Aa

Sửa Luật Đất đai “chắc chắn không lùi được nữa“

Thứ Ba, 15/06/2021 - 06:21

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế sốt ruột vì trong chương trình xây dựng luật năm 2022 chưa thấy bóng dáng của Luật Đất đai đâu, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định chắc chắn không lùi được nữa.

Sáng 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp 57 đã cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, ông rất băn khoăn là theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thì vào tháng 5/2022 sẽ trình sửa Luật Đất đai. Nhưng trong dự thảo dự kiến, trong chương trình của 2022 chưa thấy có bóng dáng của Luật Đất đai đâu.

"Hiện chúng tôi đang gửi xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết Nghị quyết 19 NQ/TW. Chương trình làm việc của Trung ương cũng đã đẩy sớm việc tổng kết Nghị quyết 19 lên để làm cơ sở sớm đưa Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Hiện giờ Luật Đất đai cũng chưa thấy đâu cả mà đi công tác, làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến nói còn vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có một số vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, thủ tục trình tự đã được sửa trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhưng có những vấn đề cốt lõi mà Thường vụ Quốc hội khóa trước nói rằng phải sửa trong Luật Đất đai, nhưng bây giờ cũng chưa thấy", ông Thanh sốt ruột.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ phải làm rõ hơn việc có kịp để trình Luật Đất đai trong năm 2022 hay không? Ông Thanh cho biết thêm là đã có gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng nói rằng tháng 5/2022 có thể đáp ứng được yêu cầu, bởi vì Nghị quyết 19 tổng kết rồi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp ngày 14/6
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp ngày 14/6. (Ảnh: Duy Linh) 

Hồi âm băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giãi bày là nhiệm kỳ này ông đã báo cáo đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, nhưng sau đó theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường ông lại báo cáo để xin rút ra.

Mỗi lần báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất gay gắt. Kỳ này chắc chắn là không lùi được nữa, bởi lẽ Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19 và đã có chương trình làm việc cụ thể. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có chương trình làm việc cụ thể để nghe về tổng kết Luật Đất đai, Chính phủ cũng đang triển khai, làm song song rất nhiều việc cùng một lúc, ông Long cho biết.

Theo Bộ trưởng thì việc sửa Luật Đất đai trong kỳ này là khả thi. Bởi lẽ việc này không bắt đầu từ số 0, đã có tổng kết, đã có nhóm họp, đã có thảo luận, đã tách ra một số vấn đề để xử lý, còn lại khoảng 14 vấn đề cơ bản cần phải xử lý cũng đã được tính đến.

"Kỳ này Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một lúc nghiên cứu những vấn đề đã đúc rút được, đưa vào báo cáo tổng kết để trình Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cùng lúc để xây dựng dự án luật này. Tôi nghĩ trong năm 2022 hoặc cuối năm 2022 nếu cùng một lúc Trung ương xem xét nghị quyết này thì kịp để trình dự án luật, hoặc đầu năm 2023 sẽ trình được" - Bộ trưởng cho biết.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội về việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, nghị quyết Bộ Chính trị, những vấn đề đã đặt ra và Quốc hội đã giao nhiệm vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu, Chính phủ cũng đã có chương trình nhưng một số việc hiện nay đã quá hạn. Ví dụ, như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế đảm bảo đồng bộ.

"Có những dự án luật giao từ năm 2017, phải trình Quốc hội trong năm 2017 - 2018 mà đến nay chưa xong", ông Định nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top