Aa

Tản mạn quanh một ngôi trường!

Thứ Bảy, 16/09/2017 - 06:00

Trên mạng xã hội và một số trang báo đang có những tranh luận trái chiều xung quanh sự xuất hiện của ngôi trường Tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai- Thái Nguyên). Tôi không bận tâm đến những ý kiến tranh luận bên lề lắm, bởi, có vẻ như nó nặng về những vấn đề tế nhị, nhạy cảm "hậu trường". Nhưng, nhìn ngôi trường được ví như "đóa hoa giữa núi rừng" ấy, trong tôi bộn bề biết bao cảm xúc!?!

Có lẽ, điều đầu tiên là phải cảm ơn cuộc tranh luận kia, vì nhờ họ, tôi mới được biết đến một ngôi trường tiểu học dành cho học sinh miền núi đẹp đến thế. Nhìn từ trên cao, người ta gọi nó là "đóa hoa giữa núi rừng" quả không sai. Với những đường nét thiết kế mềm mại, tinh tế, màu sắc được phối vừa rực rỡ, vừa trang nhã, thoạt đầu, tôi không nghĩ đó là một ngôi trường, mà là một sân khấu ngoài trời hoặc một công trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao nào đó.

Nhất là khi nó được đặt giữa bối cảnh bốn bề sừng sững núi đá, cảm giác như, sự xuất hiện của ngôi trường này làm mềm đi sự khô cứng, trơ trọi xung quanh. Sẽ càng ấm lòng hơn, khi cách đây 2 năm, nơi đây là những túp lều liêu xiêu vách đất mái tranh, đứng chênh vênh đầy hiểm nguy, cô độc.

Ngôi trường đẹp như những cánh diều tuổi thơ đang được nâng cánh trên những vùng cao hẻo lánh

Ngôi trường đẹp như những cánh diều tuổi thơ đang được nâng cánh trên những vùng cao hẻo lánh. Nguồn ảnh: Kênh 14

Đây là ngôi trường được xây dựng bởi nguồn kinh phí xã hội hóa, do một nhóm các nhà hoạt động từ thiện tài trợ. Gọi là trường, nhưng thực ra, nó là điểm trường, hoạt động theo mô hình liên cấp, bao gồm cả học sinh cấp 1 và các cháu mầm non.

Hầu hết các cháu học sinh học tập tại đó đều là con em đồng bào dân tộc người Mông, vốn sinh hoạt trên núi cao, còn đang phải tất tả mưu sinh trên nương rẫy kiếm miếng ăn, chưa thực sự quan tâm đến cái chữ. Ngôi trường này mọc lên như đóa hoa tràn đầy hương thơm, thu hút những đàn ong vốn đang lơ ngơ, lười nhác về đây cần mẫn "lấy mật". Nó vừa là điểm tựa, vừa là nơi nâng đỡ, chắp cánh cho những ước mơ đổi đời của các cháu học trò nghèo bản địa. Nói vậy, để thấy, cùng với giá trị thẩm mỹ, kiến trúc, đây còn là công trình mang ý nghĩa, hiệu quả rất lớn về chính trị, xã hội.

Vậy nhưng phải đến hơn một năm sau, khi tác giả của bản vẽ thiết kế ngôi trường đó mang công trình đi dự thi và đạt giải đặc biệt tại cuộc thi danh giá về kiến trúc của Châu Á, người ta mới biết đến nó nhiều hơn. Được biết, kiến trúc sư của công trình này, đã dành tặng toàn bộ chi phí thiết kế cho trường, hay có thể hiểu nôm na là ông đã "tặng không" bản vẽ thiết kế đầy sáng tạo, chất lượng cho núi rừng Tây Bắc.

Không quá ầm ĩ khi động thổ, khánh thành, được xây với tiến độ khá nhanh, đến nay có thể coi đã bảo đảm chất lượng, kỹ, mỹ thuật, nếu đem so sánh với những công trình giáo dục khác, tự nhiên tôi không khỏi lấn cấn. Có điều kiện đi đến nhiều địa bàn trên cả nước, tôi có cảm giác như, các ngôi trường, công trình giáo dục được xây bởi nguồn kinh phí Nhà nước dường như đều dập khuôn, giống nhau từ kiểu dáng đến công năng, bài trí, thậm chí cả màu sắc. Tất nhiên, một công trình giáo dục, dành cho học sinh thì trước hết phải đảm bảo yếu tố vững chãi, kiên cố, an toàn rồi, nhưng tôi cho rằng, nó không nhất thiết phải cứng nhắc, máy móc đến mức giống nhau theo kiểu "nhân bản hàng loạt".

