
Thái Nguyên: Mở khóa tiềm năng, bất động sản tăng tốc
"Thị trường bất động sản Thái Nguyên không còn là "cuộc chơi lướt sóng" mà là hành trình dài hơi và Thái Nguyên với tiềm lực nội sinh mạnh mẽ, định hướng chiến lược rõ ràng đang là một trong những địa phương hấp dẫn nhất miền Bắc", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Sở Xây Dựng Thái Nguyên chia sẻ.
Thái Nguyên đang vươn mình trở thành "tọa độ vàng" mới trên bản đồ bất động sản miền Bắc, thu hút hàng loạt dự án đầu tư từ các tập đoàn lớn. Sự bứt phá này không chỉ khẳng định tiềm năng và vị thế của tỉnh mà còn đánh dấu giai đoạn phát triển đầy triển vọng.
Để làm rõ những động lực then chốt thúc đẩy thị trường bất động sản Thái Nguyên chuyển mình – từ tầm nhìn quy hoạch, chính sách, hạ tầng đến cơ sở pháp lý, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, về thực trạng, tiềm năng và xu hướng phát triển của thị trường trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết thị trường bất động sản Thái Nguyên đang có những lợi thế phát triển như thế nào?
Ông Phạm Quang Anh: Thị trường bất động sản tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, các dự án đã hoàn thành và tiềm năng du lịch. Những lợi thế nổi bật này giúp thị trường bất động sản của tỉnh ngày càng “nóng lên”.
Theo Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND của tỉnh Thái Nguyên, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc thực hiện tại địa bàn ưu đãi được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt trong việc giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Tỉnh Thái Nguyên đã có những cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản thông qua việc hỗ trợ thủ tục hành chính, thuế và giải phóng mặt bằng. Cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, thuế và các vấn đề liên quan; hỗ trợ tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các khu vực như Phú Bình, nơi được xem là “mảnh đất hứa” cho các nhà đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên được áp dụng các chính sách ưu đãi thuế giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu hoạt động.
Về lợi thế từ các dự án đã hoàn thành và quy hoạch các khu đô thị mới.
Các dự án đô thị lớn, như: Khu đô thị Danko City, Khu đô thị TBCO Riverside, Kosy City Beat… tạo cú hích lớn về môi trường sống hiện đại, tăng giá trị đất xung quanh. Khu công nghiệp - đô thị Yên Bình, nơi tọa lạc của tổ hợp nhà máy Samsung (KCN Yên Bình) kéo theo nhu cầu về nhà ở, dịch vụ và tiện ích rất cao.
Đối với các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và nhà ở nên cơ bản ổn định, một số dự án đủ điều kiện ký hợp đồng huy động góp vốn để thực hiện dự án, đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với một số khu vực trong dự án như: Khu dân cư Thành Đồng, Dự án Tòa nhà hỗn hợp ở, thương mại dịch vụ cao tầng phường Hoàng Văn Thụ, Khu đô thị số 12 Hương Sơn, huyện Phú Bình…
Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp như Tập đoàn T&T, Danko Group,…, hay mới đây là Tập đoàn Flamingo được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị bất động sản, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đây là dấu ấn thể hiện tiềm năng phát triển ổn định, lâu dài của thị trường bất động sản tỉnh Thái Nguyên, những dự án này góp phần tạo nên hình thái đô thị hiện đại, có sức lan toả đến các vùng lân cận, tăng sự phát triển liên kết vùng.
Về lợi thế từ hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ.
Hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng hoàn thiện sẽ tăng tính liên kết vùng và là yếu tố thu hút các nhà đầu tư bất động sản. Giao thông thuận tiện tạo tính kết nối cao và giá bất động sản cũng tăng theo hạ tầng. Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tuyến đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội… giúp kết nối nhanh với Thủ đô (chỉ khoảng 1 giờ lái xe). Tuyến cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới, đường vành đai 5 vùng Thủ đô đang được quy hoạch là những “động lực giao thông” quan trọng trong đầu tư bất động sản trung và dài hạn.
Mạng lưới đường trục chính trong TP. Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên được mở rộng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu của chuẩn đô thị. Các tuyến đường đô thị kết nối đến cac khu công nghiệp, khu du lịch, trường đại học…, được chú trọng đầu tư giúp tăng tính kết nối và bất động sản tại các vùng ven đô, nông thôn theo đó cũng tăng giá trị.
Tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đến đầu tư, mở nhà máy sẽ kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao. Khi doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở cho công nhân, chuyên gia, dịch vụ ăn uống, giải trí đi kèm. Từ đó hình thành các khu đô thị công nghiệp, chung cư, khu nhà ở cho công nhân và bất động sản thương mại dịch vụ (ví dụ: KCN Yên Bình, nơi có nhà máy Samsung, hạ tầng tốt khiến khu vực này trở thành tâm điểm phát triển bất động sản tại TP. Phổ Yên và lân cận).
