Aa

Tăng nguồn cung nhà ở xã hội, vực dậy thị trường bất động sản

Thứ Hai, 14/08/2023 - 06:55

Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội giúp cải thiện nguồn cung bất động sản đang thiếu, đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay, do đó cần nhiều giải pháp "đột phá" hơn trong triển khai phân khúc này.

Phát triển nhà ở xã hội giúp cải thiện nguồn cung nhà ở

Hiện nay dù trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng kéo dài cũng không thể phủ nhận nhu cầu về nhà ở của người dân là rất cao, đặc biệt là đối với đại bộ phận những người có thu nhập thấp, công nhân hay những người mới đi làm. Tuy nhiên, giá nhà cao là một gánh nặng tài chính với đối tượng này, thậm chí việc mua nhà ở xã hội cũng còn rất khó.

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những chủ trương hàng đầu của nước ta, tuy nhiên dù đã tích cực triển khai nhiều năm vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, không chỉ phía người dân thu nhập thấp khó khăn trong tiếp cận được nhà ở xã hội, mà hiện nay nguồn cung loại hình rất hiếm.

NƠXH
Những người có thu nhập thấp khó tiếp cận được nhà ở xã hội (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)

Nguyên nhân của việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra là do thiếu quỹ đất, doanh nghiệp không muốn triển khai do thiếu nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trình tự thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Thậm chí nhiều dự án nhà ở xã hội chuyển mục đích đầu tư sang nhà ở thương mại trái quy định, hay bỏ hoang trong thời gian dài do nằm quá xa trung tâm khó bán,….

Điều đáng nói là mặt bằng giá nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội sau khi được bàn giao vài năm đã tăng gấp đôi so với giá ban đầu, có những dự án nhà ở chạm ngưỡng gần 30 triệu đồng/m2 khiến người dân có mức thu nhập thấp rất khó có thể tiếp cận được.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là phân khúc nhà ở xã hội số lượng rất thấp. Nếu trong tương lai, không có những biện pháp tăng nguồn cung kịp thời thì sẽ có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Do vậy, cần phải thúc đẩy gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp vì đây là phân khúc dễ thanh khoản.

Ông Hoàng Văn Cường
GS. TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động, đưa ra nghị quyết kịp thời giúp thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản. Đặc biệt là Chương trình cho vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã tạo động lực thúc đẩy lớn các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

“Để phát triển nhà ở xã hội, tôi nghĩ rằng chính sách của góp 120.000 tỷ đồng cần phải đáp ứng được cả về thời hạn cho vay, mức lãi suất, thậm chí có thể dùng thêm một phần hỗ trợ từ ngân sách cho lãi suất của phân khúc này, từ đó sẽ giúp gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường”, ông Cường chia sẻ.

Cần nhiều giải pháp phù hợp và mạnh mẽ hơn nữa

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay của người dân là đang tìm kiếm những bất động sản đáp ứng nhu cầu thực, chính vì thế nhà ở xã hội được quan tâm rất lớn. Khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường sẽ giảm bớt tình trạng chênh lệch cung cầu trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để phát triển được nhà ở xã hội một cách hoàn chỉnh rất cần những giải pháp đột phá, tác động mạnh hơn nữa.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, để giải quyết nhanh vấn đề thiếu nhà ở xã hội thì cần có những cơ chế, ưu đãi mạnh mẽ và hấp dẫn các chủ đầu tư hơn nữa như các chính sách về quỹ đất, giao đất, lựa chọn nhà đầu tư,… Đặc biệt là các quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian thực hiện xây dựng nhà ở xã hội xuống dưới 12 tháng, chứ không thể để giống như các dự án nhà ở thương mại từ 24 – 36 tháng thì rất khó. Về lợi nhuận định mức các doanh nghiệp nên quy định ở mức trên 10%, thay cho dưới 10% như hiện nay.

Ông Khôi
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Ảnh minh họa: Reatimes)

Về phía địa phương, để các dự án nhà ở xã hội triển khai mượt mà thì nên ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để có thể kết nối hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội,.. nhanh chóng.

“Cần đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi, vì nếu các địa phương không ra soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội, ngay trong 6 tháng cuối năm 2023 thì bước sang năm 2024 vẫn lúng túng trong việc triển khai ở xã hội cũng như nhà ở thương mại”, ông Khôi kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Khôi cho rằng, để thuận tiện trong việc xét duyệt các tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt thì nên tận dụng các dữ liệu thông tin về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.

Ngoài ra, mức lãi suất hiện nay đối với loại hình nhà ở xã hội vẫn còn ở mức cao, các chủ đầu tư đang vay lãi suất 8,7%, người mua nhà ở xã hội là 8,2%, nên giảm mức vay lãi suất xuống còn 6% đối với chủ đầu tư, và 4,5% đối với người mua nhà.

“Cần triển khai mạnh hơn nữa các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương. Trong đó tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại sản phẩm, phân khúc nhà cho phù hợp với thu nhập và nhu cầu thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; xác định lại giá bán; đồng thời tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư về phương án giãn, hoãn nợ và thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư”, ông Khôi nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top