Đầu tiên là ở tầm quốc gia, môn Sử.
Điểm trung bình môn toàn quốc là 3,79. Choáng váng. Không thể tin được là học sinh tốt nghiệp phổ thông, những cô tú cậu tú, lại có hiểu biết về lịch sử nước nhà kém như vậy. Mà tôi được biết lịch sử đất nước là một môn quan trọng. Ở nước Mỹ, một người nhập cư muốn được vào quốc tịch Mỹ cũng phải qua một kỳ thi, trong đó sẽ có những câu hỏi về kiến thức về lịch sử nước Mỹ. Vậy mà học sinh ta sinh ra ở Việt Nam, thi về lịch sử Việt Nam làm sao lại ra nông nỗi này? Với tư cách là một nhà văn viết khá nhiều truyện lịch sử, tôi liền đi tìm hiểu xem sao. Tôi lấy bộ đề thi môn Sử, 15 bộ, đánh số từ 301 đến 315 ra xem. Xem kỹ. Và khi xem xong, tôi thấy học sinh hoàn toàn không có lỗi! Lỗi là ở... chính môn Sử! Tôi đọc cả mười lăm đề thi và thấy nó giống như một bài trắc nghiệm về chính trị, lịch sử Đảng chứ không phải là bộ đề thi kiểm tra kiến thức lịch sử cần có của một người tốt nghiệp trung học phổ thông, sẽ đủ mười tám tuổi, sẽ thành công dân chính thức của nước nhà ngay sau đây.
Tôi không hạ thấp tầm quan trọng của chính trị, của lịch sử Đảng. Nhưng dù thế nào thì đó cũng chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi so với bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm qua của dân tộc Việt Nam. Với bao nhiêu chiến công vẻ vang và cũng từng đó đau thương mất mát. Với muôn vàn những người anh hùng vĩ đại và cũng không thiếu những kẻ đê hèn bán nước hại dân. Những trận đánh thắng oai hùng quân xâm lược. Và cả những cuộc thiên di về phương Nam đẫm máu và nước mắt...
Những điều đó hoàn toàn vắng bóng ở bộ đề thi này.
Và chắc chắn nó vắng bóng trong sách giáo khoa lịch sử, trong chương trình dạy môn Sử của các em. Từ bộ câu hỏi kia, tôi có thể nói rằng, môn Sử trong trường phổ thông đã bị chính trị hóa quá nặng nề. Trong khi về bản chất, Sử phải là một môn khoa học: Khoa học Lịch sử. Phải khách quan. Nó phải tạo ra cho người học niềm hứng khởi say mê nghiên cứu quá khứ của cha ông tổ tiên. Sự hình thành nên quốc gia dân tộc. Nó phải khơi gợi cho trí tò mò của học sinh câu hỏi, chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến?
Cho nên với cách viết Sử, dạy Sử như hiện thời nó đã triệt tiêu toàn bộ hứng thú học Sử của học sinh. Và chúng không học, không thể thuộc nổi những cái kiến thức nửa Sử, nửa chính trị giáo điều dập khuôn kia như một điều dĩ nhiên. Thế cho nên điểm thi thấp của môn Sử là hợp logic!
Lâu nay chúng ta vẫn hay than thở với nhau là, dân ta không thuộc Sử ta. Trẻ em thuộc Sử tàu hơn Sử ta... Tôi chợt nghĩ, hay có một thế lực thù địch nào đó đang âm mưu bằng những quyển sách sử dở hơi kia để làm cho học sinh chúng ta chán Sử, mù tịt về cha ông đất nước. Mất gốc, vong bản ngay trên chính quê hương mình. Và rồi sẽ dần mất nước... Liệu tôi có suy diễn quá chăng?
Tôi vốn là cựu học sinh của Trường THPT Thuận Thành số 1. Trường huyện của tỉnh Bắc Ninh. Tôi ra trường đã bốn mươi năm nhưng do một công việc tình nguyện nên tôi vẫn thường xuyên theo dõi việc học trong trường. Hôm nay tôi nhận được bảng điểm kỳ thi THPT quốc gia của trường vừa qua.
Tôi xin nói về kết quả một môn, đang gây tranh cãi dữ dội: Môn Toán.
Ở mức độ toàn trường: Có 674 học sinh dự thi. Điểm cao nhất là 9,8. Điểm thấp nhất là 2,4. Điểm trung bình môn là 6,23.
Khảo sát kết quả lớp 12A1, lớp đứng đầu trường kết quả như sau: Lớp có 50 học sinh. Điểm cao nhất là 9,8. Điểm thấp nhất là 6,0. Có 22 học sinh đạt điểm từ 8 trở lên (điểm giỏi). Điểm trung bình môn của lớp là 7,7.
