Aa

Trăng ở mạn sông Hằng

Thứ Ba, 23/03/2021 - 08:00

Người Ấn vẫn tin rằng, tắm sông Hằng sẽ gột đi bao đau khổ và may mắn sẽ còn mỉm cười với họ. Tôi không tin có điều đó khi thấy những tấm thân xiêu vẹo ngủ ở đống củi vụn bên bến sông.

Trăng có thể nghiêng soi trên mạn sông Hằng, không phải trên phía sông Hồng đất Việt, nhưng ngồi vớt trăng trên sông thì hơi khó tin. Thế mà tôi gặp một lữ khách người Hàn Quốc ngồi cùng chuyến tàu hỏa từ Kolkata xuống Bolgaya, cậu ấy đã khoe với tôi bằng hình vẽ: “Tôi đã có dịp ngồi vớt trăng trên sông Hằng”.

Tàu du lịch trên sông Hằng ( ảnh HVH)
Tàu du lịch trên sông Hằng (Ảnh: HVH)

Khi đó cũng vào mùa xuân, chưa hết tháng ba, ban đêm ở đó rất lạnh. Anh nói tiếng Việt hơi khó nghe và tôi xem hình anh vẽ ký họa chợt hiểu, chắc chàng người Hàn này theo nghề hội họa. Anh nhìn mấy quyển sách của tôi và mỉm cười. Trên tàu nếu bạn không rõ tiếng Anh, tiếng Ấn thì cách dễ hiểu nhất là vẽ. Bạn nên có trong tay một quyển sổ nhỏ, một chiếc bút, sẽ dễ dàng đối thoại được với nhau.

Ví như trời rét nếu đi du lịch Nội Mông, bạn lữ khách người Hàn liền vẽ người mặc áo bông và tuyết rơi ở những lều cỏ trên sa mạc. Tôi chợt nhớ một lần nữ họa sỹ Đặng Thu Hương từng bảo tôi từ xưa lắm: “Chẳng nên sợ vì không biết tiếng Anh, cứ tiếng Việt mà đi, vừa đi vừa vẽ, sẽ đến được khắp nơi trên địa cầu”.

Nhìn lên 1 bờ của khu du lịch sông  Hằng (ảnh HVH)
Nhìn lên 1 bờ của khu du lịch sông Hằng (Ảnh: HVH)

Bạn tôi đã đi rất nhiều châu lục, chơi với bạn từ lúc 13 tuổi, bây giờ tôi mới trổ tài vẽ nhoay nhoáy để đối thoại khi không thạo tiếng Anh.

Ánh mắt của lữ khách này còn diễn tả, anh vừa ở Mông Cổ, ở đó đang rét hơn ở Bolgaya. Anh đến Ấn Độ lần thứ hai, tôi không thể hỏi thêm vì sao, vì lý do gì? Nhưng khi nói chạm tới sông Hằng, khi vẽ sông Hằng có mấy nhịp cầu thì anh nói đến vào ngày 16 âm lịch thì bạn sẽ ngồi nhìn trăng và vớt được trăng trong tâm tưởng. Anh giáo viên người Hàn vẽ Sông Hằng có lúc nước trong và có lúc nước đục .

Nhưng phải tới khi được đối thoại ngắn với một phật tử ở chùa Trung Quốc, tôi mới thấy nhiều người dùng hình vẽ để đối thoại với nhau trong giao tiếp. Ví như chị Tuệ Thị, là người Việt sống ở Mỹ, sang Ấn dầu đèn ở chùa Việt, thi thoảng sang một chùa Trung Quốc, chùa Thái Lan, chùa Hàn Quốc để lễ phật. Đi để chị hiểu biết thêm văn hóa của nhiều dân tộc châu Á trên các ngôi chùa được xây trên đất xứ Ấn này. Chị tên Tuệ Thị, vừa khoe, còn visa 1 tháng bên này và còn vi vi vu vu để chạm gió nóng ở Ấn Độ, sau đó chị sẽ về Mỹ.

Chị Tuệ Thị cũng kể về tứ thánh địa Phật giáo, chị đi qua từ Bolgaya đến thành phố Sarnath, đến Varanasi, rồi cũng ngồi vớt trăng trên sông Hằng mà nhìn thấy bao số phận phụ nữ Ấn nhỏ bé và xinh đẹp, ánh mắt đen, sâu, mê hoặc và luôn đượm buồn.

Tôi thấy những người sống trong những ngôi làng cách xa thành phố, không đèn, không tivi, không thấy cả loa đài và càng không thấy điện thoại. Nước đục sông Hằng cho thấy những ngôi nhà lúp xúp rộng chỉ khoảng từ 5 đến 6 mét vuông. Nhà bằng đất thó, không rõ đất thó ở Ấn có giống đất thó ở vùng cao nguyên đá Hà Giang Việt Nam không. Họ có một chiếc giường nhỏ, mùa đông cả gia đình ngủ tập thể, bên cạnh là một con dê và một bu gà con đang chiêm chiếp.

Đó là gia đình một cô gái người Ấn 20 tuổi đã có tới ba con. Đàn con thơ sàn sàn như trứng gà trứng vịt. Chúng lớn lên bằng bánh bột lúa mỳ và lúa gạo ở Ấn, lúa gạo rất ngon và thơm. 

