Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"

Thứ Hai, 14/07/2025 - 06:00

Xuyên suốt chặng đường phát triển của đất nước, ngành xây dựng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, là thước đo phản ánh sự phát triển, đóng góp trực tiếp vào quá trình hình thành tài sản cố định của một quốc gia. Mỗi tuyến đường, khu đô thị, nhà máy, trung tâm thương mại... là tiền đề thiết yếu để đưa các lĩnh vực khác cùng “cất cánh”. Vì lẽ đó, sự phát triển của ngành xây dựng là một quy luật tất yếu trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, ngành xây dựng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận - không chỉ về quy mô, mà còn về chất lượng và trình độ áp dụng khoa học công nghệ. Thị trường bất động sản và hạ tầng ngày càng khởi sắc, diện mạo đô thị thay đổi rõ nét, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước ngày càng khẳng định năng lực cạnh tranh, từng bước thay thế nhà thầu ngoại để đảm nhận vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn, yêu cầu cao về cả kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Đây không chỉ là thành công của ngành xây dựng, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của trí tuệ và năng lực Việt Nam.

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của ngành xây dựng, nhìn nhận:

Ngành xây dựng đảm nhận nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng - yếu tố thiết yếu bảo đảm cho dòng chảy kinh tế được thông suốt. Đồng thời, ngành cũng góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua việc kiến tạo nhà ở, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa và phúc lợi xã hội. 

Không chỉ dừng lại ở vai trò phục vụ dân sinh, xây dựng còn góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho đất nước thông qua các công trình kiến trúc, đô thị, giao thông quy mô lớn - những biểu tượng cho sự phát triển và hội nhập. Trên phương diện kinh tế, ngành này còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư và tạo ra hàng triệu việc làm, từ đó lan tỏa tác động tích cực đến các ngành liên quan như vật liệu, thiết kế, vận tải, tài chính. 

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn mới với khát vọng vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tầm quan trọng của ngành xây dựng lại càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết".

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 1.

Có thể khẳng định rằng, một quốc gia muốn đi nhanh và đi xa thì không thể thiếu một ngành xây dựng hiện đại, năng động và hội nhập. Xây dựng không chỉ là dựng công trình mà là dựng tương lai, dựng bản sắc và dựng vị thế quốc gia. Trong hành trình vươn mình mạnh mẽ của đất nước, có những doanh nghiệp không chỉ làm nên những công trình bê tông cốt thép, mà còn góp phần dựng nên bản lĩnh và khát vọng Việt. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong số đó - một “cánh buồm ngược gió” đã vượt qua những con sóng lớn để từng bước khẳng định mình và đưa thương hiệu xây dựng Việt ra thế giới.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 2.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Năm 1987, trong bối cảnh đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới với muôn vàn khó khăn, doanh nhân Lê Viết Hải đã cùng 5 kỹ sư và 20 cộng sự thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình - một đơn vị chuyên thiết kế và thi công các công trình nhà ở tư nhân. Ngay từ những ngày đầu, doanh nghiệp đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn đầu tư trang bị máy vi tính cá nhân cho văn phòng nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chuyên môn và quản lý xây dựng. Việc đầu tư này không những làm tăng hiệu suất công tác mà còn thúc đẩy, nâng cao sự năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới của nhân viên.

Từ nền tảng ban đầu ấy, Hòa Bình nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động, từng bước đảm nhận nhiều công trình thương mại như nhà hàng, khách sạn, tòa nhà văn phòng... Trong suốt 30 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập, Hòa Bình duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với mỗi chu kỳ 5 năm lại tăng trưởng gấp 5 lần. Đến nay, Tập đoàn đã thi công gần 400 công trình lớn trải dài từ Bắc tới Nam, hiện diện nơi những dãy núi trùng điệp, cánh đồng mênh mông, dòng sông êm đềm, bờ biển nên thơ hay các đô thị sầm uất, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động.

Chính hành trình không ngừng vươn lên ấy đã giúp Hòa Bình để lại dấu ấn trên nhiều công trình tiêu biểu như khách sạn Riverside, khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments... Dần dần, tên tuổi Hòa Bình được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến và tin tưởng mời tham gia dự thầu các dự án của họ. Đây cũng chính là cơ hội để Hòa Bình quy tụ được đội ngũ đông đảo kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân lành nghề, đồng thời xác định rõ hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp: Chuyên sâu vào thi công các công trình đòi hỏi kỹ - mỹ thuật cao.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 3.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 4.

