Hồi xưa còn bé ở làng, nghe các bậc cao niên thỉnh thoảng nói về phong thủy, thấy rất bí hiểm. Thỉnh thoảng một nhà nào làm nhà hay cất mộ lại mời một ông thầy “địa lý phong thủy” đến. Cầm một cái thước toàn chữ tàu và một cái la bàn. Ngắm. Đo. Tính toán. Rồi thày phán. Gia chủ cứ thế răm rắp làm theo. Công hậu hĩnh. Xôi gà nay là chuyện nhỏ. Phong bì phong bao chu đáo kia. Sau này lớn lên, đi học nhà trường xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, dạy ca dao chống mê tín dị đoan có câu: “Hòn đất mà biết nói năng/ thì thầy địa lý hàm răng không còn.” Lòng hoang mang lắm. Định bụng có dịp sẽ tìm hiểu kỹ về phong thủy, cái thuật mà giờ đây hình như là câu cửa miệng của nhiều người.
Tìm hiểu sâu thì thấy cái khái niệm “phong thủy” có từ ngàn xưa kia, thực ra cũng rất là gần gũi với đời sống con người chứ chả có gì cao siêu bí ẩn cả. Bởi “phong” nghĩa là gió. Gió trời lồng lộng thổi suốt bốn mùa đó. Còn “thủy” là nước. Nước sông suối ao hồ, nước mưa trên trời, nước ngầm dưới đất, nước mênh mông ngoài biển khơi. Cho nên người xưa phát kiến ra cái môn “địa lý phong thủy” là để nghiên cứu hướng gió, mạch nước nó tác động đến đời sống con người ra sao. Nói “nghiên cứu” là dùng ngôn ngữ của thời nay, chứ xưa các cụ nhà ta chả nói thế. Các cụ nói, xem phong thủy. Xem hướng gió thổi, xem hướng nước chảy thôi mà.
Xem gió xem nước khi cất nhà làm nơi ở - cái này gọi là dương trạch. Và khi đặt mộ cho người thân - cái này gọi là âm trạch.
Ngẫm thấy cái gọi là thuật phong thủy, chẳng qua cũng là một môn khoa học thực nghiệm đầy tính logic nghiên cứu về địa thế núi sông, hướng gió và nước chảy để phục vụ cho đời sống con người mà thôi, đặc biệt là trong việc xây dựng nhà cửa, quy hoạch làng xóm phố phường.
Làm nhà ở ta, vùng á nhiệt đới mà không ngắm hướng gió cho kỹ, ghé cửa vào hướng Bắc thì mùa đông gió lùa cho rét thấu xương. Ghé Tây thì mùa hè gió Lào nung cho chín người. Thế thì được câu “đông lạnh, hạ nóng”, cả nhà người lớn không ốm đau bệnh tật, trẻ em không sài đẹn mới là lạ. Vậy nên, thuật phong thủy là phải cất nhà làm cửa sao cho “đông ấm, hạ mát” là vậy. Dân ta cũng chẳng đã truyền ngôn “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” đó sao?
Còn “thủy” quan trọng hơn nhiều. Đặc biệt là thời xưa, khả năng chinh phục thiên nhiên của con người còn có hạn nên vai trò của ngắm, đoán định hướng nước chảy vô cùng quan trọng với đời sống dân cư, với việc cất nhà lập làng xóm. Bởi cha ông ta đã đúc kết, “thủy hỏa là đạo tặc.” Nước, chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên tai họa cho con người. Ai trong chúng ta chả đã từng chứng kiến sức mạnh của “thủy tặc”, ít nhất là ... qua tivi! Những trận lũ ống lũ quét kinh hoàng trên miền núi. Những cơn bão tố kết hợp cả hai yếu tố, “phong - thủy” vào với nhau thì thảm họa thật khôn lường. Thế nhưng nước, lại là một yếu tố tối cần thiết cho con người! Thế nên ta mới phải nghiên cứu nó để tránh cái hung ác, lựa cái phần mềm dịu hiền lương để mà sống cùng. Làm nhà mà không ngắm cho kỹ, đặt ngay dưới chân núi, vào đường nước trời xả thì sớm muộn tai họa cũng sảy ra, chứ kêu gì ai nữa!
