Aa

Tây Bắc - “Thủ phủ” mới của homestay

Thứ Sáu, 26/04/2024 - 06:14

Xuất phát từ nhu cầu du lịch giá rẻ cùng mong muốn trải nghiệm các giá trị về thiên nhiên và văn hoá, hình thức kinh doanh homestay nhanh chóng “nở rộ” trên thị trường bất động sản các tỉnh miền núi Tây Bắc với nhiều tiềm năng.

Khi xu hướng lưu trú homestay "nở rộ"

Bắt đầu đưa vào kinh doanh loại hình homestay từ năm 2019, chị Nguyễn Thị Lan chủ homestay Lan Nguy, tại bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết, nhờ những tín hiệu tốt từ du lịch, thị trường kinh doanh homestay theo đó cũng đã có những bước tiến vượt trội, nguồn cung và sức cầu dần khôi phục trở lại sau những năm trì trệ do ảnh hưởng từ đại dịch và đặc biệt xu hướng kinh doanh homestay tại các tỉnh miền núi đang ngày càng thu hút được lượng khách hàng lớn và thường xuyên.

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng và khí hậu thuận lợi cùng với sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo; homestay của chị luôn có lượng khách nhất định đặt phòng quanh năm. Vào mùa du lịch, lượng khách đến lưu trú thường tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường. Khách đến bản Bướt thường có nhu cầu ở lại qua đêm để trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc, vì vậy các tối cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết, dịch vụ homestay của chị Lan thường đạt tỷ lệ kín phòng là 100%.

"Sau khi đưa vào vận hành homestay, tôi nhận thấy hình thức này rất được ưa chuộng bởi nó mang lại cảm giác gần gũi, thoải mái, phù hợp với đại đa số tâm lý khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Họ thích trải nghiệm ở những ngôi nhà sàn đơn sơ, tiện nghi, ấm cúng và gần gũi,…", chị Lan chia sẻ.

Có thể nói, homestay không còn là khái niệm xa lạ với thị trường bất động sản hiện nay. Với mức giá hợp lý cùng không gian thiết kế gần gũi với thiên nhiên, loại hình lưu trú này dần đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu trải nghiệm mới mẻ của du khách, đặc biệt là các hộ gia đình và giới trẻ; từ đó tạo ra hiệu quả kinh doanh cho nhà đầu tư.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện trên cả nước ước tính có khoảng 40 nghìn cơ sở kinh doanh homestay với hơn 500 nghìn phòng nghỉ. Tại những điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc,... cho đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM..., các loại hình homestay phục vụ lượng lớn du khách trong nước và quốc tế với lợi nhuận hàng tháng thu có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ phát triển mạnh ở nhiều tỉnh thành phố lớn mà những năm gần đây, kinh doanh homestay đang có xu hướng "bùng nổ" ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều điểm du lịch homestay được đưa vào hoạt động và hiện nay trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước như: Bản Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát (Sapa, Lào Cai), bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bản Bướt (Vân Hồ, Sơn La),…thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.

Tây Bắc - “Thủ phủ” mới của homestay  - Ảnh 1.

Du lịch được xem là thế mạnh lớn trong phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, và ngày càng được chú trọng tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng. Nguồn: Báo DT&PT

Theo báo cáo tại "Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM năm 2023", tổng lượt khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM đạt 69,2 triệu lượt khách (đạt hơn 105% so với kế hoạch năm), tăng 27,5% so với năm 2022 và chiếm khoảng 57,4% lượng khách đến Việt Nam. Tổng thu về khách du lịch của nhóm hợp tác đạt khoảng 205.586 tỷ đồng, bằng 102,7% so với kế hoạch năm.

Các tỉnh miền núi phía Bắc được nhận định là địa điểm có nhiều lợi thế, tiềm năng cho phát triển hoạt động du lịch. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng lợi thế về cảnh quan tự nhiên đa dạng với nét đẹp phong phú từ hệ thống sông, suối, rừng nguyên sinh cùng khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với không gian sinh hoạt văn hóa đậm màu sắc vùng miền. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán với các lễ hội đặc trưng, sản vật phong phú, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng…Với những chất liệu quan trọng nêu trên, cùng lượng khách đổ về những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh, đã khiến các tỉnh miền núi phía Bắc trở thành một trong những mảnh đất "màu mỡ" cho việc phát triển loại hình homestay.

