Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, báo hiệu vẫn chưa dừng nâng lãi suất. ECB nâng lãi suất như một nỗ lực để kìm hãm lạm phát. "Triển vọng lạm phát tiếp tục ở mức quá cao trong khoảng thời gian quá dài", ECB cho biết trong tuyên bố. Với động thái này, lãi suất chuẩn của ECB sẽ tăng lên 3,25% từ ngày 10/5. Quyết định trên được đưa ra khi số liệu cho thấy lạm phát tổng thể ở mức 7% trong tháng 4/2023. Trong khi đó, lạm phát lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - giảm nhẹ xuống 5,6%.
Chủ tịch FED cảnh báo không thể cứu Mỹ khỏi vỡ nợ. Ông Jerome Powell cho rằng nếu không nới trần nợ công sẽ là rủi ro chưa từng có tiền lệ và gây ra hậu quả khó lường với Mỹ. "Chúng ta đang trong thời kỳ thiếu chắc chắn. Các tác động lên nền kinh tế Mỹ có thể tiêu cực và khó lường", ông Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo hôm 3/5. "Mọi người không nên nghĩ rằng FED có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động trong ngắn hạn và dài hạn từ việc vỡ nợ". Powell cho biết các quan chức FED có thảo luận về trần nợ công và coi đây là một rủi ro. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến quyết định về lãi suất của họ. FED hôm 4/5 nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đưa lãi suất tham chiếu lên 5 - 5,25%.
Việc FED tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp lên mức 5,25% cùng với sự sụp đổ của Ngân hàng First Republic Bank đã tạo áp lực bán lớn trên thị trường.
Giao dịch trầm lắng với thanh khoản thấp, VN-Index lấy lại được sắc xanh, phục hồi nhẹ từ đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, áp lực bán liên tục quay trở lại từ giữa phiên khiến cho chỉ số chung đảo chiều giảm điểm với hơn 200 mã điều chỉnh.
Giảm gần 9 điểm trong phiên 4/5, VN-Index đã tiến về mốc 1.040. Tại đây, cung cầu có dấu hiệu cân bằng và giúp đà rơi của VN-Index tạm dừng lại.
Chốt tuần tại 1.040,31, VN-Index giảm 8,81 điểm (-0,84%) so với trước kỳ nghỉ lễ. Tương tự VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 207,80, giảm 0,35 điểm.
Theo thống kê, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn tiếp tục là 2 nhóm chịu áp lực bán lớn nhất, xấp xỉ 1%.
VCB và HPG là 2 cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất cho VN-Index trong tuần với mức ảnh hưởng lần lượt +3,6 và +1,4 điểm. Chiều giảm điểm, GAS và MSN có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index với mức tác động cùng là -1,2 điểm.
Trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường, sự thận trọng vẫn được khối ngoại đặt lên trên khi tiếp tục bán. Khối ngoại đã bán ròng trong cả 2 phiên giao dịch của tuần với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng. STB và CTG là 2 mã bị khối này bán ra mạnh nhất với giá trị bán ròng lần lượt đạt 92 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.
Chiều mua ròng, khối này mua vào hơn 55 tỷ đồng giá trị HPG và 56 tỷ đồng giá trị ETF VN-Diamond (MCK: FUEVFVND). Ngưỡng 1.040 đã giúp VN-Index ổn định hơn sau nhịp bán tháo trước các thông tin kém khả quan của thế giới.
Chuyên gia phân tích chứng khoán Phạm Bình Phương của MAS VN cho rằng kết thúc tuần với mẫu hình nến doji cùng thanh khoản thấp là dấu hiệu lực cung đang được hấp thụ tốt và kỳ vọng vùng 1.040 sẽ giúp VN-Index tạo nền tích lũy để tiếp tục hồi phục lên mốc 1.050.
Còn theo VCBS, các nhà đầu tư vẫn nên giữ tâm lý thận trọng, tiếp tục bán giảm những mã cổ phiếu đang suy yếu để nâng cao tỉ trọng tiền mặt và chờ đợi những cơ hội bật nảy ở khu vực hỗ trợ. Trong tuần tới, xác suất VN-Index tiếp tục điều chỉnh để kiểm tra lại khu vực đáy quanh 1020 là cần được tính đến. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn được ghi nhận nên các nhà đầu tư có thể cân nhắc theo dõi các mã cổ phiếu đang có xu hướng tích lũy tốt thuộc ngành chứng khoán, điện, bảo hiểm./.