Thế nhưng, “thuận buồm xuôi gió không làm nên tay lái giỏi”, khó khăn xuất hiện như để thử thách ý chí và năng lực của doanh nghiệp. Trong giai đoạn năm 2015 - 2020, Hòa Bình dồn phần lớn nguồn lực vào các dự án du lịch - nghỉ dưỡng, một lĩnh vực vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài và dễ bị tổn thương khi có biến động. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch gần như tê liệt, nhiều chủ đầu tư không còn khả năng thanh toán đúng hạn. Trong bối cảnh đó, thay vì kịp thời dừng thi công để giảm thiểu thiệt hại, Hòa Bình đã không ngần ngại dùng hạn mức tín dụng của mình hỗ trợ chủ đầu tư lúc khó khăn, đồng thời giữ chân lực lượng lao động, do đó nhiều dự án khách sạn, resort, condotel… vẫn tiếp tục được thi công. Khách quan mà nói, việc tiếp tục thi công trong giai đoạn khó khăn không đơn thuần là sự lạc quan cảm tính, mà còn phản ánh một văn hoá doanh nghiệp đặt con người và chữ tín lên hàng đầu. Dù thiếu nguồn thu, Hòa Bình vẫn ưu tiên giữ việc làm cho hàng nghìn kỹ sư, công nhân và duy trì tiến độ để bảo vệ uy tín với đối tác. Đó không chỉ là lựa chọn kinh doanh, mà còn là lựa chọn đạo đức - điều làm nên sức mạnh mềm của doanh nghiệp trong bối cảnh khắc nghiệt nhất. Hành động xuất phát từ thiện chí, nhưng lại khiến dòng tiền của doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Hậu quả càng trầm trọng hơn khi thị trường bất động sản trong nước rơi vào khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao.

Đỉnh điểm là vào đầu năm 2023, một mặt Hòa Bình không thu được nợ khách hàng, mặt khác Tập đoàn không có những dự án mới trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, cũng có nghĩa là không có thêm nhiều việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn, và cũng không có nguồn tiền bổ sung để duy trì hoạt động liên tục. Trong khi đó, những nỗ lực tái cấu trúc thị trường không thể thực hiện một sớm một chiều hay đạt được kết quả trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, việc tái cấu trúc cũng cần một nguồn tài chính đáng kể để đầu tư. Khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ Hòa Bình trốn tránh mà luôn dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết.

Dưới áp lực tài chính lớn sau khủng hoảng, Hòa Bình xác định tái cấu trúc toàn diện là nhiệm vụ cấp bách để vực dậy doanh nghiệp và từng bước khôi phục vị thế số 1 ngành xây dựng. Trọng tâm là tái cấu trúc tài chính: Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà cung cấp, nhà thầu phụ nhằm tăng vốn điều lệ, giảm áp lực nợ và gắn kết lợi ích các bên khi họ trở thành cổ đông chiến lược. Doanh nghiệp cũng tập trung thu hồi công nợ, tái cấu trúc khoản vay ngân hàng, tái cấp tín dụng, đồng thời định giá lại tài sản để phản ánh đúng giá trị hiện tại.

Một bước đi đáng chú ý là việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec với giá 1.100 tỷ đồng, giúp bổ sung nguồn vốn lớn cho hoạt động kinh doanh. Song song đó, Hòa Bình tiến hành tinh gọn hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường quản trị rủi ro. Chỉ những công ty thành viên có hoạt động hiệu quả mới tiếp tục được đầu tư và hướng đến IPO; các đơn vị kém hiệu quả sẽ bị thoái vốn hoặc giải thể nhằm quản lý tốt dòng tiền và thúc đẩy sự chủ động, minh bạch trong toàn hệ thống.

Bên cạnh tài chính và quản trị, Hòa Bình cũng thực hiện tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, chọn lọc dự án dựa trên năng lực tài chính của chủ đầu tư và tính khả thi. Đồng thời, doanh nghiệp duy trì củng cố thị trường trong nước và đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế như một chiến lược nâng cao chất lượng doanh thu và biên lợi nhuận trong dài hạn.

