Aa

Đi xem bóng đá

Thứ Sáu, 29/06/2018 - 06:00

Có lần đội Tuyển đá quốc tế, tôi được một doanh nhân mời xem. Anh này thầu hẳn một phòng VIP bên khán đài B. Là dãy phòng trên cùng. Phòng riêng có kính chắn ngăn với phía ngoài khán đài. Trong phòng rộng rãi, ghế bàn lịch sự. Vị doanh nhân mang rượu, đồ nhắm, xì gà vào đãi. Vừa xem vừa ăn hút, nhưng nói thật, không sướng. Bóng đá là bóng đá. Mọi pha trộn vào đều hỏng vị...

Đang Word Cup, mọi người nô nức cùng bóng đá. Với những người hâm mộ thì đây thật sự là một ngày hội. Dân Việt nếu xét về độ cuồng nhiệt thì có lẽ không thua bất cứ một dân tộc nào trên hành tinh. Không phải bây giờ mà là từ rất lâu, bóng đá đã là niềm đam mê của rất nhiều người dân. Trong đó đương nhiên không thể thiếu cái thằng tôi từng coi bóng đá là lẽ sống.

Ấy là dịp còn ấu thơ. Đám bạn học nghịch ngợm của tôi luôn tìm mọi cách trốn học để đá bóng. Ngày đó bỏ tiết là thường chứ không học đến lồi mắt như bây giờ. Thường thì tiết cuối là chúng tôi bấm nhau lỉnh. Bãi đá dạo đó ở Hà Nội thì nhiều vô kể. Đường vắng khúc nào rộng thì cặp sách, quần áo làm cột gôn quần thảo với nhau ngay. Kể cả vỉa hè. Nhưng khoái nhất là ra bãi sông Hồng. Đá xong mồ hôi mồ kê cứ thế mà ùm. Sướng mê tơi đến tận bây giờ. Tôi còn được tuyển chọn vào lứa đào tạo năng khiếu, thủ phủ đóng ở sân Long Biên. Sau vì nhiều lý do mà vỡ mộng bóng tròn. Chuyện đá bóng thôi để dịp khác. Dành nói chuyện xem đá bóng.

Đã gọi là xem bóng đá cứ phải là vào sân xem cầu thủ trực tiếp mới gọi là xem. Lúc nhỏ còn đi học tôi hay xem giải hạng C ở sân Long Biên. Bóng đó thời ấy có 3 giải chính thức. Hạng A là chuyên nghiệp toàn miền Bắc. Hạng B khu vực và hạng C là phong trào. Hạng C thôi cũng đã rất bài bản. Cột gôn có lưới, trước mỗi trận có rải vôi trắng định vạch và tổ trọng tài quần áo đen hẳn hoi. Tiếng là hạng C nhưng cầu thủ đá cực hay. Hạng này không mất tiền mua vé, người xem đứng ngoài vạch sân cổ vũ. Có trận đến cả ngàn người.

Giải hạng B cầu thủ đi chân giầy như hạng A. Riêng hạng C thì gọi là chân đất bởi cầu thủ đi ba ta. Có anh đi giầy không quen thì đá chân trần thật sự. Hạng B tôi xem thường được đá ở sân Quán Thánh. Giờ là Câu lạc bộ 10/10 và bãi bán bia hơi. Hạng B có bán vé nhưng rẻ và không khó kiếm. Ngoài những sân vừa kể còn có sân Bách Khoa, sân Xã Đàn và không ít những sân vận động khác.

Một trận bóng hấp dẫn trên sân Hàng Đẫy thời bao cấp.

Một trận bóng hấp dẫn trên sân Hàng Đẫy thời bao cấp.

Hà Nội khi chưa có sân Mỹ Đình thì sân Hàng Đẫy là sân bóng chính thức chỉ dành cho các trận đấu của giải hạng A sau là ngoại hạng. Thi thoảng có trận quốc tế và đôi khi giải hạng B cũng được vào đá. Nói đến sân Hàng Đẫy thì đấy chính là thiên đường của dân mê túc cầu. Trong mắt tôi, kể cả bây giờ, Hàng Đẫy vẫn là sân bóng chuẩn. Khi đất nước thống nhất, giải bóng đá toàn quốc được quy về một mối. Thời kỳ những năm cuối thập kỷ 70 vắt sang gần hết thập kỷ 80 thế kỷ trước là giai đoạn cực thịnh của bóng đá chuyên nghiệp.

