Aa

Ta nhận ra hai bờ xanh đến thế

Thứ Ba, 03/01/2023 - 06:15

Tôi đã từng đằm mình trên dòng sông Nghèn quê hương, uống nước trên những dòng kênh xanh, những ngày đi học. Và tôi ao ước, bao giờ dòng sông quê tôi lại chảy, lại được ngắm nhìn những đoàn thuyền trẩy hội.

Quê tôi có một dòng sông, tên mộc mạc - sông Nghèn. Sông bắt nguồn từ Thị xã Hồng Lĩnh, trườn qua cánh đồng phì nhiêu của Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà trước khi hòa vào biển cả.

Thuở tôi lớn lên, thủy triều lên xuống, nước sông xanh ngắt. Tôi còn nhớ, bao buổi chiều theo chúng bạn ra bờ sông, lúc thì ngụp lặn, bơi qua sông hái bần; lúc thì ngắm những đoàn thuyền xuôi ngược, đàn sứa dập dìu lúc thủy triều lên.

Tôi từng đọc tác phẩm và bộ phim cùng tên “Cánh buồm đỏ thắm”, nhớ như in một câu chuyện lãng mạn dành cho lứa tuổi mới lớn của nhà văn Nga, Aleksandr Grin. Cánh buồm của những đoàn thuyền nan qua con sông quê tôi, không đỏ thắm, toàn màu nâu, thi thoảng ngư dân vá thêm những miếng màu trắng đục. Có điều tên của tác phẩm làm tôi nao nao nhớ dòng sông, nơi lưu giữ của tôi và chúng bạn cả khoảng trời ký ức.

Không chỉ cho con cá, con tôm, trở thành tuyến giao thông thủy từ xuôi lên ngược và ngược lại, sông còn là chứng tích của một “thời hoa lửa”. Nhà văn Đắc Túc từng có bút ký “Dòng sông bi hùng”, viết về dòng sông này.

“Ngày ra đi/ Ta rất trẻ và sông rất trẻ/ Vừa đi vừa bay, ta vẫn thấy mình sao chậm thế/ Còn sông thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô!” (Sông Nghèn gặp lại). Nhà thơ, Đại tá, TS. Lê Thành Nghị, người sinh ra và lớn lên cũng bên dòng sông Nghèn, từng có bài thơ giàu cảm xúc như vậy về dòng sông.

“Ta nhận ra hai bờ xanh đến thế/ Và nụ hoa trong cỏ tím dường kia!” (Ảnh minh họa: IT)

Rồi vì sự phát triển của quê hương, dòng sông ngưng chảy. Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, sông Nghèn bị chặn lại ở Đò Điệm (huyện Lộc Là) để “ngọt hóa”, lấy nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Thời ấy, cả nước còn phải lo miếng ăn, bát cơm đầy còn là mơ ước. Thế nhưng, bắt đầu từ đó, biết bao nhiêu vấn đề sinh thái đặt ra, khi dòng sông trở thành ao tù, nước đọng.

“Bao giờ sông lại được khơi dòng?”, tôi từng đem câu hỏi này đặt lên bàn Bí thư Huyện ủy quê nhà. Anh nhận ra, đó là điều nên làm, để xanh lại dòng sông, khôi phục lại sinh thái vốn đã bị phá vỡ, nhưng rồi anh thở dài: “Khó lắm”.

Hóa ra, câu nói: “Chiến thắng chính mình là chiến thắng vinh quang nhất”, không cũ. “Mình” ở đây không phải là cá nhân, mà cả một tập thể, giữa thời cần “tư duy xanh”.

“Ta nhận ra hai bờ xanh đến thế/ Và nụ hoa trong cỏ tím dường kia!” (Sông Nghèn gặp lại). Nhà thơ thường lãng mạn. “Hai bờ xanh”, “nụ hoa trong cỏ” mà nhà thơ Lê Thành Nghị nhìn thấy, có thể là trong hoài niệm hoặc mong chờ gặp lại.

***

Nhà tôi ở cạnh sông Tô Lịch, ngày nào tôi cũng đi qua đây. Thế nên tôi bị ám ảnh hơn những người dân Hà Nội khác sống xa dòng sông? Có bao nhiêu dòng sông đã chết? Rất nhiều. Các dòng sông như Nhuệ, Đáy, Cầu, Vu Gia, Thu Bồn, Đồng Nai, Sài Gòn... đều ô nhiễm nghiêm trọng, tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.

Việt Nam ở vào vị trí đắc địa, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho đất nước ta những tiềm năng, không dễ đất nước nào có được. Trong những tiềm năng ấy, có các hệ thống sông ngòi từ Bắc đến Nam. Sông trở thành một phần hồn vía của đất trời; người Việt hình thành và phát triển cùng các dòng sông; sông đi cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha; sông là một phần văn hóa phi vật thể, hình thành nên văn hiến Việt Nam.

Thật vậy, hệ thống nước mặt của Việt Nam với hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Hai bên các dòng sông người Việt quần cư, lập nên làng, nên xã từ bao đời nay. Lúa trên đồng, tôm, cá dưới nước. Đời người từ thế hệ này, đến thế hệ khác lớn lên bên dòng sông. Văn hóa Việt Nam khởi sinh từ dòng sông.