Đối với Thái Nguyên – tỉnh có vị trí cửa ngõ trung du, sát Hà Nội thì việc phát triển hạ tầng giao thông đang là “vũ khí chiến lược” giúp bất động sản địa phương chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về lợi thế từ danh lam thắng cảnh và tiềm năng du lịch.
Thái Nguyên có khu du lịch thiên nhiên Hồ Núi Cốc là điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch hằng năm. Có Khu ATK Định Hoá, điểm đến lịch sử; hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, đồi chè Tân Cương…, đều là những điểm đến văn hoá, sinh thái, lịch sử đặc sắc. Đây chính là cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng và dịch vụ phát triển với các loại hình farmstay, homestay… Gần đây nhất là dự án Flamingo Majestic Island Resort nghỉ dưỡng siêu sang đã khởi công tại khu du lịch Hồ Núi Cốc. Sự phát triển của du lịch tạo ra nhu cầu thực tế về lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi, từ đó đẩy mạnh thị trường bất động sản phát triển tại các khu vực có tiềm năng cảnh quan và sinh thái.
Hồ Núi Cốc nằm ở phía Nam huyện Đại Từ, phía Tây của thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: TL/thegioidisan.vn)
PV: Thưa ông, Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thì thị trường bất động sản Thái Nguyên sẽ được” giải phóng” như thế nào?
Ông Phạm Quang Anh: Ba luật: Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực có thể ví như ba mũi đột phá, đã và sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực và rõ rệt đến sự phát triển của thị trường bất động sản tỉnh Thái Nguyên, một khu vực đang trên đà phát triển mạnh mẽ về công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Luật Đất đai năm 2024 như một sự “khơi thông” pháp lý, giải tỏa triệt để nút thắt pháp lý tồn tại thời gian qua, tạo điều kiện sử dụng đất linh hoạt hơn. Việc bỏ khung giá đất, cập nhật bảng giá đất hằng năm đã tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý đất đai và công bằng trong giao dịch.
Cơ chế đấu giá, đấu thầu đất được công khai, minh bạch giúp loại bỏ tình trạng “sân sau”, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, giúp các nhà đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên tiếp cận đất đai rõ ràng, giảm thiểu rủi ro pháp lý. Có quy định cụ thể về thu hồi đất, đền bù, tái định cư giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vốn là điểm nghẽn của nhiều dự án bất động sản tại tỉnh.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 quy định việc siết chặt điều kiện mở bán giúp tăng tính minh bạch và bảo vệ người mua hơn. Siết chặt hơn hoạt động môi giới theo cách đội ngũ môi giới bất động sản ở Thái Nguyên sẽ cần được đào tạo, cấp chứng chỉ, nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm. Tăng bảo vệ quyền lợi người mua bằng cách yêu cầu công bố rõ ràng hợp đồng mẫu, thông tin pháp lý dự án… tạo sự an tâm cho người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này giúp thị trường bất động sản Thái Nguyên trở nên chất lượng hơn, giảm thiểu tình trạng “sốt ảo”, thu hút dòng vốn dài hạn thay vì lướt sóng.
Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực đã tạo dư địa phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Việc quy định bắt buộc dành quỹ đất xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại với tỉnh có nhiều khu công nghiệp như tỉnh Thái Nguyên thì đây là yếu tố then chốt giúp hình thành các khu nhà ở cho công nhân với quy mô lớn.
PV: Thưa ông, thị trường bất động sản Thái Nguyên hiện nay đang có những tín hiệu tích cực nào để nhà đầu tư an tâm quay lại?
Ông Phạm Quang Anh: Số liệu tổng quan mới nhất về lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thể hiện rõ tín hiệu tích cực của thị trường.
Về nguồn cung, năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận gần 81.000 sản phẩm được chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Tính đến những giao dịch thành công thì cả năm 2024, toàn thị trường tỉnh ghi nhận 47.000 giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.
Hiện có 5 dự án NƠXH đang triển khai với diện tích đất NƠXH là 19,5202ha, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội là 205.685,79m2, tổng số căn hộ là 2.344 căn. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 01 dự án được bán nhà hình thành trong tương lại với 395 căn hộ, đã xét duyệt 226 khách hàng đủ điều kiện và đã ký hợp đồng mua bán, dự kiến quý IV/ 2025 hoàn thành bàn giao nhà cho người mua theo đúng tiến độ dự án.