Hành động tái cấu trúc mạnh mẽ cho thấy tính linh hoạt và tinh thần chủ động trong điều hành của Hòa Bình. Doanh nghiệp không chọn cách “án binh bất động” chờ thị trường phục hồi, mà tự tái thiết để thích ứng với thực tại. Đó là minh chứng cho thấy tư duy chiến lược dài hạn và năng lực quản trị chuyên nghiệp, trong đó khủng hoảng không chỉ được nhìn nhận là thách thức, mà còn là cơ hội để học cách xây nền tảng vững chắc hơn cho hành trình trở lại vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam.

Doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từng chia sẻ: “Dù sóng to gió lớn, dù mây đen bao phủ, nhưng không thể che lấp được tia sáng ở cuối chân trời. Chúng tôi, những con người Hòa Bình, luôn nuôi khát vọng bỏng cháy trong tim mình, cùng với tinh thần lạc quan nhìn về tương lai, vẫn không ngừng nỗ lực và quyết tâm đi tới phương trời tươi sáng đó”.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 5.

Có kế sách, có hành động, những nỗ lực của doanh nghiệp cuối cùng cũng được đền đáp. Tháng 5/2024, Hòa Bình đã được BCI Asia trao giải “Top 10 nhà thầu xây dựng hàng đầu 2024 tại Việt Nam”, giải thưởng được xét duyệt và công nhận căn cứ trên tổng giá trị phần xây lắp của những dự án đang trong giai đoạn thi công được khởi công trong hai năm 2022 và 2023, kết hợp nhân hệ số đối với dự án có đăng ký chứng chỉ “Xanh”. Danh hiệu này đánh dấu thêm một cột mốc mới trên hành trình không ngừng bứt phá của doanh nghiệp. Đằng sau vinh quang là chuỗi ngày Hòa Bình kiên trì đổi mới và dám bước ra khỏi vùng an toàn. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, chính tinh thần bền bỉ và không khuất phục ấy tạo nên nội lực thật sự, giúp Hòa Bình không chỉ trụ vững mà còn phát triển bền vững trên chặng đường phía trước.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 6.

Trong các buổi làm việc với Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hải nhiều lần nhấn mạnh rằng Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm quốc gia để đưa ngành công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với Hòa Bình, mục tiêu vị trí “nhà thầu tổng hợp số 1” tại Việt Nam không phải là đích đến cuối cùng, mà chỉ là bước đệm để hiện thực hóa một khát vọng lớn hơn, góp phần khẳng định vị thế của quốc gia, dân tộc trên bản đồ xây dựng toàn cầu.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 7.

“Sứ mệnh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là dấn thân cùng đồng nghiệp và Nhà nước đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam ra thế giới. Chúng ta hãy cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng, không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ, phát huy trí tuệ Việt Nam vào từng sản phẩm, dịch vụ để đưa ngành công nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng của nước nhà vươn ra biển lớn”, doanh nhân Lê Viết Hải bày tỏ.

Nỗi trăn trở của Chủ tịch Lê Viết Hải về việc “xuất khẩu ngành xây dựng” xuất phát từ thực tiễn: Thị trường xây dựng trong nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng biên lợi nhuận lại rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Việt Nam có khoảng 9.000 kỹ sư xây dựng trên mỗi triệu dân, cao gấp ba lần mức trung bình của thế giới. Thế nhưng, lợi thế về nhân lực này lại chưa được chuyển hóa thành giá trị kinh tế tương xứng. Các chủ đầu tư thường có vị thế “cửa trên” so với nhà thầu, đấu thầu chủ yếu dựa vào giá rẻ, khiến biên lợi nhuận gộp của các công trình rất thấp. Hòa Bình, dù là một tập đoàn có thương hiệu, có tên tuổi cũng không tránh khỏi áp lực ấy. Trong khi đó, thị trường xây dựng thế giới có quy mô rất lớn, hiện lên đến trên 12.000 tỷ USD/năm và tăng trưởng từ 2 - 3% một năm. Một số dự án xây dựng ở nước ngoài hiện đang mang lại biên lợi nhuận gộp từ 20 - 30%, cao hơn rất nhiều so với mức phổ biến trong nước (khoảng 5 - 10%). Đó chính là thị trường đáng mơ ước để Hòa Bình và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và chiếm lĩnh thị phần.

