Tôi thuộc típ người đa cảm nhưng không hề lãng mạn để có thể ví vỉa hè như tấm khăn quàng cổ trong bộ trang phục thành phố mà tôi vừa nghe thấy chiều nay từ miệng một cô gái đẹp ở hè một con phố cũng rất đẹp của Hà Nội. Nhưng quả thật cách ví von chẳng giống ai kia của cô gái lại gợi cho tôi những xúc cảm đặc biệt về vỉa hè.
Chẳng có thành phố nào trên trái đất lại không có vỉa hè. Mỗi nơi mỗi kiểu nhưng vỉa hè gần như là một thứ trang sức bày ra vẻ quyến rũ của chính thành phố đó. Hà Nội từng là một đô thị do người Pháp xây dựng. Dĩ nhiên kiến trúc cùng tiêu chuẩn Âu châu được áp vào với vỉa hè Hà Nội. Đấy cứ nhìn những con phố gần như còn nguyên vẹn kiến trúc cũ kiểu phố Tây như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt là đủ rõ. Hè phố rộng thênh thang đẹp tuyệt trần. Mùa nào đi trên những vỉa hè này cũng thấy cảm giác thư thái. Tôi thích nhất là mùa cây trút lá. Những chiếc lá vàng mỏng manh rớt xuống theo số phận từ cây mẹ vĩ đại để tái sinh những mầm lá xanh non gợi ra trí tưởng vô cùng ảo diệu về vòng quay quy luật tử sinh. Tôi cứ mãi ngẩn ngơ khi nghe, dù chỉ một tiếng chim hót lẻ loi trong vòm lá âm u trên hè phố tĩnh lặng của một chiều đông buốt giá. Nhiều lắm, hè phố với mỗi người luôn là những gì rất riêng tư được thời gian cất giữ.
Vỉa hè có lẽ hợp nhất với tuổi thơ ngây dại và tuổi già trầm uẩn quá vãng. Tôi cứ nhớ mãi một trận chạy mưa rào trên hè phố của một ngày xưa xa lắc. Thằng bé con mười tuổi là tôi với một bụng may ô căng tròn đầy sấu chín vừa lượm được sau một hồi cùng chúng bạn trèo hái. Cả bụng sấu ào ra lăn dài trên hè phố khi thằng bé trượt chân ngã oạch. Những quả sấu chín vàng bỗng dưng như có phép lạ bồng bềnh trôi cùng bong bóng nước phập phồng để đọng lại vĩnh viễn trong ký ức hóa thạch.
Khu phố cổ Hà Nội, vỉa hè lại có những đặc trưng khác. Vỉa hè tương xứng với những dãy nhà ống, hẹp mặt tiền. Những đoạn vỉa hè này thường không được rộng. Khi thành phố còn chưa được mở mang dân số đông đúc như bây giờ, hè phố Hà Nội đủ cho mọi sinh hoạt công cộng của người dân. Bấy giờ người ta chưa ý thức về sự lấn chiếm tư hữu vỉa hè. Rộng hay hẹp thì vỉa hè lẽ dĩ nhiên là nơi chỉ để dành cho người đi bộ dạo phố. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường hẹp như thế, giữa lòng đường lại có đường xe điện chia cắt nhưng vỉa hè luôn tạo ra cảm giác thênh thang, tít tắp. Trên vỉa hè ở khắp mọi con phố chốc chốc lại xuất hiện một cột máy nước hoặc bằng thép hoặc xi măng. Đó là hệ thống nước sạch công cộng. Có một dạo nước khan, ở những cột máy nước này rồng rắn thùng, chậu, xô xếp hàng lấy nước. Lại nhớ dạo chiến tranh phá hoại, trên vỉa hè người ta đào những hầm cá nhân tròn bằng ống cống xi măng trên có nắp đậy để tránh mảnh đạn, bom. Khi báo động, người qua đường đẩy nắp hầm nhảy xuống trú ẩn.
Vỉa hè là nơi người Hà Nội chôn xuống những kỷ niệm thiếu thời. Những trận bóng đá nhừ tử của đám choai choai ở những hè phố rộng. Cặp sách là cột gôn tôm. Ai còn nhớ những trò đánh đáo, đánh khăng, chơi bi, trận giả của con trai và đám ô ăn quan nhảy dây của những đứa gái nhút nhát. Tôi chẳng bao giờ quên những đêm mất điện ra hè phố đọc sách, học bài dưới những quầng đèn đường vàng vọt. Thi thoảng lại thộp được con cánh cam, chú cà cuống rớt bộp xuống mặt hè.
Hè phố qua mỗi thời kỳ lại được thay gạch lát đá mới kiểu như thay áo. Và như một quy luật, cuộc sống dần biến vỉa hè thành nơi mưu sinh với đủ kiểu chiếm dụng. Những nhà mặt phố bành trướng. Hàng quán, xe cộ chất đầy. Nhiều con phố vỉa hè dường như đã biến mất dù muôn đời nó còn nằm đấy. Nhiều khi lách trên hè phố nhớ đến thắt ruột những hàng nước chè chén xưa nằm thụt lùi trong cửa nhà kê cái bàn bày vài ba lọ kẹo, bao thuốc. Thực khách cũng ghé sát hiên nhà trên những chiếc ghế gỗ tự tạo xinh xinh. Giờ thì cảnh đó hiếm hoi như cổ tích thay vào đó là cửa hiệu, nhà hàng sáng choang.
Vẫn biết thời thế đổi thay phải chấp nhận quy luật nhưng sao có thể kìm giữ được nhớ thương vỉa hè phố xưa. Thương nhớ để thấy sự so ví vô tình của cô gái đẹp trên cái vỉa hè đẹp sót lại kia của Hà Nội 36 phố phường mới ý nghĩa và bội phần trân quý làm sao.