Aa

Tản mạn uống trà

Thứ Sáu, 13/07/2018 - 06:00

Trước hoặc cạnh cơ quan nào cũng có ít nhất một quán nước chè kiểu này.Tôi nhớ mãi âm thanh tôi đặt cạch đồng 5 xu lên bàn để trả tiền một chén nước. Thêm một chi tiết này nữa dù không ăn nhập đó là những quán này bao giờ cũng bán thêm món “cuốc lủi” chén. Là thứ rượu trắng trà trộn bán lậu ở hàng nước chè.

Nói đến uống trà là nghĩ ngay đến nghệ thuật thụ hưởng món tinh túy mà trời đất cỏ cây dành cho con người này. Xin được nói ngay những thứ thuộc về nghệ thuật để nhường cho những bậc đạo cốt thông thái luận bàn và chỉ dẫn cho bàn dân thiên hạ. Với tôi đây là món thức uống thông dụng và chỉ dăm câu ba điều về nó như cái cách nó đang tồn tại dân dã trong cuộc đời.

Uống trà, thú thưởng lãm tinh tế của người Việt.

Uống trà, thú thưởng lãm tinh tế của người Việt.

Hà Nội có lẽ là nơi tiêu thụ trà nhiều nhất nước và cũng chỉ có ở nơi đây, trà là món uống bình dân có mặt mọi chỗ mọi nơi. Viết đến đây tôi chợt thắc mắc không hiểu sao dân gian lại có hai cách gọi. Cây chè thì đúng rồi. Cân chè chắc chắn quá. “Chè Thái gái Tuyên” còn là thành ngữ. Nhưng khi chuyển sang chế biến và thụ hưởng thì người ta lại gọi thành trà. Tất nhiên trong khoản này đôi khi vẫn song song có hai cách gọi nhưng trà vẫn là phổ biến và điều này chẳng quan trọng không ảnh hưởng đến sự nghiệp hưởng thụ thứ nước thần thánh này. Tỷ như uống trà, trà đá... Trà cũng có những uyển ngữ khá hay như “trà tam tửu tứ”. Đặc biệt “tửu sớm trà trưa” còn là lối nói ngược thú vị để chỉ những người ham mê rượu chè tối ngày.

Dạo những năm còn bao cấp, những quán chè chén có mặt khắp nơi trên mọi phố phường Hà Nội. Quán cà phê lúc đó ít vì dân còn nghèo. Một quán chè chén có cái bàn gỗ tự tạo thụt hẳn vào trong cửa nhà. Ít ghế gỗ đóng từ vỏ thùng hoặc ghế nhựa be bé đặt chìa trên hè phố. Trên bàn bày vài lọ kẹo lạc, kẹo dồi, cóng lạc rang gói, đôi khi vài quả chuối, quả ổi và một khay chén. Những chiếc chén sứ trắng hình quả hồng gọi là chén quả hồng hoặc cốc thủy tinh miệng rộng đít tóp lại vuốt cạnh là chén, cốc đựng trà. Một hộp kính nho nhỏ bày mấy bao thuốc lá. Tất nhiên không thể thiếu chiếc điếu cày. Trà được pha vào các bình tích ủ trong ấm giỏ. Khách đến, chủ thường là các bà già mặt rất phúc hậu, rót trà cho khách. Tôi nhớ dạo ấy mỗi sáng đi làm, cánh thanh niên kiểu gì cũng phải tụ bạ ở hàng chè chén uống đôi chén trà đặc sánh, gọi điếu thuốc lá lẻ rít tóp má rồi mới vào cơ quan, nhà máy. Trước hoặc cạnh cơ quan nào cũng có ít nhất một quán nước chè kiểu này. Tôi nhớ mãi âm thanh tôi đặt cạch đồng 5 xu lên bàn để trả tiền một chén nước. Thêm một chi tiết này nữa dù không ăn nhập đó là những quán này bao giờ cũng bán thêm món “cuốc lủi” chén. Là thứ rượu trắng trà trộn bán lậu ở hàng nước chè.

Trà chén vỉa hè Hà Nội.

Trà chén vỉa hè Hà Nội.

