Điều này cũng lý giải việc ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt ưu tiên việc sửa Luật Đất đai.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ quyết định triển vọng phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi phải mang tính trí tuệ, bao quát để chở được những chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Thúc đẩy vốn hóa đất đai
Đất đai là nguồn lực để tạo ra tích lũy vốn ban đầu cho quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) của các nước công nghiệp mới, thành công hay không là do làm tốt việc này. Việc tích lũy vốn để đầu tư phát triển công nghiệp, bài học đã thể hiện ở các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Singapore…
Tích lũy vốn từ đất đai sao cho đủ để đầu tư phát triển công nghiệp khi Việt Nam hiện đang trong quá trình CNH, HĐH theo mục tiêu mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt ra là đến 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp. Câu chuyện còn lại vẫn là chuyển dịch đất đai như thế nào gắn với quá trình vốn hóa đất đai để chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư.
Trong tất cả các nguồn lực chính để phát triển kinh tế thì đất đai là một yếu tố quan trọng hàng đầu bên cạnh các yếu tố khác như tài nguyên thiên nhiên, lao động, nguồn lực tài chính (một phần được chuyển từ đất đai sang).
Do đó, nếu động viên được tất cả các nguồn lực, trong đó nguồn lực đất đai vừa mang tính chất là đất đai được tiếp cận công bằng theo nghĩa xã hội nhưng cũng đóng vai trò phát triển kinh tế khi được vốn hóa.
Hiện nay, chúng ta chưa làm tốt việc vốn hóa đất đai hay đơn giản là chuyển đất thành tiền đảm bảo tính công bằng của các bên tham gia vào việc chuyển dịch đất đai. Đây là trọng tâm trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Nếu không thay đổi chính sách đất đai thì sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm thứ 100 kỷ niệm ngày thành lập đất nước vào năm 2045.
Việc chuyển dịch đất đai từ hiện trạng sử dụng kém hiệu quả sang một cách thức sử dụng khác hiệu quả cao hơn, đảm bảo công khai minh bạch, có sự tham gia của người dân cũng như gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý. Đó phải là yêu cầu xuyên suốt còn việc đấu giá, đấu thầu hay giao đất chỉ là các giải pháp mang tính kỹ thuật.
Những vấn đề đặt ra
Việc sửa Luật Đất đai thì chúng ta đã có chủ trương, lộ trình, Đảng cũng đã đề cập đến trong chủ trương tổng kết Nghị quyết 19 cũng như Chính phủ cũng đang tổng kết thi hành Luật Đất đai, dự kiến đến 2023 sẽ có Luật Đất đai mới. Tuy nhiên, liệu chúng ta có sửa được triệt để những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra hay không? Liệu “tầm” của Luật Đất đai sửa đổi có đạt được mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp vào 2030 và là nước phát triển vào 2045 hay không là vấn đề lớn.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần có những người chuẩn bị Luật Đất đai sửa đổi đảm bảo tính trí tuệ, để Luật này chở được những chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Việc sửa đúng hay không đúng, triệt để hay không là câu hỏi lớn đang được đặt ra, tất nhiên không ai có thể dám chắc rằng có thể sửa đúng tất cả và sát xuất thiếu sót vẫn có thể có. Nhưng điều quan trọng là những người tham gia vào việc sửa Luật Đất đai có thành tâm vì đất nước phát triển hay không? Thực tế vẫn đặt ra câu chuyện đâu đó có hay không việc vận động của một số nhóm lợi ích tính toán việc làm trệch chính sách đất đai để tư lợi?
Thực tế cũng cho thấy, trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay chúng ta vẫn có thể chưa chạm đến những nhóm lợi ích còn đang giấu mình. Về kỳ vọng thì ai cũng mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sẽ thỏa mãn được mọi yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội, môi trường…
Nhìn chung, Luật Đất đai sửa đổi phải làm sao để có tầm đủ lớn nhằm nâng đỡ các vấn đề khác trong mục tiêu phát triển đất nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Đà Nẵng:
Kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi. Trong đó, tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai một phần do những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai 2013. Thông tin về đất đai ở nhiều địa phương hiện nay vẫn thiếu minh bạch.Việc không thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đất đai về công khai thông tin đã dẫn đến những rủi ro mà người dân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Đây là vấn đề cần khắc phục trong dự thảo Luật Đất đai mới.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội:
Ưu tiên đầu tiên trong việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần chú trọng đến những quy định điều tiết phần chênh lệch về địa tô do việc chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra. Thực tế trong việc thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hiện nay, người bị thu hồi đất chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp (thông thường giá đất này rất thấp, chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/m2). Sau đó, diện tích đất này được giao cho các công ty kinh doanh xây dựng nhà ở để nâng lên cả trăm lần.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường