở quy mô đáng kể.

VIỆT NAM CÓ THIẾU ĐIỀU KIỆN GÌ ĐÂU MÀ KHÔNG QUYẾT TÂM?

- Ông nghĩ sao về mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 và mục tiêu hồi phục du lịch hoàn toàn vào năm 2025, với 18 triệu khách quốc tế?

TS. Lương Hoài Nam: Mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được. Nếu các chính sách mới về visa sớm được triển khai, cộng với việc làm mạnh công tác quảng bá du lịch quốc tế, tôi kỳ vọng năm nay sẽ đón được 10 - 12 triệu du khách quốc tế.

Nước ta có thừa công suất lưu trú, các hãng hàng không nước ta có thừa máy bay, còn du khách quốc tế cần nơi để đi sau đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta thực sự cố gắng thì sẽ đạt kết quả tốt. Điểm bất lợi mà tôi nhìn thấy là đến nay chúng ta vẫn bị mất 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Nga, trong khi Thái Lan đã và đang khai thác rất tốt 2 nguồn khách này.

Thay vì đến năm 2025 mới đạt được mức 18 triệu du khách như trước đại dịch Covid-19, tôi nghĩ nên cố gắng làm được điều đó trong năm 2024.

Để đón, phục vụ được số lượng khách như thế, chúng ta có thiếu điều kiện gì đâu mà không quyết tâm. Thị trường du lịch quốc tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Ở nước này, nước kia có khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, nhưng mấy triệu, thậm chí mấy chục triệu du khách cho điểm đến Việt Nam thì thế giới không thiếu. Kết quả phụ thuộc vào chính chúng ta!

-  Việt Nam có tiềm năng để trở thành cường quốc du lịch thế giới hay không, thưa ông?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi vẫn ước mơ Việt Nam sẽ đuổi kịp rồi vượt Thái Lan về du lịch, trở thành nền du lịch hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng trong một tương lai xa hơn, nước ta có quá nhiều lợi thế về phát triển du lịch để chúng ta phải từ bỏ giấc mơ đó và vươn tới một giấc mơ lớn hơn.

-       Trân trọng cảm ơn ông!

bất động sản du lịch

Để đón, phục vụ được số lượng khách như thế, chúng ta có thiếu điều kiện gì đâu mà không quyết tâm. (Ảnh minh họa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top