Sau này những quán chè chén kiểu đó ít dần đi, nhưng nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, tuy có biến thể đôi chút. Đó là mặt hàng phong phú thêm như nước ngọt, kẹo cao su, bánh trái các loại... Trà chén nóng vẫn còn nhưng đa phần vào những quán này người ta uống trà đá, nhân trần đá. Sự thích ứng này thuộc về biến đổi khí hậu khi thành phố ngày một nóng lên vì nhiệt độ cao hơn trước. Mốt uống đá cũng là du nhập từ trong Nam ra sau cái mốc 1975.

Trong các gia đình, hiếm nhà nào không có một bộ đồ trà bày ở phòng khách. Chủ nhân uống thường nhật đã đành, mà đó còn là thức uống thông dụng dùng để tiếp khách đến nhà chơi bời thăm thú hay công việc. Có ấm chén dĩ nhiên kèm theo phích nước sôi để pha trà và mặc nhiên không thành văn có nhà còn thửa một cái bô để đựng bã trà thải và chứa nước tráng chén. Những dụng cụ này thì ở cơ quan, công sở là không thể thiếu.

Ấm chén khá quan trọng với sự uống trà. Xưa dùng đa phần sứ Hải Dương, sau này thì Minh Long và nhiều nhãn cao cấp khác. Tôi được tặng một bộ ấm chén “Tử xa” xuất xứ Trung Quốc, thấy bảo rất quý và đắt. Ấm dùng lâu, cao chè thành tinh chè bám vào ấm đến ngưỡng nào đó chỉ cần đổ nước sôi vào là có trà uống. Thực hư chẳng biết dùng đến mươi năm vẫn phải bỏ trà cho đến một ngày cháu anh bạn đến chơi cầm lên ném đến bụp vào tường vỡ tan, vỡ luôn mộng uống tinh chè chế nước sôi. Gần đây xuất hiện loại ấm thủy tinh trong suốt có cốc đựng trà riêng, nhìn thích mắt nhưng cảm giác không thấy ngon như ấm sứ. Nhiều nhà khá giả còn thửa một bộ trà liền với bàn có ấm điện tại chỗ. Uống thấy cách rách và không thú.

Cách pha trà cũng có nhiều. Thông thường là chế bằng nước sôi. Sôi cỡ nào cũng phụ thuộc vào từng loại trà. Nói chung là công phu. Đi miền núi tôi cứ bốc một vốc chè cho vào chai nước Lavie loại to. Để chừng tiếng đồng hồ là có chai nước chè lạnh uống đỡ cơn ghiền. Võ này tôi học được từ cánh lái xe Trường Sơn dạo ở chiến trường. Mấy bố chuyên thả chè vào bi đông nước suối để uống. Lúc trên đường không dám đun nước vì sợ khói lộ chỗ trú quân thì máy bay địch "tẩn" bom.

Tôi nghiện trà. Mỗi sáng dậy bao giờ cũng pha một ấm nhấm nháp. Hôm nào đi đâu không có cữ trà sáng thấy thiêu thiếu, người âm ẩm.

Chè giờ có rất nhiều loại. Thông dụng là chè sao, sấy thủ công hoặc bằng máy. Thương hiệu Thái Nguyên vẫn là số một. Từ dạo có trà bẩn, người dùng cẩn thận chọn lựa hơn. Dùng những thương hiệu đảm bảo. Tốt nhất vẫn là chè sạch. Còn có chè đinh Tân Cương, chè San tuyết, những loại chè này đắt vài, bốn triệu đồng một ký. Công nghệ làm chè tiên tiến lên, người ta sản xuất chè Ô Long vê thành những viên tròn nhỏ và được ủ lên men đóng trong gói, hộp chân không. Có cả trà Ô Long nhập từ nước ngoài. Loại này dễ pha. Nhưng uống không khoái bằng chè truyền thống.

Tản mạn về chè có lẽ còn dài bất tận bởi mỗi người mỗi cách uống và khoái cảm khác nhau. Có chung chăng chỉ là ở một điều. Cuộc sống có biến đổi thế nào thì chè hay trà uống mãi là một thứ uống tinh túy và luôn tồn tại cùng đời sống con người. Vậy thôi, chút tản mạn uống trà ngày hè nóng nực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top