Những ngày này, tổ dân phố 2, phường Nguyễn Trãi rộn rã tiếng máy cuốc, máy đầm, máy khoan... thi công công trình: Cải tạo, nâng cấp đường Lê Hoàn, hạng mục mặt đường, rãnh thoát nước, vỉa hè. Tuyến đường trên được mở rộng, nâng cấp lòng đường với chiều dài gần 800 m và gần 5.700 m2 diện tích mặt đường với tổng mức đầu tư trên 18,7 tỷ đồng. Mặt đường nâng cấp bao gồm: Thảm bê tông nhựa; phá dỡ toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ dọc 2 bên tuyến đường; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc tuyến...
Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân để giải phóng mặt bằng, thực hiện thi công công trình đảm bảo tiến độ đề ra, UBND phường Nguyễn Trãi đã tổ chức họp bàn với các hộ dân sinh sống trên trục đường Lê Hoàn. Qua đó, triển khai công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất, lát đá vỉa hè, tự nguyện tháo dỡ công trình không kiên cố như nhà để xe, bán mái, tường rào... nằm trong phạm vi thi công. Anh Phạm Văn Tích (tổ dân phố 2) chia sẻ: “Mặc dù biết “tấc đất, tấc vàng” nhưng vì việc chung, gia đình tôi tự nguyện hiến trên 50 m2 đất thổ cư để mở rộng đường”. Còn gia đình chị Hoàng Thị Lê không chỉ hiến 3,2 m2 đất thổ cư mà còn là hộ dân tiên phong thu hẹp diện tích nhà xe để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công công trình. Đồng thời, chủ động lát đá vỉa hè, góp phần tạo mỹ quan đô thị. Chị Lê cho biết: “Gia đình tôi đã chi hơn 20 triệu đồng để thực hiện các phần việc trên. Nhưng bù lại, tương lai gần, tôi và các hộ dân sinh sống dọc theo trục đường Lê Hoàn là những người trực tiếp hưởng lợi từ công trình. Đó là sự hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, diện mạo đô thị khang trang, đẹp mắt hơn...”.
Trong tiến trình xây dựng TP. Hà Giang đạt chuẩn đô thị loại II, xác định nguồn lực xã hội rất quan trọng, cần được thu hút để tăng tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, Thành ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 02 về việc xã hội hóa xây dựng, chỉnh trang đô thị TP. Hà Giang, giai đoạn 2020 - 2025. Với quan điểm xuyên suốt “dân là gốc” cùng phương thức “dân vận khéo”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 02 đã kết tinh nhiều thành tựu từ sức mạnh nội lực trong nhân dân. Theo đó, TP. Hà Giang đã huy động nguồn kinh phí trên 210 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị. Trong đó, nhân dân đóng góp số tiền lên đến gần 84 tỷ đồng. Đến nay, từ nguồn xã hội hóa, TP. Hà Giang đã lắp 839 bộ camera an ninh, đạt gần 120% so với kế hoạch; hoàn thành lát đá vỉa hè 21/46 tuyến đường với tổng diện tích 86.236 m2; thảm nhựa, nâng cấp đường bê tông với tổng diện tích 93.558 m2. Không những vậy, nhân dân còn tự nguyện hiến gần 10.000 m2 đất để làm đường và chủ động tháo dỡ các vật kiến trúc với tổng diện tích trên 1.200 m2...
Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân còn khó khăn về kinh tế, không đủ nguồn lực để xã hội hóa nguồn kinh phí đầu tư theo mặt bằng chung. Một số hộ không tự nguyện hiến đất làm đường, vỉa hè, đòi hỏi hỗ trợ kinh phí bồi thường dẫn tới một số tuyến phố chưa đồng bộ về kích thước lòng đường, vỉa hè, chưa đảm bảo mỹ quan đô thị, ảnh hướng đến tiến độ thi công của công trình. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết đối với cả hệ thống chính trị TP. Hà Giang trong việc tiếp tục thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” để huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 02 của Thành ủy. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025: 100% các tổ dân phố, 50% số thôn có camera an ninh; 100% hệ thống vỉa hè được xã hội hóa lát đá hoặc gạch bê tông; 100% tuyến đường ngõ, xóm, khu dân cư đổ bê tông hoặc thảm nhựa và có điện chiếu sáng.../.