Aa

Leng keng tàu điện...

Thứ Sáu, 22/06/2018 - 06:00

Không biết chủ trương dỡ bỏ hẳn tàu điện ra khỏi Hà Nội để làm gì nhưng quả thật đấy là điều đáng tiếc. Giờ người Hà Nội khổ sở với giao thông công cộng với những buýt BRT với xe điện trên cao càng thêm nhớ tiếng leng keng tàu điện dạo nào.LENG KENG TÀU ĐIỆN...

Hà Nội có lẽ là đô thị độc đáo nhất Việt Nam ở chỗ có tàu điện. Bây giờ, những người trẻ tuổi nếu lười đọc chắc chắn sẽ không hình dung ra nổi thế nào là tàu điện. Vậy mà tàu điện một thời là những gì đặc trưng có thể nói là bậc nhất của Thủ đô cả nước. Với những người từng gắn bó với Hà Nội thì lại càng chắc chắn không thể quên được những toa tàu sơn màu đỏ trắng hoặc xanh đỏ, rộn rã phố phường bằng tiếng leng keng cũng độc nhất vô nhị. Và ký ức về Hà Nội sao có thể thiếu đi tiếng leng keng đã hằn in vào tâm tưởng vĩnh viễn ấy. Ôi những toa tàu điện thân thương.

Người Pháp tạo ra tàu điện ở Hà Nôi từ những năm cuối thế kỷ 19. Chuyến tàu đầu tiên chính thức được vận hành ngày 13/9/1890. Đó là chuyến tàu đi từ Bờ Hồ đến Thụy Khê. Thụy Khê cũng là con phố đặt “Nhà máy xe điện Thụy Khê” sau này là ga về ngủ của mọi con tàu khi đêm đến. Cho đến khi xóa bỏ xe điện năm 1991 thì Hà Nội đã có ngót  nghét 100 năm là thành phố rộn rã tiếng leng keng mỗi khi có đoàn tàu chạy đến. Xin thưa tiếng leng keng này là chuông báo của tàu điện. Người lái vừa điều khiển vô lăng hãm tàu, điều khiển máy chạy vừa đạp chuông báo hiệu cho người đi đường biết có tàu đang chạy.

Tuổi thơ của tôi có nhiều ký ức về tàu điện. Đám trẻ tinh nghịch hay kéo nhau lên tàu và thi nhau nhảy tàu khi người soát vé cầm cặp vé bằng da có hai mặt trên gắn những tập vé khác mệnh giá cho từng ga đến bổ thẳng thừng vào những loại đầu bò “phá gia chi tử” trốn vé. Thường thì đám trẻ chẳng bao giờ mua vé. Nơi đứng an toàn nhất là hậu toa cuối. Mỗi đoàn tàu điện di chuyển thường có hai hay 3 toa. Tàu điện chạy bằng điện có đường dây trần riêng chăng trên cao. Chiếc cần vẹt điều khiển ở mỗi toa đầu hoặc cuối làm nhiệm vụ nối điện từ đường dây vào tàu. Khi đến ga cuối người lái chỉ việc chuyển toa. Lúc này toa cuối lại thành đầu tàu chạy ngược lại. Thế nên tàu điện không bao giờ có khái niệm quay đầu. Người bán vé đám trẻ gọi là “sơ vơ” chỉ cần hạ cần vẹt này nâng cần vẹt kia là tàu lại leng keng khí thế. Đứng ở đuôi chưa hẳn là chắc cú vẫn bị đuổi như thường. Bán vé tàu “sơ vơ” tuyển toàn những người mạnh mẽ. Trên tàu ngoài trẻ con nghịch ngợm còn là đội ngũ lính “mổ” là những kẻ ăn cắp trà trộn móc ví. Đấy là chưa kể đến vô khối kẻ biến thái lợi dụng ngày lễ hoặc hôm tàu đông người lèn như cá hộp để lợi dụng sàm sỡ phụ nữ. Những lúc như thế “sơ vơ” gần như kiêm nhiệm chức năng bảo vệ người đi tàu.

Nói về nhảy tàu, có hẳn một bài hết chế về cách nhảy. Lâu tôi đã quên giờ chỉ nhớ được 2 cách nhảy. Một là nhảy kiểu phổ thông, buông tay chạy theo tàu. Kiểu này dành cho những người mới tập nhảy và cũng khá nguy hiểm. Tôi đã chứng kiến một anh bị ngã, chân đút vào đường tàu cụt đến tận bẹn. Cao thủ hơn là nhảy bổ. Tức là nhảy xoay người hơn một vòng trên không, chân tiếp đất quay ngược hẳn với hướng tàu chạy. Kiểu này chân phải vững và hợp lý thì người khững lại rất đẹp.

Trên tàu ngoài hành khách cũng có một số người bán hàng rong kiểu như lơ tẩy hồng và vài thứ đồ lặt vặt. Quen thuộc là hát xẩm kéo nhị với những làn điệu phổ biến để hành khách thưởng tiền, nói cách khác là bố thí. Hà Nội khi đó, nói không quá, người dân di chuyển ngoài phương tiện cá nhân là xe đạp thì tàu điện là chủ yếu. Tôi không mấy hiểu tại sao người Pháp lại chỉ đặt xe điện ở Hà Nội và vì sao họ lại thiết kế những nhánh xe điện diệu kỳ đến thế khi đủ cả 6 cửa ô Hà Nội đều là những bến cuối của xe điện. Chợ Mơ, Vọng, Yên Phụ, Cầu Giấy, Bưởi, Hà Đông. Hầu như với các chợ lớn ở Hà Nội đều có ga xe điện đặt ở gần.

Là người Hà Nội ở vào độ tuổi còn xe điện không ai không biết ga trung tâm của tàu điện là ga Bờ Hồ. Nhìn chếch sang Hồ Hoàn Kiếm từ nhà Hàm Cá Mập phố Đinh Tiên Hoàng bây giờ đó chính là ga tàu điện Bờ Hồ khi ấy. Ở đây có nhiều đường ray song song là nơi tàu tránh. Đêm đến cũng có một vài đoàn tàu ngủ lại đây đợi đi chuyến sớm. Nhà tôi gần Bờ Hồ nên đi đâu chỉ cần cuốc bộ ra đó. Xem đá bóng sân Hàng Đẫy ư? Cứ việc phót lên tàu đến Hàng Đẫy là nhảy xuống. Tiện lợi vô cùng. Bờ Hồ vì có ga tàu điện trung tâm nên cùng với di tích Hồ Hoàn Kiếm, thì đây thật sự là cái nôi của Hà Nội. Đến thăm Hà Nội chưa đến chỗ này coi như chưa đến. Với tàu điện cũng thế. Đến Hà Nội chưa đi tàu điện mới chỉ là dạo dạo vòng ngoài chưa thể gọi là đã biết Hà Nội.

Nhân nói chuyện leng keng tôi cũng lại càng không hiểu tên gọi chính thức là xe điện nhưng người Hà Nội đều gọi là tàu điện. Không biết chủ trương dỡ bỏ hẳn tàu điện ra khỏi Hà Nội để làm gì nhưng quả thật đấy là điều đáng tiếc. Giờ người Hà Nội khổ sở với giao thông công cộng với những buýt BRT với xe điện trên cao càng thêm nhớ tiếng leng keng tàu điện dạo nào.

Mới biết ký ức không phải cái gì cũng là điều xưa cũ. Tự nhiên tôi ước ao một ngày mở mắt ra lại nghe thấy tiếng leng keng tàu điện. Sẽ hạnh phúc biết bao...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top