Nhà thầu nội cần cơ chế "may đo" để làm dự án lớn
Năm 2025 được đánh giá là cột mốc đặc biệt với nhiều thay đổi lớn tác động đến các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh, trong đó không thể thiếu xây dựng và bất động sản - hai ngành có đóng góp trung bình vào tổng GDP cả nước các năm gần đây khoảng 10%, theo Cục Thống kê. Nếu được phát triển đúng hướng, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trên thực tế ngành xây dựng còn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong khả năng tham gia vào các siêu dự án đầu tư công quy mô lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư ước tính lên tới 67 tỷ USD, trong đó riêng phần xây dựng hạ tầng đã chiếm khoảng 40 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2026 và hoàn thành trong năm 2035, với 1.541km đường sắt đi qua 21 tỉnh thành.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Điểm nghẽn lớn nhất nằm ở cơ chế chia gói thầu và điều kiện năng lực của nhà thầu. Nếu dự án được chia thành khoảng 20 gói, trung bình mỗi gói có giá trị lên tới 2 tỷ USD (tương đương hơn 50.000 tỷ đồng), thì phần lớn doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay đều không đủ năng lực tài chính để đảm nhận. Ông Hiệp dẫn chứng, doanh nghiệp lớn nhất ngành xây dựng hiện nay chỉ có vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi phần lớn còn lại chỉ xoay quanh con số 500 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi làm việc, đối thoại để tìm giải pháp, trong đó có các buổi "Cà phê nhà thầu" nhằm thảo luận và thống nhất kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Một trong những đề xuất trọng tâm là điều chỉnh cách phân chia gói thầu để phù hợp với năng lực của các nhà thầu trong nước, đồng thời cho phép áp dụng cơ chế liên danh giữa các nhà thầu nội địa. Theo đó, một tổ hợp gồm 5 - 6 doanh nghiệp có thể cùng tham gia, với một đơn vị chủ trì, từ đó tăng khả năng cạnh tranh mà vẫn đảm bảo năng lực triển khai dự án.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giao phần xây dựng hạ tầng cho các doanh nghiệp trong nước, thậm chí áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với những nhà thầu do Hiệp hội giới thiệu.
"Nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ không chỉ đảm bảo công ăn việc làm ổn định mà còn có cơ hội vươn lên thay vì mãi làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài", ông Hiệp nhấn mạnh.
Cần gỡ vướng thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Song, để hiện thực hóa cơ chế này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết cần điều chỉnh một số quy định tại Luật Đấu thầu. Một trong những vấn đề nổi cộm của ngành xây dựng là tình trạng phá giá thầu. Do thiếu việc làm, một số nhà thầu đưa ra mức giá quá thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và sự phát triển bền vững của ngành. Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Quốc hội lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến từ các doanh nghiệp, những người trực tiếp bị chi phối bởi luật trên thực tế để có điều chỉnh phù hợp.

Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ông Hiệp thẳng thắn chỉ ra một "rào cản" lớn khác, đó là thể chế và các thủ tục hành chính còn chồng chéo, thiếu minh bạch, gây nên những khó khăn cho nhà đầu tư. Không ít văn bản quy phạm pháp luật hiện nay được soạn thảo vẫn còn thiếu rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và thực thi không đồng nhất giữa các cơ quan quản lý.
"Thực tế, bản thân doanh nghiệp của chúng tôi có một dự án liên danh để tham gia đấu thầu tại một tỉnh vùng núi. Sau khi trúng thầu thì một trong 2 nhà thầu tham gia rút lui, dẫn tới địa phương không đồng ý… Sau 8 tháng, dù doanh nghiệp đã thông tin đến các cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tháo gỡ được", ông Hiệp dẫn chứng.
Ông cho biết, nguyên nhân sâu xa nằm ở chất lượng văn bản pháp luật. Các quy định còn mâu thuẫn, thiếu hướng dẫn cụ thể khiến cán bộ địa phương "sợ sai", không dám ra quyết định.
"Do đó, cần có một cơ quan chuyên trách giám sát, kiểm tra và cải cách thể chế để lắng nghe từ thực tiễn doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh", ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đặt vấn đề về việc cần ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động tham vấn, tiếp thu ý kiến trong quá trình xây dựng luật. Việc lấy ý kiến cần thực chất hơn nữa, cần lấy ý kiến từ đúng đối tượng có chuyên môn và đang thực sự vận hành trong lĩnh vực có liên quan.
Đề cập đến những đòi hỏi trong cải cách thể chế, ông Hiệp nhấn mạnh, việc này không thể chỉ dừng ở những khẩu hiệu mà cần cụ thể hóa bằng hành động thực tế.
"Thực tế, trong một số hoạt động liên quan đến doanh nghiệp thực hiện các gói thầu bất động sản, có những thủ tục mà thời gian thực hiện vẫn tương đối dài, chưa được cắt giảm; một số thủ tục vẫn cần đến 5 - 6 con dấu. Tôi cho rằng, thay vì để hiện trạng này kéo dài thì nên cắt giảm để các thủ tục chỉ cần 1 con dấu, khi đó hoạt động của doanh nghiệp cũng như môi trường kinh doanh sẽ được tạo thuận lợi thực chất hơn", ông Hiệp kiến nghị.
Qua đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng trong nước có thể vươn mình, tham gia sâu vào các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại Báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần có hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ nhất, giá nguyên vật liệu xây dựng trong quý I/2025 được ghi nhận có diễn biến phức tạp, tăng so với thời điểm cuối năm 2024 và tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trong quý II/2025. Vì vậy, doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ, Bộ, ngành và các cấp có thẩm quyền có những biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu.
Thứ hai, tình trạng thiếu hợp đồng xây dựng mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng sẵn sàng giảm giá gói thầu để trúng thầu, mặc dù dự toán gói thầu được các chủ đầu tư căn cứ trên đơn giá, định mức bám sát thị trường. Với việc giảm giá gói thầu như vậy dẫn tới chất lượng công trình bị giảm, nhà thầu bỏ dở công trình… ảnh hưởng tới tiến độ công trình. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế hiện tượng phá giá để trúng thầu, tạo môi trường đấu thầu lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã được cải thiện rất đáng kể. Song, doanh nghiệp xây dựng vẫn mong muốn việc cải cách phải thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương nhất là trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.