Ngày nay, hệ thống tàu điện ngầm và những hạ tầng giao thông đồng bộ đã trở thành một phần không thể thiếu, với những cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu hoạt động của những siêu đô thị trên thế giới. Theo Savills, tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới – Metropolitan Railway, hình thành tại Anh vào năm 1863 chính là tiền đề cho sự phát triển của khu vực ngầm “ăn theo” metro và góp phần đưa London trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của Châu Âu và thế giới.
Từ sự thịnh hành của metro, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song và đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia. Tại Nhật Bản, mạng lưới đô thị ngầm điển hình như Crysta Nagahori ở thành phố Osaka với tổng diện tích hơn 81.000m2, trải dài qua 3 quận đã thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của hệ thống bán lẻ; chỉ riêng quận Umeda đã bao gồm hơn 1.200 cửa hàng.
Còn tại Thái Lan, các dự án tàu điện nội đô đã trở thành động lực phát triển kinh tế trong nước, tạo ra hàng triệu việc làm mới, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư từ xã hội và khởi tạo những mô hình kinh tế mới của kỷ nguyên 4.0 tại đất nước này.
Đô thị ngầm tại TP.HCM đang được triển khai, nằm trong mục tiêu chuyển mình thành “siêu đô thị” tại khu vực Đông Nam Á, hứa hẹn sẽ mang đến tiềm năng thương mại to lớn từ không gian mới mở rộng theo chiều dọc.
Hiện thi công tuyến Metro số 1 đạt gần 76% khối lượng, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Trong đó hai gói thầu đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố và đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son lần lượt đạt gần 74% và hơn 86%. Gói thầu đoạn trên cao và depot cũng đạt gần 86%. Thành phố đặt mục tiêu hết năm nay, dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Trong khi đó, tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dứt điểm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công cuối năm 2020.
Đi liền với hệ thống metro, hàng loạt công trình nối tiếp giúp tái lập và nâng cao tầm vóc của khu vực trung tâm biểu trưng cho nhịp sống sôi động của Sài Gòn. Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành bên dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, quận 1 đang được kỳ vọng có thể sớm hoàn thành cùng thời điểm với Metro số 1.
Với vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, dự án có quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500m2. Trung tâm thương mại này sẽ kết nối với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận, thiết lập chuỗi phố thương mại quốc tế liên hoàn, thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao khu trung tâm.
Kề cận Metro số 1, dự án tái lập công viên Lam Sơn rộng 1.300m2 cũng dự kiến sớm hoàn thành trong thời gian tới sau 6 năm bị rào chắn để làm Metro số 1. Đây sẽ là nơi tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí cho người dân thành phố, tạo mảng xanh trước Nhà hát với điểm nhấn là trục công viên kết nối giao thông bộ và khoảng đệm ra đường Nguyễn Huệ.
Mặt khác, cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành cuối năm nay cũng là một công trình cấp đặc biệt của TP.HCM nối quận 1 và 2 với chiều dài hơn 1,4km cùng 6 làn xe. Với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, công trình là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày đêm. Đây cũng là biểu tượng cổng chào từ trung tâm Sài Gòn qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Toàn bộ các công trình trọng điểm khi hoàn thành sẽ kiến tạo diện mạo mới cho khu trung tâm. Sự chuyển đổi giúp khu lõi của Sài Gòn trở nên thân thiện hơn với người đi bộ, tạo liên kết tốt hơn giữa các tòa nhà thương mại, dịch vụ và các công trình di sản văn hóa nội khu CBD, kết nối với sông Sài Gòn và với khu đô thị Thủ Thiêm bên kia sông, đồng thời tăng kết nối liên vùng giữa khu lõi và các khu vực đang phát triển mạnh mẽ như phía Đông Sài Gòn.
Từ những sự thành công điển hình của các quốc gia trên thế giới, tuyến metro cũng như các công trình trọng điểm kết nối CBD được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nói chung và bất động sản khu trung tâm nói riêng phát triển vượt bậc trong tương lai gần.