Tính đến tháng 9/2024, giá đất nền của tại TP. Thái Nguyên dao động từ 15 – 20tr đồng/m2. Tại các huyện Phú Bình và Đại Từ, giá đất dao động từ 7 – 10tr đồng/m2. Thị trường bất động sản Thái Nguyên cuối năm 2024 đang chuyển biến tích cực nhờ lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục và các luật mới có hiệu lực từ tháng 8 đã tạo điều kiện thuận lợi cho vay mua nhà và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng bất động sản.
Các dự án nổi bật và đầu tư hạ tầng gồm: Dự án khu đô thị Hồng Tiến (khu nhà ở đường 47m) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.660 tỷ đồng, đánh dấu bước chuyển mới trong quy hoạch đô thị của TP. Phổ Yên. Dự án khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu công nghiệp Sông Công II. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
PV: Vậy với những dự án chậm tiến độ, gây lãng phí, Sở Xây dựng Thái Nguyên có quan điểm như thế nào?
Ông Phạm Quang Anh: Bên cạnh nhưng thuận lợi và kết quả đạt được của thị trường bất động sản tỉnh thời gian qua, vẫn còn những khó khăn, tồn tại về các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Một số dự án cụ thể như: Dự án Đài Bắc Hotel ở Trung tâm TP. Thái Nguyên tại khu đất rộng khoảng 10.000m2 nhưng không được triển khai nhiều năm, buộc tỉnh phải thu hồi và tiến hành đấu giá, thu về hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách; Dự án khu đô thị Hồng Vũ (giai đoạn II) tại TP. Sông Công, quy mô 19,7ha đã hết hạn đưa vào sử dụng từ năm 2017; Dự án khu dân cư tổ dân phố 11, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công...
Ngoài những tồn tại về các dự án chậm tiến độ, những vướng mắc về cơ chế, chính sách của tỉnh Thái Nguyên cũng làm cho nhiều dự án đầu tư gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch và thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Một số dự án PPP (đầu tư đối tác công – tư) và hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) gặp vướng mắc trong phân cấp, phân quyền và cần kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ.
Với phương châm kiên quyết không để tồn tại “đất vàng bỏ hoang”, UBND tỉnh Thái Nguyên đang kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả và tổ chức đấu giá lại để thu hút nhà đầu tư mới. Đối với các dự án có tiềm năng, tỉnh tạo điều kiện gia hạn và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai. Tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án.
PV: Thưa ông, trong quá trình phát triển, thị trường bất động sản tỉnh Thái Nguyên đã gặp phải những hạn chế, khó khăn như thế nào? Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã có những giải pháp, kiến nghị gì để khắc phục những khó khăn đó?
Ông Phạm Quang Anh: Bên cạnh những tín hiệu phát triển tích cực của thị trường bất động sản cả nước cũng như của tỉnh Thái Nguyên thì cũng song song với đó đã phát sinh nhiều khó khăn và những hạn chế còn tồn tại gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Vướng mắc về thủ tục pháp lý và đất đai: Còn một số dự án gặp khó khăn trong thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như: khu Điềm Thuỵ, khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2…
Khó khăn về nguồn vốn: Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng gây ảnh hưởng đến khả năng triển khai và hoàn thành dự án đúng tiến độ.
“Tính ảo” của thị trường: việc thị trường phát triển “nóng” kèm theo đó là “sốt ảo” đã làm giảm mạnh tính thanh khoản, nhiều sàn giao dịch đóng cửa sau 1 thời gian chạy theo “sốt ảo” của thị trường nhưng không gặp được các nhà đầu tư như kỳ vọng. Hệ luỵ là nhiều sàn giao dịch đóng cửa, hệ thống môi giới bất động sản tự tan rã dẫn đến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng.
Thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ: Tuy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được hình thành để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đội ngũ môi giới và một số sàn giao dịch đã “thổi giá ngầm” các dự án này đã làm cho giá đất, nhà tăng cao hơn so với giá nền nhiều lần. Điều này làm cho nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội gần như không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Từ những vướng mắc, tồn tại trên, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã có một số giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn chung của thị trường bất động sản và của người dân tại tỉnh.
Sở Xây dựng kiến nghị cần hoàn thiện quy trình đấu giá, đấu thầu, giao đất theo quy định mới của luật, bảo đảm các dự án đầu tư có thể triển khai đúng quy định. Đồng thời, xây dựng và điều chỉnh bảng giá đất phù hợp để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất nước.
Tiếp đó, Sở đề xuất triển khai các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tập trung vào các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có hiệu quả cao. Đồng thời thúc đẩy và thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản.
Cần thiết lập hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án.
PV: Theo Đề án Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước, đa phần các dự án NƠXH trên địa bàn các tỉnh đều chậm tiến độ. Năm 2025 Sở Xây dựng Thái Nguyên có kế hoạch gì để khắc phục, tránh tình trạng trì trệ, lãng phí?