Trong bối cảnh đó, doanh nhân Lê Viết Hải khẳng định rằng hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị là phải xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp, không chỉ là xuất khẩu lao động giản đơn mà là xuất khẩu năng lực thi công, quản lý và công nghệ. Ông cho biết, nhiều thị trường nước ngoài tiềm năng rất lớn, trong khi năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với nhà thầu nước ngoài cả về tiến độ, chất lượng và an toàn.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ hội dân số vàng. Giai đoạn 2020 - 2030 là thời kỳ cuối cùng Việt Nam còn lợi thế dân số trẻ với lực lượng lao động dồi dào. Sau thời kỳ này, nếu không kịp thời bứt phá, đất nước có thể rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”, đối mặt với thiếu hụt nhân lực và rủi ro mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, thập kỷ hiện tại là cơ hội vàng không thể bỏ lỡ. Nếu có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành quốc gia phát triển với thu nhập cao.

Thực tế cũng cho thấy, mục tiêu xuất khẩu công nghiệp xây dựng là hoàn toàn có cơ sở. Từ một quốc gia từng phải nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, Việt Nam hiện đã chủ động được sản xuất trong nước và thậm chí dư thừa khoảng 10 - 30% công suất cho xuất khẩu. Nhiều nhà máy đã dành đến 90% sản lượng cho thị trường nước ngoài. Đây chính là cơ sở vật chất vững chắc để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Việt phát triển trên thị trường toàn cầu.

Với riêng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nền tảng đã được hình thành từ những ngày đầu thành lập khi doanh nghiệp đào tạo được một đội ngũ nhân sự hùng hậu, làm chủ công nghệ thi công hiện đại, liên tục cải tiến sáng tạo, đồng thời áp dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều hành và quản lý dự án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chủ động đầu tư vào máy móc, thiết bị, công nghệ thi công hiện đại. Điều này đã giúp Hòa Bình không chỉ cạnh tranh về giá mà còn vượt trội về tiến độ, chất lượng và an toàn - những yếu tố quyết định trong ngành xây dựng toàn cầu.

Doanh nhân Lê Viết Hải khẳng định: “Với năng lực của HBC, chúng tôi tự tin có thể thay thế các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… tại các quốc gia”. Quả thực, không dừng lại ở vai trò người đi trước về tư duy, Hòa Bình là đơn vị tiên phong triển khai trong thực tiễn, mở đường cho ngành xây dựng Việt Nam bước ra thế giới.

Từ năm 2011, doanh nghiệp đã bắt đầu hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” với dự án đầu tay Le Yuan Residence tại Kuala Lumpur, Malaysia. Kể từ đó, Hòa Bình lần lượt mở rộng sự hiện diện tại Myanmar, Kuwait, Canada, Mỹ, Australia và mới đây là Kenya. Tại Mỹ, Tập đoàn đã cung cấp dịch vụ quản lý dự án và vật liệu xây dựng cho một số khách hàng, đồng thời đang trong quá trình thương thảo liên doanh với các đối tác tại bang California, kỳ vọng có thể đạt thỏa thuận vào năm 2025. Hoạt động tương tự cũng được triển khai tại Australia. Vào tháng 2/2024, doanh nghiệp đã nhận được thư dự định giao thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya với tổng giá trị hợp đồng khoảng 70 triệu USD cho 3.500 căn.

Tính đến nay, Hòa Bình đã thi công hàng trăm công trình tại hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam, hợp tác với hơn 20 nhà thầu có tên tuổi từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Australia trong một thời gian dài và hiện diện tại 6 quốc gia trên thế giới.

Tập đoàn xác định rõ mục tiêu doanh thu đối với thị trường quốc tế đến năm 2032 là 13 tỷ USD và và đặt mục tiêu vững chắc vào 4 thị trường lớn: Mỹ, Australia, Canada và châu Âu.

Với niềm tin phát triển ngành công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ kéo theo sự tăng trưởng đồng bộ của toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan từ sản xuất vật liệu, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế kiến trúc đến tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics..., Hòa Bình đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Theo TS. Đặng Việt Dũng, nhìn ở tầm vĩ mô, việc chinh phục thị trường toàn cầu không chỉ mở rộng dư địa tăng trưởng, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tiếp cận và tích hợp tinh hoa công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế ngay tại thị trường nội địa.

