Aa

Khoảng lặng người đi trốn tết

Thứ Tư, 24/02/2021 - 13:30

Hạnh phúc bé nhỏ như những dấu lặng đơn, hãy bằng lòng với gì mình có, khi biết thông cảm, sẻ chia, kể cả những khờ khạo cũng cho mình những bài học đắt giá để đời.

Ra giêng, mới sực nhớ vị khách hay trốn tết đến chơi nhà. Tết đến, có bạn mừng rỡ ra mặt vì  đã lo cho con lấy vợ trong mùa Co Vy, không có trở ngại gì. Có vị mừng nhất là nhờ được người xông nhà cho may mắn cả năm. Tôi im lặng nghe, vì nhiều năm qua cứ để cho chữ thuận trôi trong nhà mình. Ai đến xông nhà cũng được,  dù may mắn hay rủi ro thì mình đều phải đối mặt, thanh thản vượt qua. Chỉ có một người bạn hay trốn tết, rồi vẫn đến với tôi khi hết tết, đó là một điều dưỡng viên ở một bệnh viện lớn.

Năm nào bạn cũng đến với tôi, lặng lẽ rất lâu kể về những phận người vào bệnh viện, mãi mãi không vào viện nữa. Có phận người chỉ mơ một lần về Hà Nội. Lần duy nhất về Hà Nội là vào viện rồi quay về với đất. Bạn tôi cứ nghĩ về phận người vừa gặp đã chia tay với tết. Bạn mới được nghỉ tết cũng là người trốn tết. Bạn kể: Bệnh viện những ngày tết vắng hoe, hành lang vắng hoe. Tôi rất quý bạn mình ở sự điềm tĩnh nhìn nhận mọi vấn đề.

Nghề hồi sức cấp cứu, vốn dĩ tiếp xúc với bệnh nhân sau mổ, hồi sức, tỉnh lại sau tai nạn; họ cần hơi thở sâu. Bạn tôi tên Đan Phạm, rất hiểu từng giây giá trị sự sống của con người nên lặng thinh sau nhấp ngụm trà Tân Cương. Bạn nói uống trà lúc thanh thản mới thấy ngon, trong viện chả khi nào uống cho ra hồn trà. Công việc lấn lướt, lo toan, chẳng thể cảm nhận trà ngon hay không ngon.

Chỉ mong sang năm hưu hưu rồi uống trà với bạn. Là bác sỹ nhưng bạn yêu văn chương, đọc hết tác phẩm của các nhà nhà văn Việt Nam mà bạn yêu thích. Bạn đọc sách với ngọn đèn bàn, không đọc trên máy tính, vừa khoe đọc xong “Chốc lát những bến bờ” của nhà văn Hồ Anh Thái, thấy ông đi xa rộng, hiểu mười viết một, đọc Tạ Duy Anh “Đất mồ côi” ông này ghê gớm quá, viết về cái ác cứ như không, cũng là một cách nhà văn yêu người theo kiểu tinh quái.

Đọc Nguyễn Bình Phương thì ông đã như ở một vì sao khác không hẳn là sao hỏa, sao kim mà Bình Phương nhìn nhận thế sự rất điềm tĩnh, như là thế cuộc ra sao thì ông chép lại thế cuộc chứ không có sáng tạo gì, nhưng rõ là lọc lõi, tinh ma. Vượt lên cái đời thường mà viết.

Tôi ngớ ra trước sự thẩm định văn học Việt Nam trong suy nghĩ của một điều dưỡng viên, bạn tôi. Đọc để nâng cả hiểu biết của mình và hiểu tác giả như vậy là quá hạnh phúc với người viết. Đọc để thấu hiểu, ví như đi nhiều đi rộng như nhà văn Hồ Anh Thái, ông chốt về cái thác Niagara rồi “chua” một câu: “Biết được rồi, biết đến tận cùng có khi lại là tận diệt của nguồn sáng tạo cũng nên”, với người viết thì đọc đến đó phải giật mình vì sự lật ngược lại vấn đề của cái sự biết. Riêng tôi gặp được Đan Phạm, thấy bạn mình đọc, nghĩ ngợi, trong khoảng lặng này  thật quý hóa, tôi biết ơn một người đọc sách, một tri kỷ, một người hay trốn tết như bạn.