Theo các chuyên gia, loại hình homestay tại các tỉnh miền núi phía Bắc không chỉ tạo tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn đang có tác động sâu sắc đến xã hội. Đồng thời, loại hình du lịch này cũng có tác động đến kinh tế như: Thu hút các nhà đầu tư vào du lịch và các lĩnh vực khác như hệ thống giao thông, trường học; mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử…

Việc phát triển homestay gắn liền với các hoạt động cộng đồng cũng được xem là một trong những hướng đi tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa thông qua việc sử dụng lao động địa phương và tạo động lực để bảo tồn văn hóa, đóng góp vào phát triển du lịch.

Cơ hội đi liền thách thức

Homestay hiện đang được đánh giá là kênh đầu tư hiệu quả bởi mức chi phí đầu tư ban đầu linh hoạt, thậm chí có thể nói là thấp hơn rất nhiều so với các hình thức lưu trú khác, chỉ dao động từ vài trăm hay thậm chí là vài chục triệu đồng. Do vậy, rất dễ dàng để nhà đầu tư huy động nguồn vốn. Đó là còn chưa kể đến việc, nền tảng của mô hình kinh doanh homestay đôi khi đến từ chính những ngôi nhà sàn được tu sửa và chỉnh trang lại để đón khách du lịch cùng với giá thuê nhân công địa phương ở mức tương đối dễ chịu. Bên cạnh đó, thời gian tính từ bước bắt tay vào thi công đến giai đoạn đưa vào hoạt động của một homestay diễn ra tương đối nhanh, chỉ mất trung bình khoảng 1-2 tháng là nhà đầu tư đã có thể hoàn chỉnh và đưa vào kinh doanh thu lợi nhuận. Do đó, kinh doanh homestay đã và đang trở thành mô hình khởi nghiệp lý tưởng, thu hút giới đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, bên cạnh những tiềm năng về lượng khách hàng và lợi nhuận to lớn thu về hàng tháng thì loại hình kinh doanh bất động sản homestay cũng chứa đựng nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư.

Tây Bắc - “Thủ phủ” mới của homestay  - Ảnh 2.

Mô hình kinh doanh homestay tại các tỉnh miền núi phía Bắc được du khách ưa chuộng. Nguồn: Eco Palms House

Nhìn lại thành quả kinh doanh 5 năm với vô vàn những khó khăn khi phải chống chọi với làn sóng dịch Covid-19, anh Hoàng Trung - chủ một homestay tại Mộc Châu, Sơn La tâm sự, tuy đã trải qua giai đoạn căng thẳng do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng với anh, con đường kinh doanh trước mắt vẫn còn nhiều thử thách. Theo anh, kinh doanh homestay bước đầu tuy đơn giản nhưng để thành công với mô hình này không phải là chuyện dễ dàng, để vận hành tốt một homestay đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ bức tranh thị trường đến việc vận hành, quản lý nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phải luôn có tư duy đổi mới liên tục về mặt cơ sở hạ tầng cũng như hình ảnh thương hiệu để mô hình của mình luôn thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch.

Đặc biệt, các mô hình homestay hiện nay đang dần định hình sản phẩm du lịch đặc thù, nên luôn yêu cầu sự độc đáo, mới mẻ và đi kèm những giá trị cộng đồng. Chưa kể xây dựng và vận hành homestay tại các tỉnh miền núi đòi hỏi chủ đầu tư cũng cần phải cân nhắc nhiều đến yếu tố ngoại cảnh như địa hình, tình hình thời tiết,… Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư.

"Để vận hành tốt mô hình kinh doanh, đòi hỏi bản thân tôi phải liên tục tìm hiểu, nắm bắt và nghiên cứu các kiến thức và xu hướng du lịch để áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả cũng là mối lưu tâm cần được bản thân tôi đặt lên hàng đầu", anh Trung nói.

Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, nhà đầu tư cần phải lưu ý đặc biệt đến tình hình thị trường hiện nay. Nguồn cung về loại hình lưu trú homestay trong một vài năm trở lại đây tăng rất nhanh dẫn đến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các chủ đầu tư cần phải chú trọng công tác nghiên cứu từ đó tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng trên thị trường.

Như vậy, mặc dù các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình homestay, tuy nhiên, với tính đặc thù của nó, đây không phải là kênh sinh lời hiệu quả cho mọi nhà đầu tư mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để thu hút được dòng khách du lịch bền vững, các nhà đầu tư cần phải luôn đổi mới tư duy, cập nhật nhanh các xu hướng thị trường; đầu tư thời gian để nghiên cứu, học hỏi nhằm tránh các vấn đề phát sinh không mong muốn trong quá trình vận hành; đồng thời thắt chặt các khâu vận hành, quản lý nguồn nhân lực và vốn để đảm bảo homestay được hoạt động một cách hiệu quả nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top