Theo đó, “xuất khẩu xây dựng” không chỉ là cứu cánh cho các doanh nghiệp trước áp lực trong nước, mà còn là chiến lược bảo vệ năng lực tự chủ kinh tế nội địa. Chúng ta từng chứng kiến những dự án kỹ - mỹ thuật cao như cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... bị nhà thầu ngoại chiếm lĩnh. Nếu không chủ động học hỏi và bứt phá, tình trạng “dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể sẽ lặp lại trong tương lai.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 8.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 9.

Techno Park - tòa nhà cao nhất tại đại dự án Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) do Hoà Bình làm tổng thầu.

Doanh nhân Lê Viết Hải cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp không phải là đưa lao động giản đơn ra nước ngoài, mà là xuất khẩu tổng lực các giá trị Việt từ nhân sự, công nghệ, kỹ thuật cho đến tư duy quản trị hiện đại. Chúng ta không chỉ cạnh tranh bằng giá, mà còn bằng sự vượt trội trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là công nghệ 4.0. Hòa Bình đang cho thấy con đường ấy là hoàn toàn khả thi nếu có một chiến lược quốc gia đủ dài hơi và sự đồng hành đúng lúc từ chính sách”.

Trên tất cả, Hòa Bình không ngừng nỗ lực để khẳng định vai trò là doanh nghiệp dân tộc tiêu biểu trong lĩnh vực xây dựng. Với khát vọng vươn xa và tinh thần phụng sự, Hòa Bình hướng đến trở thành tập đoàn kinh tế mang đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao niềm tự hào và giá trị thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 10.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 11.

Trong bối cảnh ngành xây dựng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước, việc chủ động tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế chính là con đường tất yếu để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam khẳng định năng lực kỹ thuật và quản lý của mình. Đây cũng là bước đệm quan trọng để các nhà thầu có thể tham gia đấu thầu và thi công tại những thị trường vốn nổi tiếng khắt khe như Australia, châu Âu, Mỹ hay châu Phi.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Hòa Bình sớm nhận ra tầm quan trọng của các chuẩn mực quốc tế. Ngay từ năm 2000, Hòa Bình đã được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế QMS trao chứng nhận Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong lĩnh vực thi công xây dựng. Sau đó, Tập đoàn tiếp tục được Viện Tiêu chuẩn Anh (BSi) cấp chứng nhận quốc tế cho Hệ thống Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 và Hệ thống Quản lý Môi trường ISO 14001:2015. Trải qua các đợt đánh giá khắt khe định kỳ, đến nay Hòa Bình vẫn giữ vững chứng nhận và được công nhận là một trong số ít doanh nghiệp duy trì hiệu quả các tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành xây dựng Việt Nam triển khai hệ thống ERP từ năm 2009, góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính, kho, mua sắm, vật tư và nhân sự.

Năm 2012, Hòa Bình tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong khi triển khai giải pháp BIM (Building Information Modeling) – một công cụ mô phỏng xây dựng tiên tiến giúp xử lý các xung đột kỹ thuật trước khi thi công, kiểm soát khối lượng, giảm sai sót và tối ưu tiến độ. Nhờ BIM, công tác dự thầu và quản lý thi công đạt được những kết quả vượt trên sự mong đợi. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư của Hòa Bình hiện đã được cấp chứng chỉ quốc tế Revit Architectural – tạo lợi thế vượt trội trong môi trường xây dựng toàn cầu.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 12.

Không dừng lại ở đó, Tập đoàn còn là nhà thầu tiên phong tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn LEED (do Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ – USGBC cấp) từ năm 2012, với dự án Nhà máy Esquel Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình. Thành công ban đầu đã mở ra cánh cửa để Hòa Bình tiếp tục triển khai tiêu chuẩn này cho hàng loạt công trình nổi bật như Ngôi nhà Đức, The Ascent Condominiums, Vietinbank Tower, Saigon Centre (giai đoạn 2 và 3)... Việc tuân thủ các chuẩn xanh như LEED, LOTUS, ISO 14001 không chỉ giúp tối ưu chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng, mà còn thể hiện rõ cam kết phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Đặc biệt, năm 2013, Hòa Bình ghi dấu ấn tại thị trường trong nước khi là nhà thầu đầu tiên được Cục Xây dựng Singapore (BCA) cấp chứng nhận tiêu chuẩn CONQUAS cho dự án Celadon City tại TP.HCM. Đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình uy tín tại Singapore, Malaysia và Australia, được áp dụng xuyên suốt từ khâu khởi công đến hoàn thiện. Việc đạt chứng nhận này đã giúp Hòa Bình chứng minh năng lực thi công ngang hàng với các nhà thầu quốc tế.

