Aa

Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%

Thứ Năm, 30/12/2021 - 06:30

Với GDP quý IV ước tăng 5,22%, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 2,58%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, cũng như so với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này đã cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%.

Với kết quả này, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%. Trong đó, quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%.

Bình luận về con số này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất - kinh doanh.

Đặc biệt, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, tăng trưởng quý IV mới đạt khá, qua đó giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%.

Mức tăng trưởng này là thấp, thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020, đồng thời cũng thấp hơn so với dự báo trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hồi tháng 10/2021, khi báo cáo lên Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 3 - 3,5%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Như vậy, động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục nằm ở khu vực công nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng là một bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, trong bối cảnh cả khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng chậm lại.

Do đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4, khu vực dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020).

Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top