Aa

Tăng tiến độ dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ Bảy, 11/02/2023 - 06:29

Hiện nay, 8 trong tổng số 11 gói thầu của dự án đã được triển khai thi công, sản lượng đạt 11,44% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ.

Thông tin về tiến độ triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến nay, 8 trong tổng số 11 gói thầu của dự án đã được triển khai thi công, sản lượng đạt 11,44% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ.

Đối với 3 gói thầu còn lại, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, hiện Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án) đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu; trong đó, 2 gói thầu (XL07; XL11) đã trình Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xin ý kiến báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu và dự kiến chấp thuận kết quả lựa chọn nhà thầu, khởi công ngay trong 2/2023.

“Gói thầu XL3 đang đấu thầu lại, đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến lựa chọn xong nhà thầu trong tháng 3/2023. Các gói thầu này dự kiến khởi công toàn bộ trong tháng 2 và 3/2023”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Thông tin cụ thể về tiến độ triển khai 3 gói thầu dự án thành phần 2 (tuyến 2) thuộc Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Lê Nhật Cường, Trưởng phòng dự án 1 (Ban Quản lý dự án 2) cho hay, gói thầu XL-09 dài hơn 20km, nhà thầu thi công: Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Hải Phong và Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim. Hiện liên danh nhà thầu đang triển khai thi công đào đắp nền đường, khối lượng đã thi công đến hết tháng 1/2023 vượt 11,3% so với kế hoạch.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, gói thầu XL-10 dài khoảng 18km, đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần 471- Công cổ phần xây dựng Thành Công - Công ty cổ phần xây dựng Minh Dũng. Hiện nay, liên danh nhà thầu đang triển khai huy động công trường, hiện đã hoàn thành khảo sát địa hình và địa chất, đang triển khai bản vẽ thi công. Trên cơ sở mặt bằng hiện có và kết quả khảo sát bản vẽ thi công, gói thầu bắt đầu thi công tháng 2/2023.

Đối với thầu XL-11 dài khoảng 16km, hiện Ban Quản lý dự án 2 đang báo cáo ADB kết quả đấu thầu. Sau khi nhà tài trợ phê duyệt kết quả đấu thầu sẽ triển khai thi công ngay.

Về giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ông Lê Nhật Cường cho biết, vướng mắt về đất rừng đã cơ bản được UBND tỉnh Yên Bái giải quyết. Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 71/TCKL-KL ngày 13/1/2023 cho ý kiến đối với Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020. Địa phương đang tổng hợp để giải trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về mặt bằng, gói XL-09 đã nhận bàn giao mặt bằng khoảng 18,5km, đạt 92%. Ban Quản lý dự án 2 tiếp tục phối hợp địa phương giải quyết các tồn tại vướng giải phóng mặt bằng. Đối với mặt bằng gói XL-10, địa phương đã bàn giao cho nhà thầu khoảng 3km và tiếp tục bàn giao cho nhà thầu mặt bằng trong tháng 2 này. Trong khi đó mặt bằng gói XL-11, hiện đang chờ địa phương cung cấp giá để lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Về khó khăn vướng mắc, ông Lê Nhật Cường cho hay, gói XL-09 còn lại khoảng 1,5km chưa bàn giao được do vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, một số hộ dân còn thắc mắc về chế độ chính sách. Hiện nay tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật chậm, ít chuyển biến. Đặc biệt, còn 5 cột điện 35 KV nằm trong phạm vi thi công trên tuyến chưa di chuyển; 25 vị trí cột hạ thế.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông dọc theo tuyến thi công nhưng chưa được tiếp nhận bàn giao và di chuyển thu hồi tài sản cũ, gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu trong công tác lắp đặt rãnh thoát nước dọc tuyến; đường ống nước di dời chưa đáp ứng tiến độ. Các vị trí đào mở mái taluy, chỉnh tuyến đều nằm trong phạm vi đất rừng…

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Quy mô của dự án gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng, tăng khoảng 707 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đối ứng tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 143 tỷ đồng.

Đề cập đến lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quyết định phê duyệt đầu tư dự án số 2034 ngày 17/9/2018 của Bộ Giao thông vận tải, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 312 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cập nhật cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng dự án đến nay là hơn 1.020 tỷ đồng tăng hơn 708 tỷ đồng.

Theo đó, chi phí đền bù, hỗ trợ di dời người dân, chi phí chương trình phục hồi thu nhập và chi phí tổ chức thực hiện là hơn 685,6 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ xây dựng khu tái định cư là gần 63 tỷ đồng; chi phí di dời công trình hỗ trợ kỹ thuật là hơn 256,2 tỷ đồng; trồng rừng thay thế là gần 15,5 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn tăng thêm, Bộ Giao thông vận tải dự kiến cân đối vốn đối ứng hơn 708 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải.

Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, với nhiều tuyến đường bộ; trong đó có có dự án kết nối giao thông phía Bắc, sân bay, đường thủy gắn với phát triển các hành lang kinh tế đang được đẩy nhanh tiến trình đầu tư nhằm sẽ tạo ra bước đột phá, phát triển nhanh, bền vững cho Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top