Aa

Tây Ninh ra "tối hậu thư" ngăn chặn việc tự ý phân lô bán nền dự án chưa được cấp phép

Thứ Tư, 24/04/2019 - 14:00

Tây Ninh ra "tối hậu thư" ngăn chặn việc tự ý phân lô bán nền dự án chưa được cấp phép; Môi giới bất động sản: Đừng đẩy thị trường 4.0 về 0.4... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Tây Ninh ra "tối hậu thư" ngăn chặn việc tự ý phân lô bán nền dự án chưa được cấp phép

Mới đây, Sở Xây dựng Tây Ninh ban hành Công văn số 781 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố về việc rà soát, ngăn chặn tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý phân lô, bán nền chưa thực hiện các thủ tục theo quy định.


Theo đó, qua thông tin trên Internet và mạng xã hội Facebook, hiện nay một số tổ chức, cá nhân đăng tin rao bán đất nền dự án theo hình thức phân lô bán nền gây tình trạng sốt bất động sản thời gian gần đây. Tuy nhiên, qua kiểm tra các dự án trên, hầu hết chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, do đó không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định.

Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và thành phố Tây Ninh rà soát, ngăn chặn kịp thời và hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở và kinh doanh bất động sản theo quy định Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và các quy định pháp luật liên quan.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thủ tướng chỉ thị giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Trong thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực tổ chức thực hiện quy định pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành, các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường bất động sản, vì vậy từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, nguồn lực huy động chưa đa dạng. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội: bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở và khắc phục các tồn tại, bất cập khác cho phù hợp với tình hình thực tế; ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), hoàn thành trong quý III/2019.

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng của thị trường trong trung và dài hạn

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức đã chính thức diễn ra.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, xoay quanh những vấn đề về tác động của bối cảnh, chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào để tận dụng những lợi thế có sẵn để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Môi giới bất động sản: Đừng đẩy thị trường 4.0 về 0.4

Tại Hội thảo “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” diễn ra mới đây, hầu hết các đại biểu đều thừa nhận vai trò quan trọng của nghề môi giới, bên cạnh việc giúp thị trường vận động linh hoạt hơn thì môi giới còn là cầu nối giữa người mua và người bán.

Theo thống kê, hiện trên cả nước có khoảng 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công thông qua môi giới.

Có thể thấy nhóm này đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2018, thúc đẩy nhanh quá trình “phá băng” bất động sản của giai đoạn 2009 - 2014, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giãn lộ trình siết tín dụng vào bất động sản

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giãn lộ trình siết tín dụng vào bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, việc NHNN thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể gây áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp (DN) nhưng là áp lực lành mạnh buộc chủ đầu tư phải tìm kiếm nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng nhằm phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững.

Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020 (tăng thêm 6 tháng so với dự thảo thông tư sửa đổi của NHNN) bởi theo ông Châu còn rất nhiều DN bất động sản chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần, cũng như chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động vốn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top