Aa

Tại sao người dùng nước sạch Sông Đuống phải “đội ơn” bà Kim Liên?

Thứ Sáu, 15/11/2019 - 06:25

Cứ theo cách nói của bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, người dân Thủ đô không những đương nhiên phải mua nước sạch của đơn vị này với giá cao gấp đôi, mà còn phải “chịu ơn” bà…

Sau vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà, người dân Hà Nội mới vỡ ra nhiều nhẽ, từ việc quản lý đến giám sát, từ việc “mời” đầu tư đến “thỏa thuận” giá nước sạch Sông Đuống…

Điều đầu tiên, khi được cung cấp thông tin, người dân mới lấy làm lạ là tại sao cùng sản xuất nước sạch cho người dân Thủ đô dùng, mà nước của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống (sau đây viết tắt là Công ty Nước mặt Sông Đuống) lại được mua với giá cao gấp đôi nước của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (sau đây viết tắt là Công ty Nước sạch Sông Đà)?

Giá cao thì tất nhiên là đổ lên đầu dân, cho dù thành phố có lấy công quỹ ra bù lỗ cho doanh nghiệp khi mua nước giá cao, thì tiền đó cũng là tiền của dân, chứ lãnh đạo thành phố duyệt giá có bỏ tiền túi của mình ra bù đâu.

Từ cái chuyện khó hiểu ấy, dư luận mới đặt câu hỏi, rằng tại sao lãnh đạo thành phố lại ưu ái cho Công ty Nước mặt Sông Đuống đến thế? Và mới đây nhất, có người đã đặt thẳng câu hỏi này với bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, rằng “với những ưu ái mà như dư luận đặt vấn đề thì có phải Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống là "sân sau" của lãnh đạo thành phố?”. Tất nhiên bà Kim Liên lảng tránh trả lời.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, dư luận rất bất ngờ khi bà Kim Liên nói thẳng ra rằng, cái giá 10.246 đồng/m3 nước mà thành phố trả cho công ty của bà (hơn gấp đôi giá mua 5.069,76 đồng/m3 của Công ty Nước sạch Sông Đà) là giá do thành phố thỏa thuận để bà đầu tư, chứ chả phải bà đòi hỏi gì. Càng bất ngờ hơn khi bà Kim Liên bảo rằng: “Tôi cũng nói với lãnh đạo thành phố Hà Nội là vì thành phố mời gọi đầu tư chúng tôi mới làm…”. Ô, hóa ra là Công ty Nước mặt Sông Đuống được “mời” mới làm dự án này nhé.

Đọc đến đây, tôi chắc hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp đều ước ao, giá mình cũng được như bà Kim Liên, để lãnh đạo thành phố Hà Nội “mời” thì sung sướng biết bao. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải xất bất xang bang mới “chạy” được một dự án, đằng này Công ty Nước mặt Sông Đuống lại được mời làm dự án. Mà dự án ấy lại được thỏa thuận trước được bán sản phẩm với giá gấp đôi giá thị trường. Mà sản lượng cũng được ấn định trước, với thời gian mua gần như là vô hạn định. Chả cần phải tính toán đã cầm chắc lãi, mà là lãi lớn, lại chả phải cạnh tranh với ai (?!).

Và nói như thế, hóa ra người dân Thủ đô dùng nước sạch Sông Đuống phải “chịu ơn” bà Kim Liên hay sao? Vì nhờ có bà chấp nhận “lời mời” của lãnh đạo thành phố thì dân mới có nước mà dùng; chớ chẳng phải Công ty Nước mặt Sông Đuống là một tội đồ như dư luận nghĩ, khi bán nước cho dân với giá cao gấp đôi doanh nghiệp khác.

Và như thế cũng có nghĩa là, mọi vấn đề đang đổ lên đầu lãnh đạo thành phố.

Vẫn biết nhiều địa phương phải trải thảm mời gọi đầu tư, nhưng đó là các dự án sản xuất kinh doanh đơn thuần và doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu. Khi đó, doanh nghiệp phải tự tính toán hiệu quả đầu tư và chấp nhận rủi ro nếu xảy ra (mà trong đầu tư thì rủi ro là chuyện thường tình). Đằng này là dự án liên quan đến sản phẩm và dịch vụ công ích, lại là một mặt hàng thiết yếu như nước sạch, phải dùng tiền ngân sách ra bù lỗ, doanh nghiệp cầm chắc lãi và có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài, nó hoàn toàn khác. Và cứ nhìn vào vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà vừa qua đủ thấy, cái sự sản xuất, cung ứng nước sạch này nó quan trọng đến mức nào.

Đến đây, dư luận không khỏi suy nghĩ, với một sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu có tính độc quyền tự nhiên, quan trọng như vậy, tại sao lãnh đạo thành phố Hà Nội lại chỉ “mời” có Công ty Nước mặt Sông Đuống đầu tư? (hoặc có “mời” các công ty khác nhưng dư luận không được biết, bởi chỉ cho đến bây giờ, khi bà Kim Liên nói ra nhiều người mới vỡ ra, bà được lãnh đạo thành phố Hà Nội mời thì bà mới làm nước sạch cho người dân Hà Nội).

Lại nữa, với một dự án đầu tư lớn đến như thế, liên quan đến hàng triệu người dân như thế, tại sao không tổ chức đấu thầu công khai, cạnh tranh lành mạnh. Nếu không, chí ít cũng là thành phố ra đề bài rồi để doanh nghiệp chào hàng cạnh tranh, sau đó chọn doanh nghiệp nào đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chuẩn thành phố đặt ra và có mức giá hợp lý, thậm chí chọn mức giá thấp nhất để đặt hàng.

Có lẽ đây là dự án không quy định phải đấu thầu, nhưng nếu có trách nhiệm cao với dân, với nước, người lãnh đạo sẽ suy nghĩ và có được cách giải quyết vấn đề tối ưu, vừa tiết kiệm tiền của dân, vừa bảo đảm sự ổn định và các yêu cầu đặt ra, lại vừa công khai, minh bạch.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ không còn làm cao, cũng không bị nghi ngờ là “sân sau” của lãnh đạo thành phố. Còn lãnh đạo thành phố sẽ hoàn toàn trong sạch, cũng khỏi bị dư luận nghi ngờ là “ưu ái” cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, sẽ không phải dùng tiền thuế do dân đóng góp để bù lỗ cho doanh nghiệp. Và người dân sẽ có quyền đàng hoàng dùng nước sạch, trả tiền sòng phẳng chứ không phải vừa trả tiền giá cắt cổ, lại vừa phải mang ơn doanh nghiệp sản xuất nước như đang phải “đội ơn” bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống như hiện nay.

Câu hỏi trên đây và hàng loạt vấn đề dư luận đặt ra xung quanh việc đầu tư và định giá nước, đang chờ lãnh đạo và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội trả lời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top