Mùa hè nóng nực, tất nhiên nhưng có lẽ chỉ khi đô thị hóa một cách mãnh liệt như hiện nay, thành phố mở rộng với những tòa nhà chọc trời cùng hiệu ứng nhà kính và lượng cây xanh không đủ tỷ lệ che phủ mới gây ra cái nóng hầm hập đến phát sốt. Đi trong thành phố nhìn dòng người xe, khói bụi cùng những trang phục chống nắng kín mít càng thêm bức bối. Vào những lúc ấy dù có ngồi trong căn phòng máy lạnh mát rượi không hiểu sao bao giờ tôi cũng nghĩ đến sông Hồng, với ao ước được vùng vẫy trong dòng nước mát. Điều đó có là quá sức tưởng tượng?
Đích thị là không. Bất kể là người thành phố hay nông thôn thì chí ít trong đời cũng không thiếu những dịp được tắm sông. Con sông như một biểu tượng của đời sống có ở bất cứ vùng miền nào. Và tôi một đứa trẻ lớn lên bên con sông Hồng, Hà Nội. Tôi có rất, rất nhiều kỷ niệm về tắm sông.
Sông Hồng chảy qua nội thành Hà Nội không dài, từ mạn Chèm, Nhật Tân qua An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân đến Cầu Đất, Phà Đen rồi xuôi ra ngoại thành Thanh Trì chỉ quãng trên dưới hai chục cây số. Mùa hè mưa nhiều, nước thượng nguồn dồn về nên sông Hồng lúc nào cũng rộng mênh mang. Từ nhỏ tôi đã thấy suốt dọc sông chỗ nào cũng là bãi tắm. Ngày đó trên sông Hồng cập bờ là những bè gỗ, tre, nứa lá từ mạn ngược đưa về đậu san sát. Tắm trên bè gỗ là thích nhất. Những cây gỗ tròn to bằng cả vòng ôm người lớn được liên kết lại bằng những sợi dây mây săn chắc thành bè. Ra mép bè nước chảy rẽ dòng, từ đấy bông nhông xuống còn gì sung sướng bằng. Dạo đó bọn trẻ nghịch ngợm chúng tôi tan học hoặc trốn học rủ nhau ra bãi cát quần thảo với quả bóng da rách nhặt được ở sân Long Biên rồi nhồi cỏ khô vào đá chán chê mê mỏi sau đó xuống sông tắm. Nghỉ hè còn thích nữa. Ôi mùa hè của tuổi thơ thần tiên và sông Hồng vĩ đại.
Tắm sông Hồng bao giờ cũng là mạo hiểm. Có không ít trẻ đã trôi đi không trở lại được bờ. Thế nên, chỉ những đứa trẻ ngỗ ngược mới dám tắm sông trường kỳ. Tôi nhớ có lần bạn bè thách đố nhảy ngược bè. Nước sông chảy xiết, nhảy ngược bè có nghĩa là chấp nhận nước đẩy chui vào gầm bè và phải bơi ngang ra phía ngoài sông để thoát ra khỏi bè. Bơi xuôi bè dài cầm bằng là chết. Lần ấy không hiểu sao tôi hụt hơi không thoát khỏi ngang bè. Đuối thở phải ngoi lên. Chỉ kịp nhìn thấy khoảng sang sáng của bè tôi ngóc lên đúng chỗ đó. Vừa may lọt được cái đầu qua khe của hai cây gỗ sít sịt. Rất vất vả những người quản bè gỗ mới đưa được tôi lên khỏi cái khe hẹp đó. Lúc lên được bè tôi muốn tắt thở khi nhìn thấy đó là cái khe duy nhất có thể lọt được đầu người. Ú ọa. Tôi đã may mắn. Vết dấu của kỷ niệm thoát chết đó nằm vĩnh viễn trong tâm khảm tôi.
Lớn lên đi nhiều vùng miền mỗi khi có cơ hội tôi lại vùng vẫy giữa dòng sông. Nhưng có lẽ chỉ có con sông Hồng quê hương mới đủ níu kéo được tôi nhớ được bến bờ.
Nhắc mãi đến tuổi thơ tắm sông tôi muốn nói đến nghịch cảnh của sông Hồng hiện tại. Vẫn dòng sông ấy, dù bồi lở theo dòng, thì bao năm dòng sông chẳng nhiều thay đổi. Chỉ có con người thay đổi. Hai bên bờ sông Hồng giờ những cánh bãi chẳng còn. Nhà cửa san sát ra đến tận mép sông. Người ta tận dụng lấn chiếm từng thước đất. Các loại bè gỗ, bè tre tiệt hẳn vì rừng đã hết. Các bãi tắm chỉ còn trong ký ức của những đứa trẻ năm nào giờ đã thành những ông già. Duy nhất có một nơi mà sông Hồng còn neo giữ để đãi đằng thú tắm của người Hà Nội. Đó là bãi giữa.
Nguyên bãi giữa là dải đất nổi tõe đôi dòng sông kéo một đoạn dài vài ba cây số. Phần bãi giữa này thuộc về phường Ngọc Thụy, Gia Lâm bên tả ngạn sông Hồng. Bãi giữa là nơi canh tác của người dân Ngọc Thụy và ở đó có một số người dân ngụ cư sống bám vào sông Hồng. Đi trên cầu Long Biên từ Hà Nội sang đến giữa cầu có bậc xuống men theo đường mòn của ruộng ngô, bãi chuối là ra đến bến tắm. Bãi giữa có những bãi tắm hẳn hoi do những người có thú tắm sông tạo lên. Có hẳn một hội “Những người yêu sông Hồng” được lập kiểu na ná câu lạc bộ. Những thành viên bãi giữa tắm sông đa phần là những người trung tuổi. Già có, thanh niên có, nhưng trẻ con thì hầu như vắng bóng. Họa hoằn có những đứa trẻ được ông bố yêu sông dẫn ra bơi. Điều khác biệt với những bãi tắm khác là những thành viên tắm sông bãi giữa tự mặc định cho mình sự tắm truồng. Bãi tắm tiên này nổi tiếng đến mức báo chí nước ngoài đã có bài mô tả.
Tôi thi thoảng cũng ra bãi giữa. Yêu sông Hồng lắm nhưng nhà xa, tuổi già và bận bịu thời gian nên chẳng thể theo được sở thích tắm sông có từ tấm bé. Dẫu vậy thì sông Hồng với làn nước phù sa đục đỏ mát lạnh như kem mùa hè mãi là nơi lưu giữ tuổi thơ của không chỉ riêng tôi và là nơi mỗi một đời người gắn bó với nó đều thấp thoảng một tình yêu không bao giờ dứt.
Hà Nội, 5/6/2018