Nên ngẫm thấy cái gọi là thuật phong thủy, chẳng qua cũng là một môn khoa học thực nghiệm đầy tính logic nghiên cứu về địa thế núi sông, hướng gió và nước chảy để phục vụ cho đời sống con người mà thôi, đặc biệt là trong việc xây dựng nhà cửa, quy hoạch làng xóm phố phường. Muốn làm gì thì làm, sao cho gió lành vào nhà, gió độc bị chặn. Quy hoạch thiết kế làm sao thì làm, nước trời mưa xuống, thành dòng, suối thành sông thì phải có đường chảy xuôi về phía biển. Nghĩa là phải thoát nước. Nếu ngăn dòng chảy sớm muộn cũng ục. Làm nhà hay cất mộ vào đúng những chỗ đó kiểu gì cũng tan! Việc phong thủy thực ra cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Hàng ngàn đời nay đã đúc kết thành nguyên tắc rồi. Thế nhưng dạo này nước ta hình như phong thủy nở hoa. Trăm hoa đua nở: Nào là phong thủy nhà cửa đất đai (cái này thì đã đành). Phong thủy đặt mồ mả cha ông táng hàm rồng để con cháu phát vua (thế thì cả nước làm vua ráo, chả còn dân nữa!) Phong thủy bàn thờ (cái này chắc là để cầu cái gì, buông miệng được ngay cái đó). Phong thủy giường ngủ (cái này để đẻ con trai - cơ mà trộm nghĩ, đẻ toàn con trai thì... có mà nổ tung cả nhà lẫn nước chứ giường thì làm gì?”. Phong thủy bàn làm việc công sở (cái này thường dành cho quan chủ, giữ ghế cho chắc, chứ nhân viên loong toong tính toán gì?). Tóm lại đâu cũng phong thủy, phong thủy... Cơ mà người viết bài này dám chắc trong mười ông bà mở mồm ra bàn về phong thủy thì có khi tới chín nhân chả hiểu bản chất phong thủy nó là cái gì!
Thì thiên hạ nói phong thủy thì mình cũng phong thủy thôi!
Đến đây thì tôi bỗng ngộ ra là, mấy tay thầy địa lý phong thủy bất lương bịp bợm ngày xưa lợi dụng trình độ hiểu biết có hạn của dân ta, lúc đó đa số mù chữ. Họ đọc được vài câu trong sách, rồi tô thêm cho cái kiến thức thực ra rất dễ hiểu về phong thủy này một cái màu sắc u mê huyền bí để lòe dân chúng kiếm ăn. Thế nhưng trí tuệ dân gian cũng không phải vừa, đối chiếu với kinh nghiệm thực tế và những lời chỉ bảo chân tình của những người hiểu biết trong cộng đồng, dân ta đã rút ra là, “hòn đất mà biết nói năng...”
Đấy là chuyện xưa. Còn nay thì sao?
Với nền văn minh phân lô bán nền, nhà ống cả nước như nay thì phong thủy còn đất sống không, khi mà nhà ai cũng chỉ có mỗi một hướng là... mặt đường? Cái này chắc các kiến trúc sư đại tài của nước Việt thể nào chả có câu trả lời, xin dành các ngài!
Ở quê tôi, các cụ truyền lại khá nhiều nguyên tắc của thuật phong thủy. Có những cái thuộc về bất di bất dịch. Tuyệt đối không được phép phạm vào. Một trong những nguyên tắc đó là, “Không bán xắn đất đi ăn.” Bởi phàm nhà nào túng thiếu đến độ phải bán xắn đất của tổ tiên để lại mà cho vào mồm thì thực sự là cùng quẫn lắm rồi, không còn đường cứu nữa! Bởi đất đai có đẻ ra được đâu, bán đi rồi, vào mồm hết là hết. Miệng ăn núi lở. Mai ngày còn cái gì nữa để mà tăng gia sản xuất, để mà dựng cửa dựng nhà cho con đàn cháu đống ở? Chỉ có nước lụn bại tha phương cầu thực muôn đời mà thôi!
Bởi thế cho nên, bán xắn đất tổ tiên, là một đại kỵ trong thuật phong thủy là vậy!