"Nín thở chờ đợi" là tâm lý chủ yếu của nhà đầu tư
Những "nốt trầm" của thị trường bất động sản trong thời gian qua đã buộc nhiều chủ đầu tư phải hạ giá bán, tăng chiết khấu để kích hoạt giao dịch, phục hồi thanh khoản. Tuy nhiên điều đáng nói là dù chủ đầu tư có chấp nhận hạ giá, tăng ưu đãi, nhà đầu tư vẫn rất dè chừng, e ngại, thậm chí chỉ mang tâm lý chờ đợi chứ không chịu "xuống tiền".
Theo khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn về xu hướng của nhà đầu tư bất động sản quý I/2023 cũng cho thấy 36% nhà đầu tư hiện nay giữ bất động sản chờ thị trường ổn định, quyết định không giao dịch; 29% nhà đầu tư giữ tiền chờ cơ hội tốt hơn để đầu tư; 31% nhà đầu tư hạ giá bất động sản, bán cắt lỗ. Như vậy có 65% nhà đầu tư đang quyết định chờ đợi.
Nhóm có nhu cầu mua ở thực cũng có diễn biến tâm lý, hành động tương tự. Cụ thể, 43% tiếp tục chờ bất động sản giảm giá để mua; 37% mua bất động sản cắt lỗ, giảm giá; 15% không có đủ tiền/không vay được để mua; 4% bỏ kế hoạch mua nhà vì giá vẫn quá cao.
Phân tích với Reatimes về tâm lý "nín thở chờ đợi" của cộng đồng nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản DT24.VN nêu ra ba lý do chủ yếu.
Thứ nhất là do niềm tin đã mất của cộng đồng nhà đầu tư chưa hồi phục hoàn toàn. Do đó, để đi tới các giao dịch vẫn còn khó khăn và cần thêm thời gian.
Thứ hai là có một bộ phận rất lớn nhà đầu tư vẫn mong muốn giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm. Bởi họ cho rằng, thị trường vẫn còn khó khăn đến hết năm 2023 nên tình trạng giảm giá bán vẫn sẽ tiếp diễn và mức giảm sẽ ngày càng sâu hơn. Vì vậy, nhà đầu tư luôn trong trạng thái chờ đợi để "dò đáy" thị trường.
Thứ ba, có rất nhiều nhà đầu tư hiện nay cũng chưa thoát được hàng do thanh khoản sản phẩm kém, giá mua vào cao. Vì vậy, họ còn không đủ khả năng giải quyết các sản phẩm tồn của mình thì khó có thể ôm tiếp sản phẩm cho các chủ đầu tư.
"Từ trước tới nay, tâm lý nhà đầu tư bất động sản là giá càng tăng càng mua, giá càng giảm lại càng thận trọng, dè chừng. Xét ở góc độ thị trường thì đây là một nghịch lý nhưng xét ở góc độ nhà đầu tư thì điều này là hoàn toàn phù hợp khi niềm tin của họ đã bị suy giảm".
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản DT24.VN
"Từ trước tới nay, tâm lý nhà đầu tư bất động sản là giá càng tăng càng mua, giá càng giảm lại càng thận trọng, dè chừng. Xét ở góc độ thị trường thì đây là một nghịch lý nhưng xét ở góc độ nhà đầu tư thì điều này là hoàn toàn phù hợp khi niềm tin của họ đã bị suy giảm", ông Bảo cho biết.
Giải thích thêm, ông Nguyễn Quốc Bảo phân tích, nhà đầu tư là người hiểu rất rõ về sức khoẻ của thị trường. Họ hiểu rằng, chỉ khi thị trường khó khăn, khủng hoảng, doanh nghiệp địa ốc lao đao vì thiếu vốn để duy trì hoạt động thì giá bất động sản mới có chiều hướng hạ. Vì vậy, khi mua các sản phẩm này, nhà đầu tư thường thận trọng và xem xét tình hình rất kỹ lưỡng.
Có thể nói, một trong những yếu tố giúp thị trường địa ốc có cơ hội hồi phục là tâm lý nhà đầu tư được ổn định, lấy lại niềm tin để tham gia thị trường. Tuy nhiên, với thực tế nhà đầu tư vẫn còn nhiều e ngại, dè chừng và tâm lý chờ đợi vẫn bao trùm, thị trường địa ốc sẽ không thể vực dậy nhanh chóng. Và trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phát triển bất động sản sẽ là đối tượng khó khăn nhất khi bán hàng không có người mua.
Người làm bất động sản "thấm" nỗi cô đơn
Tại Toạ đàm thường niên và công bố báo cáo: Dự báo phân khúc chung cư trung - cao cấp Hà Nội năm 2023 mới đây, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc đã thẳng thắng chia sẻ: "Trong 3 tháng đầu tiên của năm 2023, chưa bao giờ người làm bất động sản "thấm" được sự cô đơn như thế này. Khi bão đến thì hầu như tất cả thành phần tham gia thị trường đều bị tổn thương. Và đến giờ phút này, những nhà môi giới chuyên nghiệp bảo tham gia thị trường cho vui thì hiện đã mất tăm".
Những lời chia sẻ của ông Nghĩa đã cho thấy một bức tranh cực kỳ khó khăn của những người làm bất động sản. Họ là các doanh nghiệp và cả những người làm môi giới. Song xét cho cùng, thì họ đều đang "rất cô đơn" khi cộng đồng nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn chỉ đang dò xét, chứ chưa có ý định tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.
Nếu thị trường địa ốc vẫn tiếp diễn theo tình trạng này, có cầu nhưng không có giao dịch thì việc ghi nhận các doanh nghiệp, các nhà môi giới rời bỏ thị trường sẽ ngày càng nhiều hơn.
Trên thực tế, báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của VARS cũng chỉ rõ, thị trường đang tiếp tục ghi nhận thông tin giải thể, tạm ngừng hoạt động của một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh. Đặc biệt là với đơn vị trong lĩnh vực môi giới.
Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.
Theo VARS, phần lớn môi giới bất động sản nghỉ việc đều thuộc nhóm "lính mới" hoặc "tay ngang", điển hình là nhóm bắt sóng các đợt sốt ảo, quá phấn khích và duy trì song song hai trạng thái vừa là nhà đầu tư vừa là môi giới.
"Chúng ta không thể bắt ép bất cứ nhà đầu tư hay người mua thực nào phải "xuống tiền" trong lúc thị trường đang trầm lắng. Nhưng tôi cho rằng, không phải cứ đầu tư lúc này đều là rủi ro.
Chỉ những nhà đầu tư không có năng lực tài chính và đầu tư kiểu lướt sóng thì không nên "xuống tiền" giai đoạn hiện tại dù giá có giảm, chiết khấu cao. Còn với những nhà đầu tư có nguồn lực tài chính vững vàng, có "tiền tươi thóc thật" và muốn đầu tư lâu dài thì đây là cơ hội tốt nên nắm bắt.
Và việc mình nắm bắt cơ hội này không chỉ tạo ra lợi ích cho bản thân mà còn góp phần đưa thị trường bất động sản đến gần hơn với mục tiêu hồi phục", ông Nguyễn Quốc Bảo đưa ra lời khuyên./.