Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Nhiều dự án nhà ở, công trình dịch vụ, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường; chất lượng ở một số dự án còn chưa thực sự đảm bảo, mật độ xây dựng còn cao, không gian sống chưa phù hợp với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Không gian sống văn minh – động lực tăng trưởng
Theo TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, không gian sống văn minh được hình thành từ tổng thể các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, đảo bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, với môi trường xung quanh và với các quan hệ chính trị - xã hội lành mạnh bên trong và bên ngoài cộng đồng dân cư. Không gian sống văn minh được tạo dựng từ các công trình xây dựng nhà ở, các công trình công cộng, gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội,… được bố trí, sắp xếp phù hợp theo quy hoạch, được thiết kế bài bản, khoa học, phù hợp với môi trường, cảnh quan, đảm bảo các tiện ích, giữ gìn và phát huy các nét đẹp về văn hóa, tạo dựng và duy trì các chuẩn mực về văn minh đô thị.
Đánh giá về tầm quan trọng của không gian sống văn minh đối với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội của Thủ đô, PGS.TS.Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, việc hình thành không gian sống văn minh là một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, không gian sống văn minh góp phần phát triển hoạt động du lịch, các ngành công nghệ, trình độ cao và thu hút lao động có chất lượng cao đến sống và làm việc đồng thời cũng đặt ra yêu cầu sự phát triển vượt trội về kết cấu hạ tầng và công trình tiện ích, công cộng.
Theo kết quả Điều tra dân số giữa kỳ 01/4/2014, Hà Nội là đô thị có dân số đứng thứ 2 cả nước, gần 7,1 triệu người, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200.000 người. Với quy mô bình quân hộ gia đình 3,8 người/hộ, hiện Hà Nội có khoảng 1,87 triệu hộ gia đình. Tổng diện tích nhà ở 124,7 triệu m2 (nhà riêng lẻ gần 118 triệu m2, chiếm gần 95%; nhà chung cư chỉ đạt 6,7 triệu m2, chiếm gần 5%), diện tích bình quân là 19,6m2 (cả nước là 16,7m2).
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, giai đoạn này, rất cần tạo lập không gian sống văn minh, bởi đó chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Chuẩn văn minh – chuẩn pháp luật
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, Thủ đô vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc dân sinh chưa được giải quyết; Hà Nội chưa thể được gọi là thành phố đáng sống như Đà Nẵng hay TP.HCM.
Những vấn đề dân sinh bức xúc được lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ ra như giao thông, vệ sinh môi trường, thiếu không gian sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ; quá tải bệnh viện, thiếu trường học, thiếu hạ tầng tại các khu đô thị mới, các khu dân cư... Ông Sơn cũng nhắc đến tồn tại của vấn đề chiếu sáng đô thị, cải tạo lại vỉa hè, vấn đề văn hóa ứng xử của người Hà Nội còn nhiều điều phải bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. “Hiện còn nhiều công trình xây dựng sai phép, chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Một số công trình chưa đảm bảo an toàn PCCC. Nếu đưa vào sử dụng là một rủi ro rất lớn cho người dân. Về PCCC, nếu người dân đã vào ở rồi thì rất khó để xử lý”, ông Sơn nói.
Chuẩn văn minh – chuẩn quy hoạch
Ở góc độ quy hoạch đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, không gian sống đô thị là thước đo chất lượng sống. Tuy nhiên, khi nhìn vào thước đo này, Hà Nội đã và đang phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu đô thị mới kiểu “đô thị – phòng ngủ”.
Để phát triển thị trường bất động sản theo hướng hiệu quả, bền vững, cần xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống đô thị, các chuẩn mực lối sống đô thị đến từng tổ dân cư, khu phố. Đồng thời, tăng cường lực lượng quản lý trật tự đô thị, công an trong việc đảm bảo trật tự đô thị; có chính sách hợp lý đối với người bán hàng rong, người bán hàng vỉa hè, để một mặt đảm bảo cuộc sống của người dân, một mặt đảm bảo trật tự đô thị. PGS. TS. Trần Kim Chung
ThS. KTS. Nguyễn Thị Khánh Linh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chỉ rõ thách thức kép trong nội tại các khu đô thị. Nếu khu vực đô thị cũ đang quá tải nặng nề thì những đô thị mới dù quá trình mở rộng diễn ra nhanh, song chất lượng đô thị hạn chế. Không hiếm khu đô thị mới chỉ phát triển các công trình để ở, đặt nặng lợi nhuận bất động sản mà còn bỏ ngỏ các công trình dân sinh, hạ tầng xã hội.
