Aa

Bất động sản 24h: Thị trường BĐS lộ diện những điểm sáng trong giai đoạn ảm đạm tạm thời

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 12/02/2023 - 09:48

Thị trường BĐS lộ diện những điểm sáng trong giai đoạn ảm đạm tạm thời; "Đòn bẩy" dòng tiền khơi thông thị trường bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường BĐS lộ diện những điểm sáng trong giai đoạn ảm đạm tạm thời

Thị trường bất động sản được đánh giá có triển vọng trong dài hạn tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao. Cùng đó, nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ vào tiến độ hoàn thiện các chính sách.

Theo đánh giá của Chứng khoán BIDV (BSC), về nhà ở thương mại, nguồn cung mới chưa đáp ứng được nhu cầu thực khi phân khúc trung cấp và bình dân dần biến mất tại các thị trường lớn.

Từ sau năm 2018, cơ cấu danh mục sản phẩm dần dịch chuyển sang phân khúc cao cấp chủ yếu vì công tác cấp phép dự án mới chững lại do các quy định, luật thay đổi nhưng chưa có hướng dẫn rõ ràng về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản hướng đến việc phát triển các dự án dần cao cấp hơn để duy trì lợi nhuận hoặc chuyển sang các thị trường lân cận thành phố lớn.

Cụ thể, theo số liệu từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng cung ra thị trường năm 2022 đạt khoảng 48.500 sản phẩm, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn cung căn hộ cao cấp tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân giảm lần lượt là 30% và 60% so với năm 2021.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chờ các giải pháp mạnh hỗ trợ thị trường bất động sản

Sau cuộc họp nóng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản chưa nhận được tín hiệu tích cực. Giới chuyên gia cho rằng cần những giải pháp thiết thực để hỗ trợ có trọng điểm và kịp thời cho doanh nghiệp, người mua nhà.

Những khó khăn về vốn và pháp lý tiếp tục đeo đẳng doanh nghiệp từ 2022 đến đầu 2023 và dự kiến sẽ trầm trọng hơn trọng thời gian tới. Theo ghi nhận từ nhiều đơn vị doanh nghiệp, dù mới đầu năm, doanh nghiệp bất động sản không phải lo lắng vấn đề room tín dụng, nhưng chính sách của Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quán là thắt chặt đối với phân khúc rủi ro, đầu cơ. Chưa kể, lãi tình hình lãi suất cao, khách hàng cũng ngần ngại trong việc ra quyết định vay mua nhà, đầu tư.

Đặc biệt, từ ngày 1/10/2022, Thông tư 22/2019/TT-NHNN đã giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, giảm từ 37% xuống 34% và tháng 10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%. Điều này khiến các doanh nghiệp chịu thêm áp lực, khó khăn nguồn vốn.

Ngoài ra, áp lực đối với doanh nghiệp vẫn rất lớn từ việc không phát hành được trái phiếu doanh nghiệp (trong khi lượng trái phiếu đáo hạn sắp tới lớn) do niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp và các quy định chặt chẽ trong Nghị định 65 bó hẹp cả phía cung lẫn phía cầu. Do đó, vấn đề nguồn vốn là thách thức rất lớn của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện nay.

Ngày 8/2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến của các ngân hàng và các doanh nghiệp với nhiều nội dung liên quan đến tín dụng, lãi suất, nới room tín dụng… những nội dung có tác động tới thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, sau cuộc họp, nhiều quan điểm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Hà Nội: Nguồn cung sơ cấp tiếp tục hạn chế trong nửa đầu năm 2023

Lượng sản phẩm phân khúc cao cấp chiếm đa số và có xu hướng gia tăng trong khi sản phẩm căn hộ bình dân gần như biến mất đã khiến thị trường nhà ở Hà Nội tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung sơ cấp.

Theo khảo sát của Savills, nguồn cung nhà ở trực tiếp từ chủ đầu tư bán ra tại thị trường Hà Nội hiện chỉ khoảng hơn 20.000 căn. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm đến 89% trên tổng nguồn cung sơ cấp dù tỷ lệ hấp thụ không cao. Như vậy, điều này đang phản ánh hiện trạng của thị trường đang mất cân bằng về nguồn cung.

"Hiện nay, thị trường đang đối mặt với tình trạng có sản phẩm nhưng sản phẩm phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân lại rất ít sự lựa chọn. Bởi, trên thị trường có rất nhiều nguồn cung căn hộ hạng A (cao cấp), hạng B (trung cao cấp), trong khi đó nguồn cung căn hộ hạng C (tiêu chuẩn) sẵn sàng bán ra lại không có nhiều và chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng nguồn cung sơ cấp", bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội chia sẻ với Reatimes.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường được thanh lọc, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền

Theo các chuyên gia, thời điểm thị trường đang được thanh lọc, nhiều cơ hội đang mở ra, do đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích hàng đầu với niềm tin về sự gia tăng giá trị trong dài hạn.

Chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới", bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại Savills khẳng định, dù khó bán được hàng, chủ đầu tư các dự án bất động sản vẫn sẵn sàng "ôm hàng" chờ đến khi thị trường hồi phục chứ nhất định không giảm giá. 

Phân tích cụ thể, bà Hoàng Minh Nguyệt cho biết, trong năm 2022 khi nhiều phân khúc bất động sản đã hồi phục trở lại sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì phân khúc nhà ở vẫn trong tình trạng ảm đạm kéo dài.

Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp phát triển nhà ở đều không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, đồng thời cũng không phát hành được trái phiếu doanh nghiệp khi nhà đầu tư cá nhân chỉ cần nghe đến "trái phiếu" là đã cảm thấy e ngại. Trong khi đó, đây lại là hai dòng vốn chủ đạo cho các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp phát triển nhà ở nói riêng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Đòn bẩy" dòng tiền khơi thông thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản đang chờ những hỗ trợ kịp thời, đột phá về chính sách và dòng vốn từ Nhà nước để khởi sắc.

Cuối năm 2022, chị T.H (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dự định mua một căn hộ chung cư tại quận Thanh Xuân, nhưng tài chính không đủ. Do đó, chị T.H đã liên hệ một số ngân hàng để vay mua nhà. Liên hệ 2 - 3 nơi, ngân hàng đều trả lời là đã hết “room tín dụng”. Một ngân hàng đồng ý cho vay, nhưng yêu cầu mức lãi suất khá cao 8 - 9%/năm và sau 1 năm sẽ “thả trôi”... Nhẩm tính lãi phải trả quá cao và quá mạo hiểm vào thời điểm này, nên chị T.H đã bỏ ý định mua nhà...

Tình cảnh như của chị T.H đang phổ biến hiện nay trên thị trường, dẫn đến nghịch cảnh, người có nhu cầu mua nhà để ở không tiếp cận được khoản vay ưu đãi, khiến giao dịch “đóng băng”, còn thị trường BĐS thì tồn kho hoặc thiếu nguồn cung phù hợp với túi tiền người lao động...

Các báo cáo về thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) năm 2022 và tháng 1/2023 có chung nhận định: Để “giải cứu” thị trường bất động sản hiện nay, vấn đề cốt yếu là giải quyết hàng tồn kho bằng dòng tiền vào thị trường, vì hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, dẫn đến khách hàng thiếu tiền mua bất động sản và doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, tạm dừng triển khai dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top