Aa

Tấm biển ngang ngược của Trường Đại học Thủy lợi và chuyện kẻ ngứa mồm

Thứ Bảy, 11/05/2019 - 06:01

Thấy việc chướng mắt. Chả lẽ không nói. Nhưng nói liệu có đi đến đâu? Còn tôi là kẻ ngứa mồm, nên cứ nói. Chuyện về tấm biển Trường Đại học Thủy lợi.

Đến giờ phút này, tôi đã quen với việc đi xe buýt và nghĩ đó là phương tiện tương đối thuận tiện. Ngoài việc rẻ tiền, tránh được mưa nắng, bụi bặm thì còn có một lợi ích khác: Đi bộ! Đi bộ từ nhà ra bến xe, từ bến xe đến nơi làm việc và di chuyển giữa các bến xe khi chuyển tuyến. Đi bộ để thể dục, và quan trọng hơn, để được ngắm nhìn mà thêm yêu cuộc sống.

Nhưng đi bộ cũng có cái khó chịu.

Một lần, tôi xuống ngang đường, tại điểm đỗ trước cổng Trường Đại học Thủy lợi, trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Đi tiếp về phía phố Chùa Bộc, tâm hồn đang phơi phới vì mới phát hiện ra Hà Nội còn có một thứ hoa gọi là… hoa bún, thì bỗng đập bốp vào mắt một tấm biển chắn ngang vỉa hè. Ngước nhìn lên, hóa ra tấm biển hiệu của Trường Đại học Thủy lợi.

Tấm biển khá to, được gắn trên hai cọc sắt choán gần hết chiều ngang vỉa hè của người đi bộ, chỉ chừa lại hai bên hai khe hẹp, rất ngang ngược. Nhưng ngang ngược hơn, cạnh dưới tấm biển lại rất thấp, chắc chưa đến 1,6m. Cái thời tôi đi khám bộ đội, chiều cao đo được 1,64m. Bây giờ sau 43 năm, các đốt sống đã xẹp xuống chỉ còn 1,62m, nhưng khi tôi thử không cúi xuống mà hiên ngang... hè ta rộng thênh thang ta cứ bước, thì trán tôi đập bốp vào tấm biển. 

Như vậy, để đi trên đoạn hè này, chỉ có hai cách: Một là chui qua, hai là lách sang hai bên. À, còn cách thứ ba, đó là đi vòng vào trong vườn hoa; nhưng nếu như thế thì người ta làm đoạn vỉa hè này để làm gì, chẳng lẽ chỉ để cho Trường Đại học Thủy lợi cắm biển hiệu?

Chuyện không lớn lắm, thậm chí nếu có phản ánh đến lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi hay các quan chức thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ nhận được cái phẩy tay, cười nhạt: Chuyện nhỏ! Có lẽ vì thế mà tấm biển này vẫn tồn tại từ bao nhiêu năm nay.

Nhưng câu chuyện này lại đặt ra nhiều vấn đề, từ lối tư duy, nhân sinh quan đến cung cách quản lý…

Thứ nhất, khi đặt biển, Trường Đại học Thủy lợi có tính đến việc khách bộ hành di chuyển như thế nào trên đoạn vỉa hè này hay không? Nếu không thì đó là sự quan liêu tệ hại, còn nếu có mà lại thiết kế như thế thì là sự ngang ngược, vị kỷ đáng sợ, chỉ biết tiện cho mình còn cộng đồng chả là cái đinh gì.

Thứ hai, theo số liệu của Bộ Y tế, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện nay là 1,64m. Vậy chả lẽ đoạn vỉa hè này chỉ dành cho… trẻ con? Hay chủ trương của Trường Đại học Thủy lợi là dạy người ta phải luồn lách và luồn cúi?

Thứ ba, khi Trường Đại học thủy lợi xin phép đặt tấm biển trên, các cơ quan chức năng của Hà Nội có xem xét hay không? Nếu có thì tại sao lại cho phép đặt tấm biển cản trở giao thông như thế? Còn nếu Trường Đại học Thủy lợi thực hiện sai so với giấy phép thì tại sao không kiểm tra và xử lý? Vì bất cứ lý do gì thì đều là lối quản lý quan liêu, vô cảm, tắc trách đáng lên án.

Thứ tư, người đi bộ khi di chuyển trên đoạn vỉa hè này có thấy vướng và bất tiện hay không? Nếu có thì tại sao không phản ánh? Viết đến đây, tôi nghĩ rằng, có thể cũng đã nhiều người kêu ca, phản ánh, nhưng nói rồi mà chả ai để vào tai. Thành thử nói lắm… mỏi mồm nên chán chả buồn nói nữa…

Nhưng tôi vốn là kẻ ngứa mồm, thấy chướng tai gai mắt là lên tiếng.

Tôi không phải là người chẻ sợi tóc làm tư, quan trọng hóa vấn đề. Nhưng nghĩ cho cùng, trật tự xã hội được duy trì bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Còn nếu ai cũng cứ để cho cái sai, cái xấu tự do hoành hành thì rồi xã hội sẽ đi đến đâu.

Người ta ngang ngược được chuyện này, thì ắt sẽ ngang ngược nhiều chuyện khác.

Người ta quan liêu được việc này, thì sẽ tiếp tục quan liêu nhiều việc khác…

Người ta vô cảm được một lần, thì ắt sẽ tiếp tục vô cảm với đồng loại.

Và chuyện không chỉ dừng ở cái tấm biển đặt ngang ngược của Trường Đại học Thủy lợi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top