Aa

“Thảm họa” Carina Plaza dễ lặp lại nếu không nghiêm túc xử lý vi phạm PCCC

Thứ Tư, 16/09/2020 - 09:03

Tại Hà Nội, hàng loạt dự án đang đặt cư dân của mình vào tình thế nguy hiểm chết người khi "chây ì", chậm trễ trong công tác thực hiện bổ sung hồ sơ thẩm duyệt PCCC.

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Tháng 3/2018, vụ hỏa hoạn ở chung cư Carina quận 8 TP HCM dẫn đến cái chết thương tâm của 13 cư dân tại đây đã gây rúng động dư luận. Nguyên nhân được xác định là do sự cố cháy xe máy ở hầm gửi xe, tuy nhiên trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm về công tác PCCC như: Hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có nên khi lính cứu hỏa đến nơi thì lửa khói đã rất lớn và khó kiểm soát.

Đáng chú ý, người dân sinh sống tại đó cho biết họ không nghe thấy tiếng chuông báo cháy mà khi phát hiện hỏa hoạn, cư dân phải vừa sơ tán vừa cố gắng thông báo cho nhau cùng thoát ra ngoài. Lúc cứu hộ đến hiện trường, điện đã tắt, không có đèn tín hiệu dẫn đường thoát hiểm cho nạn nhân. Và sau đó là một kết cục bi thảm.

"Thảm họa" Carina Plaza xuất phát từ việc dự án không đảm bảo công tác PCCC.

Ngay sau vụ việc này, nhiều cư dân sinh sống tại chung cư Carina đã tạo nên một làn sóng phản đối, khiếu nại về các hành vi gian lận, mập mờ trong lắp đặt hệ thống PCCC của các chủ đầu tư (CĐT).

Điểm danh hàng loạt dự án mất an toàn PCCC tại Hà Nội

Thực hiện Kế hoạch 359/KH-CAHN-PV01 ngày 09/11/2018 của Công an TP Hà Nội về Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 10/7/2020 đến ngày 16/7/2020, các lực lượng chức năng Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 45 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH.

Về quy định không nghiệm thu PCCC luật pháp đã quy định rất rõ. Đối tượng phải nghiệm thu PCCC gồm: Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được CĐT, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về PCCC theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt (Khoản 1 Điều 8 Thông tư 66/2014/TT-BCA).

Trong danh sách Tổng kiểm tra, có lô HH tòa nhà The Sun, khu đô thị mới Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) do Công ty CP đầu tư và sản xuất Thái Dương đầu tư chưa có cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, cải tạo mặt bằng khối đế thương mại của tòa nhà nhưng chưa tiến hành thẩm duyệt bổ sung về PCCC.

Dự án công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ Golden Palace A, đường Lê Quang Đạo, phường Mễ Trì, do Công ty CP đầu tư Mai Linh đầu tư xây dựng phương án, biện pháp về cứu nạn cứu hộ tại công trường để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố, lực lượng PCCC&CNCH cơ sở chưa được huấn luyện nghiệp vụ, nội quy quy định về PCCC, về phòng ngừa tai nạn chưa đầy đủ.

Cũng theo kết luận của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, có 2 siêu thị của hệ thống Điện Máy Xanh mất an toàn về PCCC. Đó là siêu thị Điện Máy Xanh số 1283 Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định, không trang bị đầy đủ phương tiện về PCCC và siêu thị Điện Máy Xanh số 90 Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm chưa thẩm duyệt an toàn PCCC, phương án PCCC&CNCH không bảo đảm an toàn. Cơ sở siêu thị này cũng không có lối thoát nạn dự phòng, 2 lối thoát nạn được thiết kế không bảo đảm an toàn.

2 cơ sở Điện Máy Xanh không đảm bảo an toàn PCCC.

Một loạt nhà hàng, khách sạn, trường học mất an toàn về PCCC trên địa bàn thủ đô cũng được Công an TP Hà Nội xử phạt trong đợt kiểm tra lần này, đó là Trường tiểu học Lomonoxop (quận Nam Từ Liêm), khách sạn Thiên Thần (Nam Từ Liêm), bãi đỗ xe ngầm khu đô thị Mễ Trì Hạ, Rạp Bela Mỹ Đình, nhà hàng hải sản Làng Chài, karaoke Diamond...

