Để thực hiện “cuộc cách mạng” CNTT, thời gian qua, TP. Phổ Yên tập trung lãnh đạo, ban hành văn bản, quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; tăng cường quán triệt, tuyên truyền về vai trò, vị trí của CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền điện tử. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm phát triển CNTT gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để có thể đưa CNTT vào các hoạt động quản lý, điều hành cũng như trong đời sống xã hội, thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng mạng, bổ sung trang thiết bị, triển khai một số phần mềm nền tảng xây dựng chính quyền điện tử trong các cơ quan nhà nước, triển khai các phần mềm ứng dụng CNTT trong khối đảng phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Do vậy, hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trên địa bàn ngày càng hoàn thiện: Toàn thành phố có 307 trạm BTS, được phủ sóng đến 99,3% các xóm, tổ dân phố; 18/18 xã, phường đều có đường truyền kết nối Internet băng thông rộng về đến tận các xóm, tổ dân phố; các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp đều được kết nối sử dụng Internet cáp quang phục vụ hoạt động; 100% cán bộ, công chức có máy tính; các ứng dụng phần mềm dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ và đi vào hoạt động thường xuyên, hiệu quả...
Đặc biệt, cuối năm 2021, thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), gồm 12 lĩnh vực giám sát là: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, y tế, giáo dục, thông tin mạng xã hội, phản ánh hiện trường, camera an ninh và giao thông, du lịch thông minh, quản lý cây xanh, cổng thông tin điện tử, nhà văn hóa số.
Hệ thống này có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt toàn diện về các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Công nghệ được áp dụng trong hệ thống cho phép phân tích dữ liệu lớn để đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, điều hành của các cấp chính quyền.
Không chỉ có vậy, việc ứng dụng CNTT được thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Hiện, thành phố có 272 thủ tục hành chính được đăng tải trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 152 dịch vụ công trực tuyến một phần, 85 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp thành phố, cấp xã được triển khai đồng bộ với một phần mềm duy nhất, đảm bảo khả năng liên thông theo ngành dọc và quan hệ phối hợp ngang cấp. 100% cơ quan, đơn vị cấp thành phố và các xã, phường đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, có kết nối liên thông với nhau, liên thông với hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại Văn phòng UBND tỉnh.
Thành phố đã cấp 750 hộp thư điện tử công vụ cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Đến nay, 39 cơ quan, 238 cá nhân đã được bàn giao, hướng dẫn sử dụng chứng thư số chuyên dùng. Cùng với đó, thành phố từng bước tích hợp, sử dụng chữ ký số trong các giao dịch hành chính công giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, công dân.
Hầu hết đơn vị, địa phương đều sử dụng các phần mềm như: Quản lý kế toán - tài chính, tài sản, bảo hiểm xã hội… Thành phố cũng đã triển khai các ứng dụng, phần mềm chuyên ngành như: Đăng ký và phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo; nguồn nhân lực; quản lý đối tượng người có công; quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; hệ thống quản lý thông tin trẻ em ở cơ sở; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quản trị trong cơ sở giáo dục; quản lý y tế; quản lý dân số…
Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Phổ Yên đã ứng dụng linh hoạt những thành tựu CNTT vào mọi lĩnh vực, với mong muốn thông qua CNTT thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, thành phố tích cực ứng dụng CNTT trong giải quyết một số vấn đề cấp bách, nhất là trong lĩnh vực an ninh trật tự, giao thông, y tế, giáo dục, bằng việc triển khai lắp đặt các mắt camera giám sát trên các tuyến đường chính, triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa, tích hợp dữ liệu y tế của một số cơ sở y tế…
Từ nay đến hết năm 2024, thành phố phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp xã tham gia sử dụng tốt các phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng đạt trên 90%, 80% người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.