Aa

Tập đoàn Hưng Thịnh thành nạn nhân của thủ tục hành chính trì trệ

Thứ Năm, 15/04/2021 - 06:00

Theo thống kê sơ bộ gần đây, tại TP.HCM, trong số 54 dự án bị chậm cấp sổ hồng với gần 30.000 căn hộ, Tập đoàn Hưng Thịnh có đến hơn 10 dự án.

Chờ 5-7 năm sau vẫn chưa được thông qua phương án giá đất

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến tháng 9/2020, toàn thành phố có đến 54 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp, với tổng số lên đến 28.324 căn hộ và căn officetel đang bị chậm cấp sổ hồng. Con số này được tính trong 490 dự án nhà ở trong giai đoạn 2015 - 2019, chưa bao gồm các dự án đã triển khai từ trước năm 2015.

Đáng chú ý, chỉ tính riêng Tập đoàn Hưng Thịnh đã có tới 13 dự án với 7.944 căn hộ, 847 căn officetel vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Hưng Thịnh
Đại diện doanh nghiệp lên nhận "sổ hồng tượng trưng" từ Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng

Thông tin hồi cuối năm 2020, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, tất cả các dự án này đã thực hiện xây dựng đúng theo giấy phép, thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào theo đúng quy định; đã nộp đầy đủ hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét cấp sổ, cơ quan kiểm tra liên ngành xác định dự án đủ điều kiện cấp sổ. Nhưng một mấu chốt quan trọng nhất, đó là tắc tiền sử dụng đất.

Theo ông Dũng, quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, phải từ 3 năm trở lên doanh nghiệp mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, doanh nghiệp có nộp ứng trước khoản thuế này thì cũng đến 5 – 7  năm sau vẫn chưa được thông qua phương án giá đất.

Minh chứng là ở khu chung cư Lavita Garden (quận Thủ Đức), thủ tục thẩm định giá đất được triển khai từ cuối năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt thông qua. Chưa có kết quả thẩm định giá đất, doanh nghiệp phải tạm nộp tiền theo đơn giá cao nhất.

Tương tự, dự án Richmond ở quận Bình Thạnh cũng không xác định được giá đất, dù có căn cứ tờ trình của Sở, cuối cùng doanh nghiệp xin tạm nộp 50% để có cơ chế tiếp theo thực hiện dự án. Như vậy, 2 dự án này doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chờ quyết định cuối cùng đưa ra giá trị tiền sử dụng đất phải nộp.

Chưa cấp “sổ hồng” cho cư dân là lỗi xuất phát từ cơ quan thẩm quyền, không phải do lỗi của doanh nghiệp

Ông Dũng thông tin, các dự án còn lại của Hưng Thịnh nằm trong trường hợp nộp tiền sử dụng đất bổ sung, do trong quá trình thực hiện dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc (được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh). Dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung cho phép, tiền sử dụng đất đã đóng đủ, nhưng vì dự án điều chỉnh quy hoạch nên việc có phát sinh bổ sung tiền sử dụng đất bổ sung hay không, đến nay doanh nghiệp bế tắc. Không có cơ quan thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định cho doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung hay không.

Thậm chí, kể cả dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung mà doanh nghiệp vẫn còn bị “hành”. Cụ thể dự án tại quận Bình Tân, Thông tư 76 năm 2014, hướng dẫn Nghị định 45 quy định, trường hợp đã tính và nộp đủ tiền sử dụng đất theo chính sách thu tiền sử dụng đất mà giá đất được xác định không căn cứ vào chỉ tiêu quy hoạch trước 2014. Theo đó, dự án không nằm trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung, nhưng vẫn không giải quyết cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bị đề nghị phải xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (hỏi Sở Tài chính), Sở Tài chính hỏi Cục thuế, chi cục thuế… Tất cả điều đó doanh nghiệp đã làm và tiếp tục nộp hồ sơ ra Sở Tài nguyên và Môi trường để xin xác nhận, đề nghị ra văn bản được cấp sổ và sở vẫn hứa hẹn tiếp.

Dự án Richmond City bàn giao cho cư dân vào ở đã 2 năm những vẫn bị treo sổ hồng
Dự án Richmond City bàn giao cho cư dân vào ở đã 2 năm những vẫn bị treo sổ hồng

Đại diện Hưng Thịnh khẳng định, việc chậm trễ thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dẫn đến việc chưa cấp “sổ hồng” cho cư dân là lỗi xuất phát từ cơ quan thẩm quyền, không phải do lỗi của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp đang phải gánh chịu trách nhiệm, thiệt hại nặng nề. Đó là sự “bội tín” bất đắc dĩ với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu đã gây dựng trên thị trường, vướng các tranh chấp, kiện tụng không đáng có…

HoREA cũng cho rằng, trong những năm gần đây, các chủ đầu tư đã rất nỗ lực đáp ứng đủ điều kiện làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà, tuy nhiên lại lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. HoREA nhận định tình trạng chậm cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố đã xảy ra trong nhiều năm và dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top