Hoàn chỉnh khung pháp lý cho bất động sản du lịch
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, với phân khúc bất động sản du lịch, nếu khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017 là lúc thị trường phát triển mạnh mẽ, thì năm 2018 - 2019, phân khúc này có sự chững lại.
Qua thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong 2 năm qua, mỗi năm số lượng giao dịch của bất động sản du lịch trên cả nước giảm từ 5 - 10%, trong đó Khánh Hòa, Đà Nẵng chiếm số lượng cao nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh, đây chính là thời điểm thích hợp để cơ quan chức năng có sự điều chỉnh, cơ cấu lại thị trường bất động sản du lịch.
“Chúng tôi cũng tuyên bố rằng, cơ sở pháp lý của bất động sản du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hiện nay cơ bản đã được điều chỉnh. Về mặt quản lý nhà nước, từ nay trở đi, tên gọi “condotel” (căn hộ - khách sạn) sẽ không được dùng tới nữa, thay vào đó sẽ là tên gọi căn hộ du lịch”, ông Khởi cho biết.
Cũng theo ông Khởi, tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quy chế kinh doanh quản lý bất động sản du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Đây cũng là nội dung quan trọng làm cơ sở pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch.
Kỳ vọng mới từ sự điều chỉnh các quy định pháp luật
Bên cạnh sự điều chỉnh khung pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, hiện nay cơ quan chức năng cũng đã có những sự điều chỉnh thay đổi đối với các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ông Khởi cho biết, theo chương trình của Quốc hội và Chính phủ, trong 2020 sẽ có 3 luật được điều chỉnh, sửa đổi và thông qua, dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản đó là Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Đất đai.
Với Luật Xây dựng, hiện nay Bộ Xây dựng đã báo cáo Quốc hội và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020. Điểm nổi bật trong bộ luật mới lần này là sự phân cấp quản lý cho các địa phương về thủ tục triển khai đầu tư, thẩm định, thẩm tra dự án bất động sản.
Theo ông Khởi, trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng có sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở trong các thủ tục đầu tư dự án bất động sản. Vì vậy, trong dự thảo mới về Luật Đầu tư dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020, đã có những điểm điều chỉnh để tháo gỡ các vấn đề nêu trên. Ngoài ra, dự kiến Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020.
“Với lĩnh vực nhà ở, trong năm tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu chỉnh sửa một số quy định pháp luật liên quan, bởi qua một vài năm triển khai, chúng tôi cũng đã thấy rõ một số vấn đề vướng mắc”, ông Khởi cho biết thêm.
Nhìn nhận lại bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản 2019, ông Khởi đánh giá, thị trường năm 2019 có những nét phát triển ở một số phân khúc, nhưng khó khăn chính vẫn nằm ở việc rà soát lại các dự án ở nhiều địa phương trên cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
“Năm 2020, sau khi hoàn thành việc rà soát các dự án, thị trường dự kiến sẽ có thêm nguồn cung mới bổ sung cho thị trường. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Xây dựng có đánh giá những khó khăn thuận lợi của thị trường. Và ở góc độ chuyên môn, chúng tôi đánh giá rằng, một số cái khó sẽ có thể được xử lý trong năm 2020. Như vậy, nguồn cung sẽ có”, ông Khởi đánh giá.
Báo cáo của VARS tại buổi tọa đàm cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam 2019 chứng kiến nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án ở miền Trung và miền Nam. Loại hình bất động sản có mức độ quan tâm tăng nhiều nhất trong năm là đất nền và chung cư.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận mức độ quan tâm tăng ở các thị trường mới nổi như Bình Thuận, Vũng Tàu và Phú Yên. Giá rao bán condotel trung bình năm 2019 giảm 8% so với 2018.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng chứng kiến sự gia tăng lượng tin ở loại hình cho thuê. Mức độ quan tâm giảm ở loại hình đất nền và đất nền dự án. Thị trường 2020 được kỳ vọng sẽ có thêm các dự án đất nền Nam Đà Nẵng nếu được tháo gỡ các vấn đề về pháp lý, cũng như các dự án căn hộ ven biển đã và đang triển khai./.