Điều này hình như không có hoặc rất ít xảy ra ở các ngôi trường được thực hiện bởi nguồn vốn xã hội hóa học do tư nhân đầu tư, xây dựng. Tôi nghĩ rằng, để đổi mới, cải cách giáo dục, có lẽ, cần đổi mới ngay từ tư duy xây dựng trường lớp. Nên tạo sự mới mẻ, sáng tạo, để ngôi trường không chỉ là nơi "nuôi nhốt" học sinh, mà còn là điểm đến đẹp đẽ, là nơi vui chơi, thưởng lãm.

Ở nơi đó, các em ngoài việc được học bài trong lớp, còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật kiến trúc hay cách bài trí màu sắc mang đầy giá trị thẩm mỹ, qua đó, từng bước hình thành những cảm quan thưởng thức nghệ thuật cho riêng mình. Kiên cố, vững chãi để chống nắng, che mưa, đề phòng giông bão, lũ quét là cần thiết, nhưng, cùng với đó, giá như khi thiết kế, xây dựng, các trường học được người ta cầu kỳ, bỏ nhiều trí tuệ, công sức hơn từ các ý tưởng, nét vẽ hay khi tạo hình thì hoàn hảo biết mấy!?!

Nhìn các em học sinh người Mông ngồi trong thư viện say sưa xem những bức tranh, chăm chú đọc các cuốn sách, do những tấm lòng thiện nguyện từ khắp nơi tụ góp về, tự nhiên, thấy chạnh lòng, khi ở nhiều nơi trên đất nước này, vẫn còn nhiều trường học, điểm trường đang là những căn nhà lá dột nát, xập xệ. Các em học sinh vẫn giật mình thon thót mỗi khi mưa đến xuyên qua mái lá hoặc nắng dọi qua tường chiếu vào. Vẫn thấy đắng lòng khi thỉnh thoảng lại đọc được trên báo chí thông tin, những ngôi trường, điểm trường oặt ẹo hàng ngày đã bị lũ quét cuốn trôi, hoặc bão tố giật rung tơi tả.

Trong khi đó, ở cách nơi ấy vài trăm kilomet, người ta đang tiếp tục xin rót thêm kinh phí để xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quốc gia với tổng đầu tư lên tới trên 11.000 tỷ đồng. So với kinh phí xây ngôi trường tiểu học Lũng Luông chỉ vỏn vẹn trên 6 tỷ đồng kia, cái công trình Bảo tàng có thể "đẻ ra" hàng chục nghìn những "đóa hoa giữa núi rừng" ấy. Không muốn so sánh, nhưng vẫn cần nhắc thêm một chi tiết, đó là, ngay khi xây xong, trường Tiểu học Lũng Luông đã đón hàng trăm học sinh vào học, và xu hướng các cháu đến trường ngày một đông hơn.

Trong khi đó, cái công trình hơn chục nghìn tỷ kia thì sao? Hiện tại, nó đang vắng khách đến mức đơn vị quản lý phải sử dụng sai mục đích, cho nhà hàng bia hơi vào thuê một phần mặt bằng khuôn viên để bán bia. Như vậy, xét về tính cấp thiết, hiệu quả, công trình nào đáng đầu tư hơn? Ngay cả như Bảo tàng Hà Nội được xây dựng với kinh phí hàng nghìn tỷ kia, sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, giờ người ta còn đang đau đầu vì không biết phải trưng bày gì trong đó, vậy, thời điểm hiện tại, có cần thiết phải rót vốn để xây gấp những bảo tàng?

Trên mạng xã hội, người ta vẫn đang tranh cãi về sự xuất hiện của ngôi trường Lũng Luông kia. Tôi không bận tâm lắm vì những điều đó, mà chỉ mong mỏi rằng, đất nước ta sẽ có ngày càng nhiều hơn những ngôi trường như thế. Những ngôi trường không chỉ là trường học thuần túy, mà còn là công trình kiến trúc, mang giá trị nghệ thuật thực thụ. Và, kể cả khi xây dựng bằng nguồn kinh phí Nhà nước, mỗi ngôi trường khi mọc lên cũng thực sự là những "bông hoa"!!!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top