Aa

Sức mạnh của đức tin

Thứ Hai, 23/03/2020 - 09:30

Lúc Covid qua đi, ta còn lại gì khi mà không thể trở về như cũ? Đây là lúc đức tin sẽ dẫn dắt, nhưng không phải là niềm tin vào đấng tối cao. Mà là niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống.

Cảm xúc của tôi khi đọc tin "bệnh nhân thứ 100 đều đặn đi hành lễ 5 lần/ngày ở thánh đường dù đã được yêu cầu tự cách ly" thật khó tả.

Nó đan cài nhiều thứ. Thất vọng, tức giận, sợ hãi, bất lực. Tôi liên tưởng đến cái cách mà Hàn Quốc đã rơi vào dịch, hoặc Iran, Malaysia.

Tôn giáo là đức tin. Con người có tự do đức tin. Khi đi học, tôi được dạy rằng đức tin tôn giáo là niềm tin hư ảo. Hư ảo không xấu, nó cho ta thêm sức mạnh, lòng hướng thiện, ý nghĩa sống.

Nhưng tôi cũng được dạy rằng, các đấng bề trên linh thiêng sẽ không thể độ trì ta, cứu rỗi và ban ơn lành cho ta nếu ta không nỗ lực tự độ mình, cứu rỗi mình và ban phước cho mình. Khi ta không có sức mạnh hoặc không muốn làm mình mạnh lên, không đấng cao linh nào có thể thay ta làm điều đó.

Xét về khía cạnh xã hội, ngoài tôn giáo thì pháp luật và đạo đức là những công cụ cơ bản để quản lý xã hội. Tự do tôn giáo, nhưng không đi ngược pháp luật, đạo đức xã hội, làm tổn hại cộng đồng. Ba yếu tố đó phải đan quyện với nhau để tạo nên sự vận hành của xã hội. Thậm chí, tôn giáo là công cụ kém quan trọng nhất trong đó, vì những free thinkers (những người suy nghĩ tự do) vẫn sống theo pháp luật và thông lệ cộng đồng.

Con người là sinh vật xã hội. Cuộc sống của mỗi con người từ nguyên thủy đã không thể tách rời cộng đồng. Mai An Tiêm trồng dưa hấu cũng chỉ thấy hạnh phúc khi đem dưa hấu dâng vua và được trở lại sống giữa cộng đồng. Robison Crusoe can trường giữa đảo hoang vẫn phải làm bạn với Thứ Sáu và không ngừng khắc khoải chờ ngày trở về.

Mỗi việc ta làm, mỗi lời ta nói, mỗi tương tác từ tinh tế nhất đến thô kệch nhất của chúng ta đều có tác động đến người khác ở một mức độ và hình thức nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, hữu tri hoặc vô tri.

Khi ta là thành tố quan trọng, sức ảnh hưởng của tác động đó càng lớn. Một người lệch chuẩn có thể làm hại cả một cộng đồng, một xã hội, một hành tinh. Ta hay nói về lòng vị tha, nhưng đó là một món quà xa xỉ. Tốt nhất, ta đừng biến mình thành kẻ ăn mày lòng vị tha.

Cuộc sống luôn biến động, chẳng có cái gì đứng im. Ta biết vậy. Nhưng đa phần chúng không thể hiểu cái gì sẽ đến, cho đến khi nó thật sự đến. Như những con khủng long bạo chúa, chúng không nghĩ sức mạnh của sự to xác sẽ khiến chúng sẽ chết đầu tiên khi khí hậu thay đổi. Chúng không ngờ những con mồi nhỏ bé của chúng có thể tiến hóa thành chim, thành thằn lằn để sống được đến tận mãi sau.

Khi một biến cố đến, ngay lập tức những chuẩn mực xã hội sẽ biến đổi theo như một tất yếu. Khi không có đại dịch, bắt tay nhau là một chuẩn mực, giờ thì không bắt tay mới là chuẩn mực.

Chuẩn mực xã hội thay đổi sẽ kéo theo mỗi con người phải thay đổi. Những thói quen sẽ phải thay đổi, những giá trị cũng phải thay đổi theo. Những yêu cầu của cuộc sống sẽ dẫn dắt chúng ta. Đến mức mà chúng ta không thể làm khác được nếu không muốn trở thành kẻ sống ngoài cộng đồng. Những thói quen bình thường, có thể trở thành những điều gây hại.

Ngày thường, chúng ta kêu gọi nhau đi xe bus để giảm ách tắc. Ngày Covid, chúng ta kêu gọi nhau ngừng đi bus.

Ngày thường, chúng ta cổ súy tự do trong suy nghĩ và hành động. Ngày Covid, chúng ta đề nghị nhau tất cả làm theo những chỉ thị chung, tất cả cùng nghĩ tích cực. Chúng ta đang, và phải thay đổi để thích nghi. Không thể khác, nếu chúng ta không muốn gây ra những tương tác thô bạo cho cộng đồng.

Chúng ta hay ước ao: bao giờ thì cuộc sống trở lại bình thường? Tiếc thay, cuộc sống đang rất bình thường vì biến cố là một phần của cuộc sống bình thường.

Khi đại dịch qua đi, có những thứ không bao giờ trở lại bình thường theo cách bạn muốn. Người chết không sống lại, cơ thể mỗi người có thể có thêm một đoạn gene nào đó, một hàng bánh mì mãi mãi đóng cửa để nhường chỗ cho một hiệu thuốc tây.

Các lỗ hổng chết người trong các xã hội, điều mà khi "bình thường" không ai nhìn thấy, sẽ được vá lại. Những chuẩn mực toàn cầu hóa mà chúng ta theo đuổi có thể trở nên lạc hậu. Những nền tảng công nghệ mới có thể sẽ ra đời.

Nhỏ hẹp hơn, những thói quen mà chúng ta nỗ lực hình thành trong mùa mùa Covid sẽ sớm lạc hậu, trong khi những thói quen cũ trước đó cũng không còn phù hợp. Chúng ta lại phải thay đổi để trở thành những con người mới.

Giữa lúc này, sức mạnh của cộng đồng được tạo lập dựa trên nhu cầu sớm chặn đứng dịch bệnh. Kỷ luật, cách hành xử chung, đóng góp công, của và ý tưởng đều theo một hướng. Chính nó tạo ra sức mạnh cho mỗi chúng ta, và triệt tiêu những thói quen, suy nghĩ, hành xử ngược chiều.

Sau đó thì sao, lúc Covid qua đi, ta còn lại gì khi mà không thể trở về như cũ?

Đây là lúc đức tin sẽ dẫn dắt, nhưng không phải là niềm tin vào đấng tối cao. Mà là niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống.

Cuộc sống này chưa bao giờ tồi tệ đi, nó chỉ thay đổi và không ngừng tạo ra những giá trị mới, chuẩn mực mới. Ta cần tin rằng, chúng ta sẽ sống qua giai đoạn "đồng phục" này để còn được đón nhận những điều mới mẻ mà Covid mang đến cho cuộc sống sau khi nó, cùng với cuộc sống cũ, chết đi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top