Làn sóng Covid-19 mới đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh trên thị trường bất động sản khi mức độ báo động ngày càng gia tăng. Tốc độ lây lan nhanh chóng cùng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh gia tăng đặt ra cảnh báo lo ngại về tình trạng "sức khoẻ" của doanh nghiệp bất động sản.
Thực tế, trước đó, giới phân tích cho rằng, trải qua 3 lần bùng phát dịch bệnh, “sức khoẻ” của các doanh nghiệp sẽ gia tăng "sức đề kháng”.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu như không có doanh thu, tình hình dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản. Chưa kể, trước đó, doanh nghiệp đã phải lao đao khi chi phí nuôi dưỡng bộ máy, phòng chống dịch tăng mạnh trong khi nguồn thu sụt giảm.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, “sức đề kháng” của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn lực. Nếu không có doanh thu, dòng tiền thu về để duy trì bộ máy hoạt động, doanh nghiệp sẽ suy kiệt. Bà Hương phân tích, ở giai đoạn trước, dịch bệnh bùng phát nhưng lại sớm được kiểm soát nên doanh nghiệp ngay sau đó có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền đổ về. Nhưng giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh được đánh giá có quy mô và diễn biến phức tạp, cộng với chính sách giãn cách xã hội tại một số địa phương, các hoạt động sản xuất, bán hàng sẽ bị tạm dừng. Nếu kéo dài, doanh nghiệp sẽ dần suy yếu vì nguồn lực suy giảm, không có dòng tiền để nuôi dưỡng bộ máy.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi không nhận ra "sức đề kháng" của doanh nghiệp gia tăng sau 3 lần bùng phát dịch. Doanh nghiệp chỉ có kinh nghiệm trong phòng chống dịch chứ 3 lần Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Điển hình doanh nghiệp thiếu vốn, buộc phải phát hành trái phiếu ồ ạt. Đó là tín hiệu cảnh báo lo ngại cho thị trường bất động sản trong khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19”.
Vị chuyên gia kinh tế này còn đặt ra lo ngại, trong khó khăn, doanh nghiệp phải có khoản dự phòng để giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự qua khủng hoảng. Nhưng hiện tại, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn không trích lập các khoản dự phòng. Thế nên, nếu dịch bệnh kéo dài, không có nguồn thu, nguy cơ doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản rất lớn.
Mặt khác ông nói thêm, đặc thù doanh nghiệp địa ốc phát triển dự án luôn cần vốn lớn. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn ở thời điểm dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi hoạt động bán hàng bị ngưng trệ, doanh nghiệp không có nguồn thu để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn.
Dẫu đánh giá về mức độ và tác động ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 đến thị trường bất động sản lớn, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào sự xoay chuyển cục diện trong thời gian tới.
Theo đó, bà Nguyễn Hương cho rằng, với chương trình đẩy mạnh tiêm vaccine cùng nguồn vaccine lớn vào Việt Nam trong thời gian tới, dịch bệnh cơ bản có thể được kiểm soát trong quý II và quý III. “Hy vọng đến quý IV, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sớm phục hồi nhanh chóng trở lại”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hương nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải bật chế độ thận trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay./.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp địa ốc nên chuẩn bị khoản dự phòng để vượt qua dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí không cần thiết, cân nhắc kế hoạch xây dựng và bán hàng phù hợp khi dịch đang có tốc độ lây lan nhanh.