Mùa xuân dọc đường chỗ nào cũng chạm mắt tới cánh đồng hoa cải rực rỡ, màu vàng tiễn biệt những mối tình chia ly, hoa cải vàng còn vàng cho những cõi lòng tan nát vì đói nghèo, vì sự lấn lướt của kẻ mạnh mà phái yếu không có gì bảo vệ.  Hoa cải vàng còn giúp cho người Ấn có những giọt dầu ăn nướng trên bếp lò. Nếu vớt được trăng trên sông Hằng tôi còn muốn vớt cả hoa cải vào trăng.

Cánh đồng hoa cải ở xứ Ấn ( ảnh HVH)
Cánh đồng hoa cải ở xứ Ấn (Ảnh: HVH)

Nếu vẽ phải vẽ sơn dầu mới đã.

Tôi nói thầm với ánh trăng treo trên sông Hằng rằng : “Tôi vừa đi lạc đường vào một làng quê đặc biệt, đó là làng quê không biết tên, một nông thôn Ấn Độ, tôi đã nhoài ra đầu ra ngoài xe chụp ảnh, tiếc đứt ruột những cảnh tuyệt đẹp khi xe vượt qua cung đường đầy lúa mì mà không sao lưu giữ nổi trong tích tắc”.

Tối, về ngủ cùng phòng với sư thầy Từ Tâm, tên khai sinh của thầy là Trần Thị Cúc, người gốc ở Kim Sơn Ninh Bình. Bà Cúc đã tu hành khi tuổi 50. Truớc đó, bà có gia đình và có bốn người con, học hành thành đạt ở Mỹ. Rồi bà sang Ấn, thấy người dân ở bang Bihar khổ quá, trẻ em không biết chữ và bà xuống tóc ở một ngôi chùa nhỏ bên nước Ấn, bà đi xin tiền xây trường học, chỉ mong giúp cho trẻ con được học hành có ít chữ và mong cho phận trẻ thơ bớt khổ hạnh.

Cầu trên sông Hằng ( ảnh HVH)
Cầu trên sông Hằng (Ảnh: HVH)

Sư thầy Từ Tâm cười mỉm, rồi nói với cậu lái xe bằng tiếng Ấn, nên cho xe chạy chậm lại chút cho lữ khách người Việt chụp ảnh khi qua cánh đồng hoa cải nở rất đẹp. May sao có một tấm ảnh đẹp về trăng sông Hằng. Và tôi sẽ đối thoại riêng với trăng sông Hằng.

Trăng trên sông Hằng trong vắt như ở xứ sở Việt Nam, nhưng trăng soi ở phía sông Hằng có nơi còn đục đỏ, khi người dân Ấn vẫn còn vác củi và ngủ gật vạ vật bến sông. Họ tắm ở nơi lò thiêu xác không xa. Họ múc nước ăn và họ thả người thiêu xuống mặt sông. Sông Hằng giống như một nồi nước gạo mà trăng sáng thì cứ trong vắt vào ngày 16 âm lịch.

Người Ấn vẫn tin rằng, tắm sông Hằng sẽ gột đi bao đau khổ và may mắn sẽ còn mỉm cười với họ. Tôi không tin có điều đó, khi thấy những tấm thân xiêu vẹo ngủ ở đống củi vụn bên bến sông. Còn mặt trời cứ rực rỡ khi mùa hè về. Mặt trời mùa hè rừng rực. Những ngôi nhà đất thó cứu rỗi họ và họ đã cầu xin Phật cho họ đi qua mùa hè. Mùa hè thì ở chùa Bồ Đề đạo tràng cũng vắng khách. Đơn giản vì nắng.

Một người ngủ bên vệ sông Hằng ( ảnh HVH)
Một người ngủ bên vệ sông Hằng (Ảnh: HVH)

Nắng ở Ấn độ rất nóng như là mặt trời ở ngay cạnh mình vậy. Và mùa đông đến là cái rét như dao lạnh chạm vào làn da thịt. Tôi gặp rét lúc 0 giờ ở Ấn Độ vào mùa xuân, người cũng co ro, như chính ta đi trên đồng cỏ hoang vu. Tôi cũng chới với vì không hiểu biết nhiều về văn hóa Ấn, nên người lại thấy rét hơn khi ở Việt Nam. Khi ta hiểu biết thì lòng tự tin và luôn luôn thấy ấm trong người.

Các ngôi chùa Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam mọc lên ở Ấn độ, nhìn chỉ thấy chùa lớn, nơi có tòa tam bảo với ba pho tượng phật thật lớn. Hai bên chính điện thờ phật bà Quan âm. Rất đơn giản, không nhiều đồ lễ và không thấy có tiền lẻ như ở chùa chiền Việt Nam.

Đi lễ ở đất Phật, rồi thăm thú những đền chùa, những di tích được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, ở Sanath, ở Varanasi, những di tích nhận được sự ưu đãi của thiên nhiên khắc nghiệt và con người biết gìn giữ, xây đắp những hiện hữu cùng giá trị bảo tàng.

Tôi cũng vừa hỏi trăng vừa đưa tay vớt dưới sông Hằng, còn biết bao nhiêu người Việt, Việt kiều, họ đi lễ phật đã lặng lẽ đóng góp xây dựng một vóc dáng Việt Nam thu nhỏ trên đất Ấn. Họ không ghi sớ. Không lưu danh. Chỉ Đức Phật biết, trời biết, đất biết. Trăng trên sông Hằng cũng biết cho là đủ. Sông có khi còn trong đục, hồ dễ lòng dạ con người cũng muôn nỗi niềm mà đường xa, cửa Phật, ai đang dấn bước đi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top