Ngày 27/2, Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Tập đoàn TH hiện đang đầu tư nhiều dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Nổi bật là Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao”, sản xuất sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK. Dự án vận hành theo chuỗi sản xuất khép kín, được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án có tổng đàn bò là 45.000 con tại Nghệ An, xác lập kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á năm 2015. Dự án sữa TH đã được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum và nay là An Giang.
Tại đây, dự án với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, khi đi vào vận hành sẽ là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày.
An Giang là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn trong khu vực, có truyền thống lâu đời về nuôi bò thịt và có những hoạt động văn hóa liên quan tới bò, trong đó có Lễ hội đua bò Bảy Núi (huyện Tri Tôn). Mới đây, UBND tỉnh An Giang cũng đã có Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 về phê duyệt Dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao” giai đoạn 2017 - 2020 với nhiều hình thức hỗ trợ như: cung ứng bò giống chất lượng cao, tập huấn chuyển giao công nghệ mới, xây dựng liên kết ngành hàng… Để thực hiện Quyết định này, tỉnh có chủ trương thu hút các nhà đầu tư có Tâm, Trí, Lực trong lĩnh vực chăn nuôi như Tập đoàn TH.
Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang của Tập đoàn TH là bước đi tiếp theo của TH trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi, đồng thời cũng hưởng ứng lời mời đầu tư của tỉnh An Giang, phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở ngay vùng biên giới Tây Nam.
Phát biểu tại Lễ khởi công, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ mong muốn, bên cạnh trang trại bò sữa còn làm các trang trại trồng trọt theo mô hình hữu cơ và global GAP - sản xuất những sản phẩm nông nghiệp tươi sạch cùng với xây dựng nhà dưỡng lão và khu nghỉ dưỡng tại An Giang.
"Nếu chỉ làm riêng nông nghiệp thôi thì vất vả quá. Tôi nghĩ con đường tiếp theo đó của TH sẽ được mọi người đón nhận. Rồi đây vùng dự án của chúng tôi nơi đây sẽ trở thành những làng quê yên bình hay đô thị nông nghiệp… Vùng đất đẹp đẽ xinh tươi ngay vùng biên giới với Campuchia sẽ có những trang trại của TH làm trung tâm, từ đó mới dẫn lối cho bà con nông dân được.
Tôi cam kết cụm trang trại chăn nuôi bò sữa này sẽ đưa những người nông dân yêu quý nuôi bò đi theo cùng TH, xóa đói giảm nghèo vền vững cho người nông dân. Tôi cũng cam kết trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như bà con lối xóm và chính quyền địa phương, đưa vùng đất này đã đẹp càng trở nên xinh tươi đẹp đẽ như thiên nhiên đã ban tặng…", bà Thái Hương nhấn mạnh.
Tại dự án của TH ở An Giang, mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và tinh hoa khoa học quản trị từ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đạt kỷ lục thế giới của TH tại Nghệ An tiếp tục được ứng dụng với quy trình khép kín và sự chăm chút tỉ mỉ để tạo ra những ly sữa đạt chuẩn quốc tế.
Cụm trang trại của TH tại An Giang cũng sẽ được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như: Quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao khép kín của TH không chỉ mở ra một chương mới trong nông nghiệp công nghệ cao của An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, mà còn phát triển các sinh kế mới cho bà con nông dân. Trong chuỗi sản xuất khép kín của TH, nông dân sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể.
Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tại An Giang, Tập đoàn TH dự kiến phát triển thêm Mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt với thương hiệu Dalatmilk.
Dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH tại An Giang sẽ góp phần tăng số lượng, chất lượng nguồn cung sữa tươi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hướng tới xuất khẩu; thể hiện các giá trị cốt lõi của Tập đoàn TH: Vì hạnh phúc đích thực; Vì sức khỏe cộng đồng; Hoàn toàn từ thiên nhiên; Thân thiện với môi trường - Tư duy vượt trội; Hài hòa lợi ích.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Lễ khởi công dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại An Giang là khởi đầu cho một mùa xuân mới trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn TH đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang.
"Dự án được triển khai với định hướng phát triển bền vững gắn lợi ích của doanh nghiệp với cộng đồng, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm từng bước nâng cao đời sống thu nhập của người dân. Đặc biệt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra năng suất chất cao cao, giá trị gia tăng trên một diện tích đất canh tác.
Tôi rất vui mừng khi biết, bên cạnh thành công của các Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, TH sẽ khởi xướng một xu hướng mới theo mô hình hợp tác xã công nghệ cao để đưa người nông dân đi cùng", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều dư địa phát triển chăn nuôi trong đó có bò thịt và bò sữa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa chưa phát triển vì nhiều lý do, mô hình chăn nuôi bò sữa của TH sẽ trở thành mô hình điển hình, có quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Về hình mẫu, mô hình này sẽ thành công, góp phần, đồng hành với Chính phủ hoàn thành mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Để Dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ An Giang và Tập đoàn TH triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan và địa phương tạo điều kiện liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối, tiêu thụ sữa, sản phẩm sữa trong thời gian tới, đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả, xây dựng các văn bản pháp quy, hình thành quỹ đất công làm nền tảng cơ sở thu hút, mời gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cho các tỉnh ĐBSCL kịp thời, hiệu quả.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện, xây dựng thành công dự án. Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm cho lao động địa phương, xây dựng lộ trình cụ thể cho ngành chế biến, xuất khẩu trong tương lai. Địa phương giải quyết tốt các vấn đề về giao thông, cung cấp điện, nước sạch, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư và các điều kiện cần thiết khác để chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ, yêu cầu các sở ban ngành, UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trong quá trình triển khai công trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án nhanh chóng hoàn thành.
"Về phía chủ đầu tư, tập trung nguồn lực, chỉ đạo thi công, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sớm hoàn thành kế hoạch, đảm bảo yêu cầu chất lượng xây dựng các công trình. Chú trọng thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công không gây ảnh hưởng đến hoạt động các tổ chức và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đồng thời lưu ý tạo điều kiện làm việc cho bà con đã chia sẻ nhường đất cho dự án, để cùng nhau phát triển bền vững", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại buổi lễ.
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Tập đoàn TH cũng đã tặng món quà ý nghĩa là trường mầm non với giá trị xây dựng 5 tỷ đồng cho huyện Tri Tôn.
Trước đó, cũng trong sáng 27/2, lãnh đạo Chính phủ, tỉnh An Giang và Tập đoàn TH đã tham gia Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, theo tinh thần của Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây vì một Việt Nam xanh, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng trên toàn quốc.
Loại cây được trồng tại Ô Tà Sóc là cây Dầu Rái - loại cây lâu năm lấy gỗ đặc hữu, có giá trị và phù hợp thổ nhưỡng của vùng ĐBSCL. Những cây giống quý này là món quà Tập đoàn TH tặng An Giang trong mùa xuân mới.
Là một nhà đầu tư lớn đến với An Giang bằng dự án chăn nuôi tập trung công nghệ cao khép kín lớn nhất ĐBSCL, TH luôn mong muốn phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên và môi trường, phát triển bền vững, theo đúng tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” và giá trị cốt lõi “Thân thiện với môi trường”, hướng tới mô hình kinh tế xanh của Tập đoàn, làm xanh tươi các vùng dự án cũng như hưởng ứng sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ./.