Lúc đó cầu thủ tuy lương bổng không cao và các đội bóng đều do các sở, ngành quản lý nhưng chất lượng cực kỳ. Miền Bắc có Thể công, Công An Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, Than Quảng Ninh... Miền Nam có Hải Quan, Cảng Sài Gòn... là những đội bóng quy tập anh tài cả nước. Đa số các trận đấu ở sân Hàng Đẫy đều kín khán giả. Những trận cầu đinh tỷ như Thể công gặp CAHN hay Tổng cục Đường sắt gặp Hải Quan thì thôi rồi. Kiếm được tấm vé vào sân không phải là điều đơn giản.

Bấy giờ vé được phân phối qua các cơ quan theo giấy giới thiệu. Có bán ở sân nhưng không nhiều và những tấm vé này ít khi đến trực tiếp được tay người hâm mộ. Hệ thống phe vé bóng đá thì khỏi nói. Một đội ngũ đông đảo với những tấm vé cao có khi gấp nhiều lần giá gốc. Tôi ít bỏ trận nào mỗi chủ nhật khi có giải. Cả tuần chỉ nhăm nhăm lo kiếm vé. Thằng tôi láu cá bao giờ cũng mua được giá gốc một cặp và ra sân quại đi một chiếc thừa tiền để xem. Thậm chí hôm nào mua được vé cửa đẹp thì bán cả đôi để mua lại một chiếc cửa góc giá rẻ hơn nhiều. Vừa được xem, được tiền lãi tối về lại được đánh chén một chầu túy lúy.

Sân hàng Đẫy, tôi thích nhất ngồi bên khán đài B. Nơi đó tập trung dân sành bóng đá. Vé hiếm nên mỗi trận bóng đá ở những nhà cao tầng xung quanh sân, người ngồi xem trên sân thượng lố nhố, đông đảo. Kiểu xem vọng thế chỉ tổ nhức mắt chả thể nắm được diễn biến trận đấu. Thậm chí có kẻ táo gan còn dám leo tường vào sân. Sân Hàng Đẫy từng có một lần sập một bờ tường khán đài ở cửa số 9 thì phải vì quá tải người xem. Lâu tôi không nhớ chính xác.

Khi Hà Nội có sân Mỹ Đình thì cũng là lúc bóng đá thoái trào. Sân này ít khi được sử dụng trừ những trận đấu của Tuyển Việt Nam. Mỹ Đình nom bên ngoài xấu vì chọn phải nhà thầu không mấy uy tín nhưng vào sân cũng rất hoành tráng. 

Bây giờ Hàng Đẫy vẫn được chọn là sân nhà của các đội bóng khu vực Hà Nội còn Mỹ Đình đắp nắng mưa để đấy và lượng khán giả thì cực kỳ khiêm tốn. Vé bóng đá vừa rẻ vừa ế có hôm còn mở cửa tháo khoán cho khán giả vào xem chùa lấy khí thế. Còn may sau chiến thắng của đội U23 khán giả có chiều hướng quay trở lại nhưng để trở về thời hoàng kim mua vé phe để xem như xưa có lẽ chẳng còn.

Bóng đá một thời chưa thật xa.

Bóng đá một thời chưa thật xa.

Bù lại, thời đại công nghệ được xem trực tiếp qua truyền hình mọi giải đấu quốc tế. Hay ở tính cập nhật nền bóng đá thế giới chứ cảm giác thì không bao giờ có được như xem trong sân. Và nữa những sân bãi một thời xưa đã biến thành nhà ở, chung cư và nhà hàng ăn uống. Trẻ bây giờ cũng ít nghịch như trẻ thời tôi, trốn học đi đá bóng chắc chắn là rất ít. Hà Nội giờ rộ những sân bóng mini chỗ nào cũng có nhưng đó là loại sân tạm bợ rải cỏ nhân tạo để kinh doanh dành cho những ai còn ham mê quần thảo trái bóng tròn.

Kể cũng là một điều tiếc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top