Đan Phạm còn thích cả thêu ren cho ngón tay mềm lại để dễ tiêm, thăm khám cho bệnh nhân. Bạn nói, mỗi năm bệnh viện có bác sỹ tài giỏi, cứu được  từng mạng sống ở mục “không qua được” . Rồi mạng sống vượt qua để trở về với đời thường nhật,  có chuyện thật như cổ tích; từng  có người ở miền quê thật nghèo, tết đến chỉ có mỗi mấy quả hồng xiêm trong vườn mang ra cảm ơn bác sỹ. Nhận cũng thương mà không nhận thì họ tủi. Người đi cảm ơn  còn dúm dó bước vào chung cư cao cấp, nom thương lắm.  

Đó là những năm trước, có lần thấy bạn xui con  trai có chăn áo ấm cho thêm họ, nào kẹo bánh cho thêm.Những người nghèo gặp lúc cơ nhỡ nên họ chẳng thể lùi đi đâu cho được.Sau này bạn trốn tết, đi trực, hay có tết treo biển trước cánh cửa: “nhà đi vắng“, để tránh gặp ân nhân. Vì chẳng có ai đi làm việc thiện lại muốn trả ơn cả.

Đan Phạm từng dặn dò đứa con trai của mình, nó đang là kỹ thuật viên, chuyên chụp X quang, “nếu có ai đó, rất cần con giúp đỡ, thì  nên giúp ngay, kể cả tiền chụp phim, nếu họ thiếu quá không có đủ, con nhớ là mình chỉ bớt đi vài bữa ăn sáng giúp đỡ họ, thì con nên làm. Nếu cần hỗ trợ của mẹ, mẹ sẽ giúp. Đó là mới là nhân đức để dành”. Bạn tôi kể, và tôi vỗ nhẹ hai bàn tay vào nhau. Hỏi: “Cậu con trai tỏ thái độ ra sao?”. “À, nó nhún vai: Mẹ yên tâm đi!”. Thoắt cái nhớ ra đã hơn hai mươi năm, điều dưỡng viên Đan Phạm ở vậy nuôi con sau cái chết nhẹ như chiếc lông ngỗng của chồng mình.

Chồng bạn cũng là bác sỹ, sau khi làm hộ chiếu đi nước ngoài vào hai hôm sau thì gục xuống ở phòng làm việc do đột quỵ. Bạn phải chứng kiến ca đột quỵ của chính chồng mình. Và để mình cũng không đột quỵ thì phải tự đối mặt, điều chỉnh cơ thể mình ghê lắm. Bạn đọc sách rất nhiều, mới mong  qua được từng khoảnh khắc sống chết khi đối mặt với mọi giả thiết đột quỵ khác. Nhiều lúc Đan Phạm cũng tự hỏi : “Bác sỹ Lê Đức Hinh, ở viện điều trị sức khỏe tâm thần, ông đã điều trị cho nhiều người qua khỏi ở dạng tâm thần thể nhẹ. Nhiều đứa trẻ vừa mới lớn, nom đẹp đẽ, học hành dang dở vì “đơ đơ”, vì chơi game hay vì suốt ngày điện thoại, hoặc có trẻ  do mắc bệnh theo di truyền”.

Ông Hinh đã cứu bao người thoát bệnh, nhưng nghĩ đến sau này khi hồi tưởng lại , Giá như ông là nhà văn, ông sẽ viết được bao nhiêu chuyện ngắn hay? Nhưng ông chỉ là bác sỹ điều trị thần kinh, ông không phải là nhà văn. Nghĩ đến ông, Đan Phạm lại ước giá như ông sẽ viết văn cuối đời? Nghe xong tôi nghĩ, bạn đúng là một bác sỹ điều dưỡng mơ mộng.

Đan Phạm kể chuyện tết, trong phòng chị cũng có một bác sỹ hay tìm người “được tuổi” để xông nhà năm mới cho hên, cho may mắn. Đương niên khách đến xông nhà với bác sỹ Y là rất  quan trọng. Riêng  đối với Đan Phạm, thì ai xông nhà cũng được, đối mặt với mất mát khổ đau đã nhiều,thì xem nhẹ mọi thứ trên đời, vơi đi một thứ là nhẹ.

