Aa

Sửa sai mới là “thượng sách“

Thứ Ba, 18/05/2021 - 11:45

Nếu coi pháp luật là thượng tôn nhưng mỗi nơi áp dụng luật mỗi kiểu thì hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính Nhà nước sẽ ra sao?

Có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc UBND huyện Đông Sơn ra Quyết định buộc nhà đầu tư phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế. Nếu quá hạn trên, nhà đầu tư không nộp đủ sẽ phải nộp số tiền chậm nộp tương ứng với số tiền chưa nộp.

Có không ít ý kiến ủng hộ UBND huyện Đông Sơn về quan điểm trên và coi đó là "bài thuốc" để chữa căn bệnh “cò" đất đầu cơ thổi giá. Trong khi đó UBND huyện Đông Sơn đưa ra lý do rằng, quy định như vậy để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Một vài quan điểm khác cho rằng, cần đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong quản lý Nhà nước nhìn từ cách áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về tính tiền sử dụng đất của UBND huyện Đông Sơn.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không đề cập tới những vấn đề có tính “ngoài luồng” mang nặng tính chủ quan của độc giả, mà sẽ đề cập tới việc áp dụng văn bản pháp luật của UBND huyện Đông Sơn nhằm lý giải cho những vấn đề còn băn khoăn.

Lần giở lại quy định về thu tiền sử dụng đất có thể thấy rằng, chính sách thu tiền sử dụng đất có sự thay đổi theo thời gian bằng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định để phù hợp với thực tế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, trước đây, Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất chỉ cho phép: “Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất và các khoản phải nộp khác, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất…”.

Đến Nghị định 45/2014/NĐ-CP (thay thế Nghị định 198), thời gian nộp tiền sử dụng đất được kéo dài tới 3 tháng. Tức là, nhà đầu tư được phép hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong vòng 90 ngày, chia thành 2 lần nộp. Trong 30 ngày đầu tiên, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất, số còn lại được nộp trong 60 ngày tiếp theo. Quá thời hạn trên mà không nộp sẽ bị phạt chậm nộp.

Tiếp đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, vẫn không có gì thay đổi về thời gian nộp tiền sử dụng đất so với Nghị định số 45.

Trụ sở UBND huyện Đông Sơn.
Trụ sở UBND huyện Đông Sơn

Như vậy có thể thấy, cả Nghị định 45 và Nghị định 126 (Nghị định 126 đang có hiệu lực thi hành) quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất được kéo dài tới 3 tháng so với Nghị định 198 (Nghị định 198 quy định phải nộp 100% tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế).

Điều này cũng cho thấy rằng, pháp luật quy định về nộp tiền sử dụng đất tại Nghị định số 45 và Nghị định 126 không bắt buộc phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày có thông báo thuế. Mặt khác, cũng không có quy định tính tiền chậm nộp nếu trong 30 ngày, nhà đầu tư không hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính. Điều này hoàn toàn trái ngược với Quyết định do UBND huyện Đông Sơn đề ra. 

Rõ ràng, việc ban hành quy định, trong đó cho phép kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất từ 30 ngày lên 90 ngày quy định tại Nghị định số 45 và Nghị định 126 đều đã được các nhà làm luật tính toán kỹ lưỡng. Điều này được coi là việc điều chỉnh chính sách có lợi cho nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá đất, đặc biệt là đối với dự án phải nộp số tiền sử dụng đất lớn.

Bởi, không khó để nhận thấy rằng, nếu nhà đầu tư phải nộp đủ 100% tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày (kể từ ngày đấu giá thành công, nhận chuyền nhượng, chuyển đổi…) thì không chỉ người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng nhiều đất đai, đất đai có giá trị cao cũng bị áp lực rất lớn trong việc chuẩn bị nguồn tài chính và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước trong thời gian ngắn.

Hay nói cách khác, Nghị định cho phép trong thời gian 90 ngày nhà đầu tư phải hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế có thể coi là "điều kiện cần" để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tài chính, nhằm thanh toán khoản tiền nợ sau khi trúng đấu giá. Đây cũng có thể là một trong những lý do để Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất lên 90 ngày bằng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định có liên quan...

Như vậy, việc UBND huyện Đông Sơn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu nhà đầu tư phải nộp đủ số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày và sẽ tính tiền chậm nộp nếu không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định rõ ràng có mâu thuẫn với Nghị định số 45, Quyết định số 07 của UBND tỉnh và Nghị định số 126 (có hiệu lực pháp luật hiện hành).

Ở một góc nhìn khác, có thể “cảm thông” với lý giải của UBND huyện Đông Sơn khi áp dụng thu tiền sử dụng đất nêu trên. Nhưng các lý do mà UBND huyện Đông Sơn đưa ra để thực hiện mục đích thu ngân sách từ đấu giá đất, dù có thuyết phục đến mấy cũng khó có thể chấp nhận nếu Quyết định hành chính cá biệt đó mâu thuẫn với Luật.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu UBND huyện Đông Sơn áp dụng đúng các quy định pháp luật trong việc thu tiền sử dụng đất và quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo. Hay nói cách khác, sẽ hay hơn nhiều nếu UBND huyện Đông Sơn ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên nhà đầu tư trúng đấu giá nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày, thay bằng việc ban hành mệnh lệnh hành chính thể hiện tính áp đặt, cứng nhắc, có dấu hiệu “phạm quy”. Đó không những được coi là “thượng sách” mà còn thể hiện tầm nhìn đổi mới, sáng tạo trong thực thi công vụ… Còn nếu UBND huyện Đông Sơn vẫn tiếp tục với cách làm “riêng” của mình thì trước tiên có lẽ nên kiến nghị... sửa Luật?

Đặt giả thiết rằng: Nếu coi pháp luật là thượng tôn, nhưng mỗi nơi áp dụng luật một kiểu thì hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính Nhà nước sẽ ra sao? Nên chăng huyện Đông Sơn nên sửa sai lúc này mới là thượng sách?

Năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Kiểm tra VBQPPL) - Bộ Tư pháp đã đưa ra con số giật mình trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Theo đó, cục này đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong số này, 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đánh giá số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội. Mới nhất, năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra 580 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và khoảng 4.300 văn bản của chính quyền cấp tỉnh, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top