Đời người từ thế hệ này, đến thế hệ khác lớn lên bên dòng sông. (Ảnh minh họa: IT)

Gần đây, tôi có dịp diện kiến nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản - TS. Tạ Quang Ngọc. Ông mừng vui vì kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản năm này cao hơn năm khác. Con cá, con tôm Việt Nam đã góp phần tạo nên thương hiệu “thủy sản Việt Nam”, có mặt chững chạc trên những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, EU... và sẽ còn vươn xa nữa. Nhưng nhắc đến các dòng sông, khuôn mặt TS. Tạ Quang Ngọc đượm buồn. 

TS. Tạ Quang Ngọc kể cho tôi nghe câu chuyện đầy ẩn dụ. Rằng, ông Walt Disney, một người đưa thế giới đến cảm giác huyền ảo, nhưng lẽ sống ở đời lại là sự hiện thực và tính khả thi. Ông cho rằng người mơ mộng thì nhiều, nhưng những người biết biến giấc mơ thành hiện thực thì không có bao nhiêu. Rằng, ông Charlie Chaplin khiến thiên hạ ai cũng phải cười khi nhìn ông diễn, khi xem phim của ông, nhưng qua chuyện ông nói với con gái người ta mới biết, cuộc sống thật thì ông khóc nhiều hơn cười.

TS. Tạ Quang Ngọc, từ lâu đã đưa ra quan điểm phải hài hòa tất cả các lợi ích; không thể hủy hoại môi trường để sống bằng mọi giá, nhưng cũng không thể nhịn đói nhìn môi trường trong sạch. Vì thế, ông ủng hộ quan điểm phát triển xanh lam (blue).

***

Vì yêu dòng sông, tôi đã đọc khá nhiều thơ về dòng sông của nhiều tác giả, sáng tác thơ về dòng sông; tuy nhiên khi đọc “Trần Mạnh Hảo - Tuyển tập thơ” (NXB Hội Nhà văn, 2022) - được coi là cuốn sách bán chạy nhất năm 2022, bản thân có những cảm xúc đặc biệt. Hóa ra, ngoài “Sông Lam” đã trở thành thi phẩm được ngưỡng mộ ngay từ khi xuất bản (năm 1983), Trần Mạnh Hảo còn sáng tác về nhiều dòng sông khác.

Đó là, “Những dòng sông miền Trung”, “Sông Mã hồn lìa khỏi xác”, “Sông Hương”, “Những dòng sông Nam Bộ”, “Lời Trưng Nữ vương trước khi tuẫn tiết dưới dòng sông Hát”, “Nhớ con rạm sông Ninh Cơ”, “Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết”, “Con rạm, con hến nuôi anh”...

Hẳn nhiên, Trần Mạnh Hảo là nhà thơ của những cảm xúc đầm đìa tư tưởng, nên những dòng sông trong thơ ông, chở đầy tư tưởng, óng ánh vẻ đẹp tư tưởng. Chỉ cần đọc qua tên các thi phẩm đã đoán định được, trái tim nhà thơ đau đáu về dòng chảy lịch sử trong dòng chảy của sông.

Tất cả mọi dòng sông đều chảy, đó là hiện thực, đồng thời cũng là tên một tiểu thuyết của nữ tác giả Australia, Nancy Cato và bộ phim trữ tình cùng tên “Tất cả các dòng sông đều chảy”. Sự quan sát các dòng sông của nhà thơ Trần Mạnh Hảo khá tinh tế, làm cho “Những dòng sông Nam Bộ” khác hẳn “Những dòng sông miền Trung”.

“... Những dòng sông như người chạy bộ/ Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời/ Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ/ Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai/ Để lại lâu đài ruộng nương nhà cửa/ Chỉ mang trời nhập với biển khơi” (Những dòng sông Nam Bộ).

Đẹp đến như thế, hùng vĩ như thế, nhưng sông Tiền, sông Hậu, hay nói chung nhất là hệ thống sông đồng bằng Cửu Long cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ mới của thiên tai (biến đổi khí hậu) và nhân tai (ngăn sông làm thủy điện, khai thác dòng sông đến thô bạo của con người). Năm qua lũ ít về, đó là nguy cơ, là nỗi lo hiện lên trên mỗi khuôn mặt khắc khổ của người nông dân bản địa.

Và tôi ao ước, bao giờ dòng sông quê tôi lại chảy... (Ảnh minh họa: IT)

Chưa bao giờ, đa dạng sinh học, phát triển bền vững trong cân bằng sinh thái đặt ra cấp bách như bây giờ. Chưa bao giờ phát triển xanh, trong hệ sinh thái xanh... được nói đến nhiều như bây giờ. Muốn có đô thị xanh, nông thôn xanh, phải có tài chính xanh... nỗ lực xanh của từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Ngày càng có nhiều nguy cơ đối với an ninh phi truyền thống. Nó ngày càng hiện hữu, Covid-19 xuất hiện trong 3 năm qua, dẫu dần qua, nhưng tiếp tục cảnh tỉnh loài người.

Bất giác tôi lại nhớ bài hát “Con kênh xanh xanh” của Hoài Nam và Thanh Phương. “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi/ Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi/ Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi/ Bao câu tơ duyên dạt dào tim ai thắm tươi”, ca từ thật tươi xanh.

Tôi đã từng đầm mình trên dòng sông Nghèn quê hương, uống nước trên những dòng kênh xanh, những ngày đi học. Và tôi ao ước, bao giờ dòng sông quê tôi lại chảy, lại được ngắm nhìn những đoàn thuyền trẩy hội. “Ôi nghìn năm trước ta/ Và một nghìn năm tới/ Sông vẫn thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô” (Sông Nghèn gặp lại, thơ Lê Thành Nghị)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top