Aa

Sửa Luật Đất đai cần làm rõ khái niệm pháp lý nền tảng, không vì lợi ích riêng

Thứ Sáu, 25/07/2025 - 16:40

Đó là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo khoa học "Nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật", do Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổ chức, ngày 25/7.

Sửa Luật Đất đai không cụ thể hoá quyền lợi riêng cho từng đối tượng

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, chưa bao giờ việc cải cách và hoàn thiện thể chế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chủ trương và quyết sách lớn. Trong đó có 4 Nghị quyết, gồm Nghị quyết 57, 59, 66, 68, đây là 4 trụ cột góp phần phát triển đất nước mang tính đột phá mà tất cả các thành phần kinh tế đều mong đợi.

Sửa Luật Đất đai cần làm rõ khái niệm pháp lý nền tảng, không vì lợi ích riêng- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Thu Ngà)

Cụ thể, hệ thống pháp luật đất đai, quy hoạch… đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, được xã hội đánh giá cao, khơi thông nhiều nguồn lực cho quốc gia. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước nhìn nhận vẫn còn nhiều bất cập, thể chế vẫn là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".

"Chúng ta không cầu toàn trong việc hoàn thiện thể chế, mà khi phát hiện ra "điểm nghẽn" thì phải kịp thời sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp có khá nhiều "phao" hữu hiệu để vượt qua những bất cập về thể chế, nhưng chúng tôi thấy vẫn cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.

Trong đó, Luật Đất đai là luật nền tảng, bởi bất cứ hoạt động nào cũng đều liên quan đến đất đai. Nếu hoàn thiện được thể chế, khơi thông được nguồn lực đất đai, thì mọi hoạt động khác đều sẽ rất "trơn tru".

Từ khi đi vào áp dụng đến nay, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp đã nhận diện, chỉ ra những bất cập khiến Luật Đất đai vẫn còn những rào cản đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế. Vì vậy, bộ luật này sẽ được sửa trong thời gian tới.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý, việc sửa Luật Đất đai cần có cái nhìn toàn diện, vì sự phát triển chung, lành mạnh của nền kinh tế, đất nước, chứ không phục vụ cho sự phát triển của tổ chức mang tính riêng biệt, cũng như không thể cụ thể hoá để tối ưu quyền lợi cho riêng từng đối tượng.

"Sửa Luật Đất đai phải tạo ra không gian pháp lý minh bạch, chuyên nghiệp, tạo ra được động lực phát triển mới", ông Ngọc nói.

Nội hàm, tiêu chí không rõ thì rất khó vận dụng

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, Luật Đất đai mới áp dụng một năm nhưng đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó, có những khái niệm cơ bản mà Hội thảo đề cập đến hôm nay là "dự án có sử dụng đất" chưa được làm rõ.

"Trong Luật Đất đai 2024 có đến 20 lần đề cập đến cụm "dự án có sử dụng đất", liên quan đến nhiều khâu như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu thầu, đấu giá... nhưng vẫn chưa làm rõ thế nào là dự án có sử dụng đất. Nghị định 102/2024/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng không đề cập đến", ông Hạnh cho biết.

Mặc dù có viện dẫn Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng thực chất, Nghị định này chỉ đưa ra các tiêu chí do chính quyền địa phương quyết định.

Vì vậy, theo ông Hạnh, điều quan trọng chúng ta cần phải có là nội hàm, tiêu chí xác định dự án nào sử dụng đất trong Luật Đất đai. Dù Luật Đất đai mới áp dụng gần 1 năm (với điểm mới là cho phép giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế), nhưng hiện VIAC đã tiếp nhận một số vụ tranh chấp liên quan đến dự án có sử dụng đất. Nói để thấy, đây là vấn đề cần xem xét sửa đổi.

"Nội hàm, tiêu chí không rõ, thì dự án có sử dụng đất ở Cần Thơ có thể có cách hiểu, cách vận dụng khác so với dự án có sử dụng đất ở Bình Phước chẳng hạn. Nếu không rõ thì việc góp vốn, giao dịch tài chính, đầu tư cho dự án sử dụng đất đó sẽ gặp nhiều vấn đề", Chủ tịch VIAC phân tích.

Sửa Luật Đất đai cần làm rõ khái niệm pháp lý nền tảng, không vì lợi ích riêng- Ảnh 2.GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Nội hàm, tiêu chí không rõ, thì dự án có sử dụng đất ở Cần Thơ có thể có cách hiểu, cách vận dụng khác so với dự án có sử dụng đất ở Bình Phước chẳng hạn. Nếu không rõ thì việc góp vốn, giao dịch tài chính, đầu tư cho dự án sử dụng đất đó sẽ gặp nhiều vấn đề.

Phân tích thêm, ông cho rằng, hầu như dự án nào cũng "sử dụng đất", kể cả việc lập văn phòng tư vấn nhỏ, cần xây trụ sở thì đó cũng cần "có sử dụng đất". Vậy nếu không xác định rõ ràng thế nào là dự án có sử dụng đất thì rất khó để thực thi và quản lý. Chưa kể, để xác định, dự án này có phải là "dự án có sử dụng đất" hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện đặc thù của từng địa phương, thì chúng ta xử lý như thế nào?

Bên cạnh đó, khái niệm "quyền sử dụng đất" cũng chưa được làm rõ. Chúng ta cứ đề cập đến các thành tố A, B, C trong quyền sử dụng đất, nhưng thực tế có rất nhiều yếu tố cấu thành nên yếu tố "quyền sử dụng đất" chưa được đề cập đến, theo ông Hạnh.

PGS. TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cũng đồng tình, cần làm rõ khái niệm "quyền sử dụng đất".

Theo ông, Việt Nam có đặc thù là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, quản lý đất đai và cấp quyền sử dụng đất cho nông dân, người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, thông qua việc giao đất.

"Vậy thì, đi cùng với giao đất là giao quyền sử dụng và "phải làm rõ quyền sử dụng đất là như thế nào, để người dân có nhận thức đúng đắn và tuân thủ pháp luật khi Nhà nước có hoạt động thu hồi đất để sử dụng cho các mục đích khác đúng với pháp luật", PGS. TS Dương Đăng Huệ nói và cho rằng, tới đây khi sửa Luật Đất đai phải đưa ra khái niệm và giải thích từ ngữ rõ ràng, bởi đây là khái niệm rất quan trọng, có giá trị khoa học và thực tiễn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top