Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đồng thời, đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao…
Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều nội dung thu hút sự chú ý của người dân.
Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình. Vị trí xây dựng tại huyện Tiền Hải với mục tiêu phục vụ du lịch, an ninh - quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Được biết, theo thuyết minh quy hoạch Thái Bình trong giai đoạn ngắn hạn, đường hàng không cho khu kinh tế và toàn tỉnh Thái Bình sẽ sử dụng cảng hàng không quốc tế Cát Bi – Hải Phòng làm trung tâm vận chuyển hành khách và kết nối các hoạt động logistics theo đường hàng không.
Sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển, các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ logictics ven biển, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay, hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình. Cụm cảng hàng không ở Thái Bình này gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ ven biển Thái Bình.
Một điểm đáng chú ý khác, hiện tại Thái Bình hoàn toàn không có tuyến đường sắt nào chạy qua. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, dự kiến Thái Bình sẽ có 101 km đường sắt. Cụ thể: Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thái Bình thuộc tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37km). Phương án phát triển đường sắt tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2023 tầm nhìn đến năm 2050 nằm trong tuyến đường sắt quốc gia và thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch được duyệt, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình được tổ chức theo mô hình đô thị đa cực gồm đô thị trung tâm và các đô thị tiểu vùng.
Cùng với đó, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Thái Bình đạt 35% trở lên; Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 25 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 05 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V. Như vậy, theo quy hoạch được duyệt, Thái Bình sẽ có thêm 5 đô thị so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2/2021.
Cụ thể gồm Đô thị Thái Thụy (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III trên cơ sở toàn huyện Thái Thụy); Đô thị Trà Giang, huyện Kiến Xương (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V, nằm trong ranh giới mở rộng thành phố Thái Bình); Đô thị Nam Trung, huyện Tiền Hải (đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại V); Đô thị Cộng Hòa, Hồng Minh, huyện Hưng Hà (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V).
Một điểm đáng chú ý khác, trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, điều kiện, trình độ phát triển và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Thái Bình phân thành 3 vùng như sau:
Vùng trọng điểm gồm thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư : Lấy thành phố Thái Bình là trung tâm, phát triển lan tỏa ra huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương, kết nối với tỉnh Nam Định (qua đô thị Vũ Thư) và phát triển về phía huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương kết nối thành phố Thái Bình với vùng động lực chủ đạo (phía Đông), vùng kinh tế phía Nam và vùng kinh tế ngoại biên (phía Bắc); các đô thị Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương và các đô thị mới phát triển hướng tâm, kết nối với thành phố Thái Bình; định hướng phát triển theo 02 khu vực:
- Khu vực trung tâm (bao gồm thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng và một phần huyện Kiến Xương, huyện Vũ Thư).
- Khu vực kinh tế phía Nam (bao gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).
Vùng động lực chủ đạo bao gồm huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải : Lấy Khu kinh tế Thái Bình là trung tâm; vùng động lực chủ đạo được xác định là hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh, gắn với Khu kinh tế Thái Bình nằm trên địa bàn huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải, kết nối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định và phát triển lan tỏa về phía Tây kết nối với thành phố Thái Bình qua huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương.
Vùng kinh tế ngoại biên bao gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ : Lấy đô thị Quỳnh Phụ làm trung tâm; vùng kinh tế ngoại biên được xác định là hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và phát triển lan tỏa về phía Nam, kết nối với thành phố Thái Bình qua huyện Đông Hưng, huyện Vũ Thư.
Đối với các huyện sẽ có từng phương án phát triển theo vùng cụ thể như sau:
Vùng huyện Thái Thụy : Là vùng đô thị vệ tinh phía Đông Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và không gian biển quốc tế.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh gắn với phát triển phía Bắc Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, cảng biển, với thế mạnh về dịch vụ thương mại, du lịch và thủy, hải sản; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp nông nghiệp truyền thống, đảm bảo phục vụ các vùng đô thị và du lịch ven biển.
Vùng huyện Tiền Hải : Là vùng đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình và vùng Bắc Trung Bộ.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh gắn với phát triển phía Nam Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, với thế mạnh về dịch vụ thương mại, du lịch và thủy, hải sản, khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp nông nghiệp truyền thống, đảm bảo phục vụ các vùng đô thị và du lịch ven biển; lấn biển để mở rộng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ.
Vùng huyện Hưng Hà: Là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch của tỉnh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần.
Hướng phát triển trọng tâm: Nâng cao hiệu quả các ngành công nghiệp truyền thống, thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, tiết kiệm đất đai, tạo giá trị gia tăng cao, khai thác hiệu quả hành lang kinh tế kỹ thuật tuyến Thái Bình - Hà Nam, cao tốc Hưng Yên - Thái Bình. Phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp. Phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái khoáng nóng, dịch vụ thể thao cao cấp; gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần, cảnh quan ven sông Hồng.
Vùng huyện Quỳnh Phụ : Là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ gắn với hành lang kinh tế đô thị QL10.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế (như công nghiệp cơ khí, công nghiệp chuyên nông nghiệp…) gắn với khu công nghiệp Cầu Nghìn, khu công nghiệp Thaco - Thái Bình, khu công nghiệp Dược - Sinh học. Phát triển dịch vụ gắn với hoạt động logistics, vận tải. Phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian lịch sử đền A Sào, khu nghỉ dưỡng và thể thao sân gôn Quỳnh Lâm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản thực phẩm.
Vùng huyện Vũ Thư : Là trung tâm dịch vụ trung chuyển; dịch vụ tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ven sông.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình. Hướng tới xây dựng Vũ Thư là huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Vùng huyện Đông Hưng: Là huyện trung tâm của tỉnh, đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng QL10, QL39, đường Thái Bình - Hà Nam, cao tốc Thái Bình - Hưng Yên. Lấy phát triển dịch vụ vận tải, trung chuyển hàng hóa, logistics dẫn dắt, làm động lực cho phát triển công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình. Hướng tới xây dựng Đông Hưng là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ hiện đại và giàu bản sắc.
Vùng huyện Kiến Xương: Là một trong những trung tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình, Khu kinh tế Thái Bình. Hướng tới xây dựng Kiến Xương là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ hiện đại và giàu bản sắc.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tiểu thủ công nghiệp truyền thống và dịch vụ hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, công nghệ cao, công nghệ sinh học, gắn với chế biến, bảo quản và cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Thái Bình và Khu kinh tế ven biển.