Trước đó, Công an TP Hà Nội chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra thu thập hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, xử lý hình sự đối với một số trường hợp chung cư, nhà cao tầng mất an toàn PCCC trên địa bàn gồm tòa nhà CT4 tại khu đô thị mới Văn Khê, Hà Đông thuộc Công ty CP Sông Đà 1; chung cư CT5AB tại KĐT Văn Khê, Hà Đông thuộc Công ty CP Hà Châu OSC; khu nhà Chung cư CT6 Văn Khê tại phường La Khê, Hà Đông thuộc Công ty CP Sông Đà Thăng Long; CT3A tại Mễ Trì Thượng (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68...

Cụm chung cư ở KĐT Văn Khê, Hà Đông và chung cư CT3A tại Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm bị "vào tầm ngắm" do không đảm bảo công tác PCCC.

Quá trình điều tra do chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Hiểm họa cháy nổ “lơ lửng” trên đầu cư dân

Sau không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư khiến cho cư dân hoang mang và lo lắng thì câu chuyện về chất lượng công trình, thiết bị PCCC càng được dư luận quan tâm hơn. Những vụ tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư xung quanh vấn đề này cũng vì thế mà ngày một nhiều.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, về phòng cháy, chữa cháy, Điều 16 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình như sau: Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.

Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm của chủ đầu tư là: Lập dự án thiết kế theo đúng quy định, tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt.

Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được thẩm duyệt lại. Tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này…

Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ, trong đó có Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013 cũng nghiêm cấm hành vi: Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, đối với các dự án, công trình không có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. 

Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt;

b) Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

a) Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy;

b) Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này;

b) Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.

Trường hợp vẫn để xảy ra sai phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy 2001: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng đối phó trong công tác an toàn PCCC

Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục PCCC&CNCH, Bộ Công an thì nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hoả hoạn tại các khu dân cư đa phần đều do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, giám sát việc nghiệm thu PCCC của các dự án trên địa bàn và cư dân chủ quan không tuân thủ các điều kiện về PCCC hoặc tuân thủ nhưng còn đối phó: “Các DN hay CĐT các công trình cao tầng cố tình không tuân thủ, hoặc vì lý do tiết kiệm chi phí đã tuân thủ 1 cách đối phó thậm chí có chủ đầu tư cố tình thi công khi chưa phê duyệt điều kiện PCC của dự án và cố tình đưa cư dân vào ở gây sức ép cho chính quyền khi chưa có kết quả kiểm tra về PCCC”.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục PCCC&CNCH chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hoả hoạn tại các khu dân cư.

Các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình và các tiêu chuẩn PCCC rất được cư dân quan tâm bởi đây là những vấn đề “sát sườn”, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tính mạng của cư dân. Bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu các căn hộ chung cư, người dân luôn mong muốn được sử dụng những sản phẩm và tiện ích tốt, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín và trách nhiệm của các CĐT hiện nay.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Có 09 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; Tập trung xây dựng phong trào Toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH; Xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC; Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC; Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH của lực lượng PCCC; Bảo đảm ngân sách Nhà nước cho hoạt động PCCC; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC; Mở rộng hợp tác quốc tế về PCCC.

Nâng cao công tác tuyên truyền và giám sát chặt chẽ việc thực thi công tác PCCC tại các chung cư là vấn đề trọng điểm nhằm hạn chế rủi ro hỏa hoạn

Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH, Bộ Công an hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, đăng, phát tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH; hướng dẫn người dân biện pháp PCCC và thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra; biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CNCH; thông báo công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị vi phạm cần nghiêm túc tiếp thu và khắc phục ngay những vi phạm mà đoàn giám sát nêu trên.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC cho mọi tầng lớp nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu; phát hành cẩm nang, tờ rơi phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn PCCC tới các hộ gia đình, người lao động (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

Chỉ đạo cơ quan báo chí, tuyên truyền tại địa phương tăng cường xây dựng tin, bài, phóng sự, hướng dẫn các biện pháp PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top