Tôi cũng nghĩ như bạn. Ta cứ theo chữ thuận nhiều năm, cứ để tự nhiên, xem người có vía dữ nếu xông nhà thì ta sẽ ra sao? Nhưng năm nay,nhà tôi bất chợt có đôi vợ chồng trẻ, bạn của con giai tôi, hai đứa dắt theo con cho có tên Mông Thị đến xông nhà. Con chó có tên Mông Thị mừng rỡ chạy vào nhà xông xuống bếp, chén bát cơm có tý thịt cho con mèo ăn tết, nó tợp nốt bát phở chủ nhà đang ăn rồi khều tay xin ăn bánh. Khôn như rận.

Hai vợ cháu cùng tuổi nhau, ngỡ cùng tuổi ngồi duỗi mà ăn, nhưng vợ chồng cháu đầu tắt mặt tối cho kế sinh nhai. Hai đứa  chưa có con nên mua con chó Mông Thị chăm cho đỡ buồn. Đầu năm nó phạt con chó Mông Thị ngồi đội sách. Nó kể chuyện con chó còn tỏ ra xởi lởi cả với tên trộm ăn cắp giầy đắt tiền của khách ra sao? Rồi con chó thích bắt nạt con mèo mướp xấu xí và còn đánh thó con cá trên bếp nhà mình cho con mèo hàng xóm.

Chuyện tết  vui, giống như đứa cháu bên ngoại nhà mình có nhõn đứa con  trai học giỏi, có học bổng bên Nhật. Mừng con học giỏi ra nước ngoài, có dịp khoe con với bạn bè, nhưng lúc con xa nhà trống vắng là đương nhiên thì mẹ phải ngồi khóc, kêu nhớ con không ngủ được.

Cái giá của sự thành đạt nó cũng không nhẹ nhàng tý nào, dù mơ học bổng xứ người với năm Co Vy. Hạnh phúc và sự ứng xử nhân ái của mỗi quốc gia cũng phơi ra, và đã được giải mã qua bao nhiêu ví dụ về sự hiện đại văn minh, và cùng bấy nhiêu thứ không mấy dễ chịu gì khi con người nhận ra, một nửa của nền văn minh cũng có mặt trái khác của nó.

Hôm mùng 5 tết, ở bang Texas miền trung nước Mỹ, một người Việt tâm sự, sau 5 ngày mất nước trong tuyết trắng, siêu thị vùng này bỗng tất cả rỗng không, giấc mơ nước Mỹ cũng dễ nhìn thấy qua công nghệ 4.0, đói khổ, bất hạnh thì con người đều rất giống nhau, đều có một mẫu số chung bạn ạ.

Công nghệ 4.0 cho ta nhìn thấy sự hiện diện của người Việt bên xứ người, họ cũng chẳng sung sướng gì, khi người Việt dứt áo ra đi, họ từng mơ giấc mơ đổi đời. Thử ngồi lại với nhiều cái tết trôi qua đời mình, xem mình ước mong gì, có giản dị như niềm vui của đôi vợ chồng trẻ kia, chỉ là hạnh phúc kể về con chó Mông Thị ăn trộm khúc cá cho con mèo nhà hàng xóm; khi nhìn ra động vật cũng biết thương nhau. Huống chi con người; mới đây được thấy bạn trẻ ở Trà Leng, Nam Trà My có nhà mới , đồng bào mình đỡ khổ, thế là mừng lắm.

Hạnh phúc bé nhỏ như những dấu lặng đơn, hãy bằng lòng với gì mình có, khi biết thông cảm, sẻ chia, kể cả những khờ khạo cũng cho mình những bài học đắt giá để đời. Khi ngồi lại bên nhau trong ngày tết, hay sau tết, đối diện là bạn tôi từng là kẻ không thích tết và hay trốn tết, trong câu chuyện dẫu mới hay cũ khi đến thăm nhau vẫn là sự xum họp, ấm áp đầu xuân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top