Để tiếp tục dẫn đầu xu hướng đổi mới trong ngành, năm 2021, Hòa Bình công bố thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) với quy mô 2,5ha tại Khu công nghệ cao quận 9 (cũ), TP.HCM, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Trung tâm này tập trung vào 6 lĩnh vực nghiên cứu: Vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học - y dược, kỹ thuật công nghệ xây dựng, công nghiệp tự động và đổi mới quản trị. Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, đây là mô hình "kết nối và phát triển" (C&D - Connect & Development), hướng tới trở thành hệ sinh thái mở, nơi quy tụ không chỉ nội bộ Hòa Bình mà cả những doanh nghiệp lớn, startup, nhà sáng chế và quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Từ việc ứng dụng các tiêu chuẩn toàn cầu cho tới xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo mở, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang từng bước kiến tạo một nền móng bền vững để bước ra thế giới, không chỉ với tư cách một nhà thầu lớn, mà còn là đại diện tiêu biểu cho khát vọng vươn tầm ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam.

Chủ tịch Lê Viết Hải tâm niệm: “Chúng tôi muốn tạo ra sự kết nối, tạo ra hệ sinh thái để mọi người cùng phát triển. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững và tạo dựng được thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Chúng ta không thể ra biển lớn với một chiếc thuyền, mà phải ra đại dương bằng một hạm đội. Chúng ta cần một hệ sinh thái ngành xây dựng cùng vươn mình ra biển lớn, cùng quyết chí ra khơi mới hy vọng thành công trong việc làm nên tên tuổi của công nghiệp xây dựng Việt Nam được”.

Từ những gì mà Hòa Bình đã đặt nền móng, doanh nghiệp cũng gửi gắm lời hiệu triệu về một hành trình chung nơi các doanh nghiệp Việt cùng nhau vươn ra thế giới, cùng nhau xây nền kinh tế tự chủ, hiện đại và bền vững.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 13.

Có thể thấy rõ hành trình Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiến bước đến ngày hôm nay quả thực không hề dễ dàng. Thế nhưng, ngay cả trong những giai đoạn thử thách cam go nhất, Hòa Bình vẫn luôn lựa chọn cách hành xử nhân văn, biết chia sẻ và nỗ lực cân bằng lợi ích giữa các bên. Chính bản lĩnh ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những người đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó có GS. Phan Văn Trường. 

Giáo sư bày tỏ sự cảm phục: “Với sự can trường của mình, cộng thêm cả sự sáng suốt, đôi khi anh Lê Viết Hải biết có thể đối diện với cái rủi ro cực đoan nhưng anh vẫn đi, đi vì quyết tâm và có niềm tin cao chứ không một chút mù quáng. Con người này thực sự vĩ đại. Có những giai đoạn, khi chủ đầu tư khó khăn, nợ đầm nợ đìa, anh Hải ôm luôn cho cả chủ đầu tư, không buông tay chủ đầu tư. Anh ấy quan niệm, ‘cứu người cũng là cứu mình’, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi. Gọi thế là gì, nếu không phải là sáng suốt và nhân ái?”.

Theo dõi chặng đường phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, GS. Phan Văn Trường khẳng định: “Đây là một doanh nghiệp 100% của người Việt, là sản phẩm của người Việt, khi họ gặp khó khăn thì phải ứng cứu. Đó là điều rất thiêng liêng. Họ đồng hành cùng dân tộc và đó là lương tri của doanh nhân Việt”.

Nhân ái, với Hòa Bình, không phải một khẩu hiệu. Đó là một khát vọng được hun đúc từ ký ức tuổi thơ lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, từ ước mong của gia đình ông Lê Viết Hải về một tương lai yên bình, nơi mọi người được sống ấm no, tử tế, và có cơ hội phát triển toàn diện. “Trước khi trở thành tên của doanh nghiệp, hòa bình đã là tất cả những gì gia đình chúng tôi mong ước cho mình và cho mọi người, vì chúng tôi là một gia đình đã phải sống trong thời chiến tranh, hiểu được cái giá quá đắt của chiến tranh. Hòa bình thì cần phải xây dựng, có hòa bình thì các công trình xây dựng mới vững bền. Hòa bình nằm trong mỗi giá trị của chúng tôi”, doanh nhân Lê Viết Hải chia sẻ.