Kết quả điểm thi môn Toán hoàn toàn phù hợp với kết quả học tập của các em học sinh thể hiện trong ba năm. Và trong các kỳ thi thử nhà trường tổ chức gần đây. Em Vương Xuân Hoàng đạt điểm cao nhất môn Toán (9,8) và là thủ khoa khối A duy nhất toàn quốc thì cũng là học sinh giỏi nổi tiếng của lớp, đã từng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Với truyền thống bao năm nay, “Dạy thật, học thật, thi thật”, tôi dám khẳng định kết quả thi THPT quốc gia trên của trường, lớp là chính xác trung thực. Học là một quá trình tích lũy kiến thức, như leo núi. Không thể một phát nhảy ngay lên đỉnh. Nếu ai đó, chỗ nào đó mà có những kết quả thi bất ngờ thì chắc chắn có sự gian lận ở đây. Đó là điều ai cũng có thể khẳng định được.
Cũng xin đừng ai nói là thi trắc nghiệm, cứ đánh bừa cũng có thể đạt 10 điểm. Khả năng đó là có, nhưng những ai đã học Toán xác suất thì thấy rằng đó là điều gần như viễn tưởng: Xác suất là cực thấp. Gần như bằng không!
Khi thi xong môn Toán, đề bài được tung ra trên mạng. Một cuộc tranh cãi gay gắt nổ bùng ra. Rất nhiều ý kiến cho là quá khó, đánh đố học sinh. Thậm chí có vị giáo sư Toán đáng kính, đang dạy đại học bên Pháp còn thốt lên là ông ấy không thể làm xong trong thời gian 90 phút của môn thi. Và ngài nói, đã nước mắt lưng tròng vì thương học sinh ta...
Khi tôi có trao đổi trước trên mạng là, có thể có học sinh trường tôi đạt 9,8 toán. Vì em ấy về chấm theo đáp án công bố thì thấy mình chỉ sai một câu, mà là câu dễ, nên cậu chàng đang tiếc hùi hụi. Nếu cẩn thận thêm chút nữa là có thể đạt điểm tối đa. Một ngài cũng có vai vế trong ngành giáo dục nói với tôi là không tin! Muốn kiểm tra lại. Vậy hôm nay đã có kết quả, tôi xin công khai lên đây để quý ngài nếu muốn có thể về nhà em Vương Xuân Hoàng kiểm tra lại.
Vậy thì những kết quả trên đây của học sinh nói nên điều gì?
Trước hết với những chuyên gia về Toán, họ đã quên béng đi một điều cơ bản rằng Toán phổ thông- Toán sơ cấp và Toán đại học- Toán cao cấp có triết lý mục tiêu rất khác nhau. Toán sơ cấp là chủ yếu rèn kỹ năng kỹ xảo tính toán cụ thể. Toán cao cấp là rèn luyện tư duy phương pháp làm việc. Mà đã là kỹ năng kỹ xảo thì, "trăm hay không bằng tay quen", các thầy bỏ việc tính toán lâu rồi, nên làm chậm hơn cánh trẻ nó nhanh và được ôn luyện thường xuyên là thường. Giáo sư dạy Toán đại học giải toán thua học sinh phổ thông cũng là chuyện đương nhiên. Trẻ nó phải hơn già chứ, quy luật của cuộc đời, chống lại được sao?
Với ngành giáo dục, họ cứ loay hoay trong cơn bão dư luận. Thấy thương. Nhảy từ cực nọ sang cực kia. Năm ngoái ra đề dễ tạo ra cơn mưa điểm mười, bị chửi. Năm nay ra đề khó, làm cho cả thí sinh lẫn giáo sư đại học phải khóc ròng, cũng bị chửi! Hình như cái nét văn hóa nổi trội của chúng ta bây giờ là chửi. Gặp gì cũng chửi, bất kể đúng sai phải trái, chả phân tích so sánh trước sau, chửi tuốt. Chửi cho sướng mồm. Chúng ta không nhận thức được rằng, giáo dục hay là bất cứ một ngành nào khác đều chỉ là một bộ phận trong thể chế xã hội này. Khi cả xã hội chưa được cải cách và đổi mới thì một bộ phận nào nằm trong cái lồng đó có lục sục, loay hoay đến đâu, kiểu gì rồi cũng vẫn quay lại trong cái lồng cũ kỹ lạc hậu ấy mà thôi. Mọi cuộc thử nghiệm cải cách nọ kia chỉ phí tiền dân.
Vấn đề là chúng ta cần phải có một cuộc cải cách đổi mới triệt để toàn diện thể chế xã hội. Thay cái lồng cũ kỹ kia đi. Đổi mới từ tư duy thiết kế nên xã hội này. Và từ đó chúng ta mới có thể thay đổi từ gốc rễ tư duy giáo dục. Đấy mới là nền tảng, là vĩ mô của nền giáo dục nước nhà, chứ không phải loay hoay đổi mấy cái đề thi Văn, Toán, Sử, Địa, Hóa, Lý... vi mô đâu!