Tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú cho biết, những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn.
Với mục tiêu cả năm đặt ra là khoảng 15%, sẽ có điều chỉnh theo các yêu cầu thực tế tới thời điểm cuối năm, và đến thời điểm này đạt được 7,75%. Đây là con số tích cực nếu so với thời điểm này của năm 2023, mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.
Theo Phó Thống đốc, năm nay, tình hình kinh tế khởi sắc hơn nhiều, đặc biệt so với trước kia. Tốc độ tăng trưởng đều tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 có thể đạt được 15% như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã đặt ra những nhiệm vụ rất quyết liệt để tăng trưởng tín dụng. Với kinh nghiệm từ những năm trước, và thực tế riêng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp:
Thứ nhất, sớm phân bổ hết chỉ tiêu 15%, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.
Thứ hai, từng bước hạ lãi suất và hiện lãi suất đã giảm khá tích cực. Với những khoản mới, lãi suất vay bình quân 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ. Tuy lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay giảm, đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cố gắng duy trì tỷ giá rất ổn định. Mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Tỷ giá này sẽ tiếp tục duy trì ở mức hợp lý, cân đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, quan trọng nhất lúc này, theo ông Tú, là thúc đẩy khả năng hấp thụ, nhu cầu vốn vay. Hiện thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản các tổ chức tín dụng đồng thời giảm, tức là khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Vì vậy, chỉ cần đẩy mạnh nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Đồng thời, kết hợp với nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác, để đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng. Đơn cử, Luật Tổ chức tín dụng mới đã tháo gỡ, tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.
Cùng với đó, với việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.
Ông Tú cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục coi trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại. Cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, sẽ tiếp tục tăng số dư những gói tín dụng ưu đãi hiện hành. Như gói 140.000 tỷ đồng đang có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm. Đồng thời, tiếp tục tăng ưu đãi, giảm lãi suất thêm 1% nữa, từ 2% thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.
Hay gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ, đạt 36.000 tỷ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000-60.000 tỷ.
"Đây là những nội dung chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành trong thời gian tới. Với con số dư nợ tín dụng tới thời điểm hiện nay và bằng những chính sách của ngành, cũng như chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chúng tôi hy vọng cuối năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục góp phần cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 đến 7%", Phó Thống đốc nói.