Chính từ triết lý sống và làm nghề đầy nhân văn, Hòa Bình đã hình thành nên một bản sắc văn hóa doanh nghiệp riêng biệt, nơi mỗi thành viên đều mang trong mình tình yêu lao động và lòng trân trọng nghĩa tình. Trên hành trình vươn tới những đỉnh cao, dấu chân Hòa Bình không chỉ hiện diện ở các công trình, mà còn in đậm trong những hoạt động thiện nguyện trải dài khắp mọi miền đất nước. Không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng, mà từ lâu công tác thiện nguyện được thực hiện từ tình yêu thiên nhiên, yêu sự sống, từ lòng nhân ái của những con người thấm nhuần văn hóa Hòa Bình.

Nếu “Hòa Bình” trong tên gọi hàm chứa khát vọng kiến tạo một môi trường sống an yên, nơi con người được phát triển toàn vẹn, thì đằng sau khát vọng ấy còn chứa đựng một giá trị tinh thần, đưa doanh nghiệp lớn mạnh hơn, sánh vai cùng các đối tác trên toàn cầu. Đó là giá trị tinh thần của sự tự tin.

GS. Phan Văn Trường chia sẻ: “Dân tộc chúng ta có tật xấu là hay nuôi rất nhiều mặc cảm. Tôi nói cũng hơi chủ quan chăng, nhưng anh Lê Viết Hải giúp cho thế hệ trẻ có nhiều sự tự tin hơn. Bởi thế hệ trẻ cũng có những mặc cảm, nhất là mặc cảm với người nước ngoài.

Lê Viết Hải đã đem lại cho nhân viên của Hoà Bình và cho ngành xây dựng Việt Nam sự tự tin. Bởi Hoà Bình làm mỗi dự án đều ở chất lượng cao nhất có thể. Các công ty nước ngoài đã phải ngỡ ngàng: “Ai xây tòa nhà này đây mà còn đẹp hơn nhà chúng tôi xây ở bên Mỹ”. Không những vậy, Lê Viết Hải còn là người tạo ra tiêu chuẩn để nước ngoài còn phải học tập.

Hoà Bình là minh chứng thể hiện sự tự tin của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam phải tự tin khi đi ra nước ngoài. Anh Hải đã góp phần tạo ra sự tự tin cho ngành xây dựng, từ đó có thể nhân lên, truyền sự tự tin cho cả thế hệ trẻ, cho dân tộc”.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 14.

Hạt giống của sự tự tin ấy không phải là vĩ cuồng, tham vọng ảo mà được nuôi dưỡng bằng chiến lược đầu tư bài bản, tầm nhìn có cơ sở. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và doanh nhân Lê Viết Hải đang gián tiếp tạo động lực thôi thúc thế hệ trẻ Việt sống có mục tiêu, lý tưởng, dám đương đầu thử thách và quan trọng nhất là biết tin vào chính mình.

Trong hành trình trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước, khi khát vọng trở thành quốc gia phát triển đã được khẳng định như một mục tiêu mang tầm thời đại, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã và đang khẳng định vai trò tiên phong của mình như một hình mẫu tiêu biểu cho doanh nghiệp tư nhân trong ngành xây dựng. Bên cạnh việc ghi dấu ấn bằng hàng loạt công trình quy mô lớn trải dài từ Bắc vào Nam và vươn mình ra trường quốc tế, Hòa Bình còn cho thấy nội lực phát triển mạnh mẽ thông qua đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân viên chất lượng cao cùng định hướng đầu tư bài bản vào các giải pháp xây dựng đạt chuẩn quốc tế.

Gần 38 năm hình thành và phát triển, từ một nhà thầu nội địa, Hòa Bình đã không ngừng phá bỏ giới hạn, vươn xa tới những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ - mỹ thuật khắt khe trên toàn cầu. Đó không chỉ là bước đi của một tập đoàn, mà là minh chứng sống động cho bản lĩnh, khát vọng cháy bỏng và tầm nhìn của một doanh nghiệp mang sứ mệnh vì dân tộc, góp phần định hình tương lai ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam trên bản đồ thế giới./.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"- Ảnh 15.

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đã và đang có thể tiếp tục nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top