Lý giải căn nguyên thực trạng trên, giới chuyên môn đều thẳng thắn cho rằng “chừng nào nghịch lý hạ tầng đi sau khu đô thị, chừng đó “căn bệnh đầu to” càng khó chữa. Khảo sát đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu đô thị chỉ đạt khoảng 10 - 15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30 - 35%. Cụ thể hơn, diện tích đất giao thông của Hà Nội bình quân đầu người là 5,8m2, TP.HCM là 2,9m2, so với tiêu chuẩn thế giới chỉ đạt 20 - 25%. “Để khắc phục, theo kịp tốc độ tăng dân số đô thị, chỉ tính riêng Hà Nội, đến 2020, cần 25 tỷ USD để phát triển giao thông ngầm, giao thông tĩnh, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải đô thị”, KTS Khánh Linh khuyến cáo.
Theo PGS.TS.Trần Kim Chung, Hà Nội cần công khai hóa, minh bạch hóa các dự án quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thực hiện đấu giá công khai quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, bán đất di dời trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Đặc biệt, cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chuyên gia trong quá trình xây dựng các quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch nhà ở trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trần Nam nhận định, đã hơn 6 năm, việc thực thi ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh gắn với vùng thủ đô vẫn chưa thực hiện được trong khi những bức xúc về mặt xã hội, hạ tầng cơ sở ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà nội cần hoàn thiện, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch có liên quan. Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị về tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa.
Chuẩn văn minh – chuẩn xanh
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5 cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, Hà Nội vẫn còn không ít điểm nóng giữa hạ tầng, giao thông và dân số, giữa những yếu tố kinh tế - xã hội với tiêu chí tăng trưởng xanh, bền vững.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đã và đang thực sự chú trọng đến những dự án xanh, thân thiện môi trường, trong đó không thể không kể đến dự án: Vinhomes Riverside, Gamuda, Khu đô thị Đặng Xá, EcoLife Capitol,… Theo giới chuyên gia, dự án bất động sản xanh thực sự không chỉ bao gồm một không gian xanh, được trồng nhiều cây xanh, được sơn một màu sơn mát mắt… mà từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.
Thế nhưng thực tế, nhiều người chưa thực sự hiểu đúng và hiểu đủ về lợi ích của dự án xanh. Ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp, cân đong đo đếm được như việc dự án xanh có thể giảm chi phí vận hành công trình trong suốt vòng đời 50 - 70 năm, còn nhiều lợi ích khó đong đếm được như chi phí lao động.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng đánh giá: Ý tưởng của chủ đầu tư là rất quan trọng, người dân sẽ không mua căn hộ chỏng chơ. Khi thị trường đang thiếu cung thì bán dễ, "chưa xanh" đã có người mua nhưng thừa cung thì khách hàng có nhiều lựa chọn. Song, dự án – công trình đã được trao chứng nhận công trình xanh rồi thì việc quản lý vận hành cũng phải xanh, phải theo dõi cả vòng đời công trình chứ không phải chứng nhận xong là xong.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận, tại Việt Nam còn có những rào cản như mức độ quan tâm, kiểm soát việc tuân thủ các nội dung, quy chuẩn ở một số cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, hay nguồn lực tài chính, ngân sách đầu tư cho tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Ngoài ra, năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật chưa cao. Việc phát triển còn mang tính chất tự nguyện, dựa trên chủ đầu tư.
Hiện vẫn chưa có cơ chế để khuyến khích hoặc bắt buộc chứng nhận năng lượng, chứng nhận dự án xanh đối với các công trình xây dựng. Vì thế, dự án bất động sản xanh vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong mục tiêu phát triển thị trường bất động sản - tạo lập không gian sống văn minh cho người dân Thủ đô, một khía cạnh quan trọng cần tính đền là đẩy mạnh phát triển dự án, công trình xanh./.