Ông Phạm Quang Anh: Tỉnh Thái Nguyên có số lượng 130.000 công nhân trong các khu công nghiệp lớn, do đó nhu cầu về NƠXH là cực kỳ cấp thiết. Tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch và Đề án phát triển NƠXH trên nhằm mục tiêu xây dựng trên 8.800 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh cũng đã thực hiện quyết liệt các thủ tục quy hoạch, thu hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội tập trung tại một số địa phương phía Nam của tỉnh. Trước khi triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ, năm 2021 tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đề án này nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên dự kiến phát triển được hơn 121.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 1,7 nghìn căn hộ.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên: “việc phát triển nhà ở phải bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương trong tỉnh, bảo đảm tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và các quy định hiện hành của pháp luật”.
Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều kế hoạch và giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trì trệ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là công nhân và người thu nhập thấp.
Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức khảo sát, thống kê thực trạng nhà ở xã hội và nhà trọ công nhân. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội của tỉnh nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.
Sở Xây dựng đã công bố công khai thông tin về các dự án nhà ở xã hội, đồng thời thông báo kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội từ các đối tượng đủ điều kiện, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình phân phối nhà ở xã hội.
PV: Thời gian tới, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch, định hướng gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn?
Ông Phạm Quang Anh: Như đã nêu trên, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã có những đề xuất, định hướng cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Để thị trường bất động sản của tỉnh phát triển lành mạnh, bền vững, cần chú trọng thêm vào các nội dung:
Tích cực triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 37.000 người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Sở Xây dựng cũng đang đẩy mạnh việc công khai thông tin về quy hoạch, dự án, tiến độ triển khai và điều kiện pháp lý của các dự án bất động sản. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch, giúp người dân và nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác, đồng thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá và các hành vi gian lận trong kinh doanh bất động sản.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Sở Xây dựng đã triển khai khảo sát, thống kê nhu cầu nhà ở xã hội và nhà trọ công nhân, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế. Các dự án nhà ở xã hội đang được triển khai tại phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) và phường Đồng Tiến, Bãi Bông (TP. Phổ Yên) nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: kinh doanh không đủ điều kiện, bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện, không công bố thông tin dự án theo quy định…
PV: Với vai trò là đơn vị điều phối chiến lược phát triển đô thị, Sở Xây dựng Thái Nguyên đang định hình tương lai thị trường như thế nào?
Ông Phạm Quang Anh: Tương lai đô thị Thái Nguyên sẽ không chạy theo “cao tầng - chật hẹp - đắt đỏ”. Chúng tôi lựa chọn hướng phát triển đô thị trung cấp, quy hoạch dài hạn, đa chức năng, bất động sản xanh - kết nối - sinh thái.
Sở đang thúc đẩy minh bạch hóa dữ liệu quy hoạch, công bố tiến độ các dự án, tạo nền tảng để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin ngay từ ban đầu. Cùng với đó là ứng dụng dịch vụ công mức độ 4, 100% hồ sơ xây dựng, quy hoạch được số hóa, xử lý trên phần mềm một cửa điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Thái Nguyên cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ xây dựng, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc trong cơ chế đầu tư PPP, BT, xử lý các dự án chậm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Dự báo của Sở Xây dựng về thị trường bất động sản năm 2025 và những năm tiếp theo?
Ông Phạm Quang Anh: Thị trường bất động sản Việt Nam, bao gồm Thái Nguyên đã chứng kiến sự phục hồi rõ rệt trong quý I/2025 với tổng lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư, cho thấy sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Giá bán bất động sản trong năm 2025 dự kiến sẽ điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức của năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu khó xảy ra do các yếu tố như giá đất, bảng giá đất và chi phí đầu vào đang tạo áp lực lên giá thành sản phẩm bất động sản.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 45% vào năm 2025 và trên 60% vào năm 2030. Tỉnh đang tập trung thúc đẩy phát triển mạnh các dự án khu đô thị và khu nhà ở, đồng thời đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bất động sản. Thị trường bất động sản đang có xu hướng chuyển dịch từ phân khúc cao cấp sang trung cấp, với sự tập trung vào các khu vực ven đô và các tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp như Thái Nguyên. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và người mua nhà ở thực.
Những yếu tố trên cho thấy thị trường bất động sản Thái Nguyên trong năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các khu vực có tiềm năng như Phổ Yên.
Thị trường bất động sản Thái Nguyên không còn là “cuộc chơi lướt sóng” mà là hành trình dài hơi và Thái Nguyên với tiềm lực nội sinh mạnh mẽ, định hướng chiến lược rõ ràng đang là một trong những địa phương hấp dẫn nhất miền Bắc./.