Aa

“Nếu còn tồn tại khung giá đất thì người ta vẫn tìm cách tham nhũng“

Thứ Bảy, 06/08/2022 - 06:09

“Xác lập giá đất theo cơ chế định giá thị trường thay khung giá cố định là bước đi đúng đắn, nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai”, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định.

Hàng loạt các vụ vi phạm đất đai được phát hiện thời gian gần đây, trong đó không ít quan chức đương nhiệm, cựu cán bộ từng giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước bị khởi tố cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực Đảng về hệ thống chính trị đang hết sức quyết liệt. Một số chuyên gia cho rằng, lỗ hổng của cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, cùng với sự tha hóa của cán bộ khiến tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này vẫn còn phổ biến. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai rất lớn

PV: Thưa ông, cử tri và nhân đặt ra câu hỏi, liệu những vi phạm liên quan tới đất đai vừa qua là do lỗ hổng quy định pháp luật hay sự tha hóa về quyền lực?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Một thực tế có thể thấy rất rõ trong thời gian vừa qua đó là, nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý phần lớn liên quan tới tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, nhạy cảm cũng xuất phát từ lĩnh vực đất đai và chiếm tỷ lệ cao về số vụ và số lượng cán bộ bị xử lý.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh tư liệu của Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Nói về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này, cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, do lỗ hổng về cơ chế chính sách pháp luật về đất đai. Có thể lấy ví dụ cụ thể như, hiện nay trên thị trường đang tồn tại cơ chế hai giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để doanh nghiệp, người dân xác định cơ sở tính tiền đóng thuế sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, tính giá đất đền bù giải tỏa dự án.

Báo cáo tham luận tại hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai” được tổ chức tháng 6/2021 nêu rõ: Tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Một trong những nguyên nhân chính là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai... Điều này dẫn đến lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để tham nhũng, trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước... Một số ý kiến tham luận cho rằng, Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu. Đặc biệt phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường; tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản...

Giá đất thứ hai được gọi là giá thị trường. Trong khi đó, giá thị trường thường cao hơn nhiều lần so với khung giá Nhà nước ban hành. Do đó, nếu vẫn còn tồn tại khung giá đất cụ thể mà không căn cứ vào thực tế thị trường thì người ta vẫn còn tìm cách tiêu cực, tham nhũng.

Để khắc phục lỗ hổng này, Nghị quyết 18 mới được Trung ương ban hành về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…", trong đó yêu cầu tăng tính công khai minh bạch bằng cách bỏ khung giá đất, xác lập cơ chế định giá thị trường, thay bằng định giá theo khung giá cố định. Đây là bước đi đúng đắn, nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Thứ hai, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đất đai là do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện. Khi cán bộ không tốt thì họ sẽ tìm mọi cách để lách luật, vi phạm pháp luật, tư lợi. Số cán bộ kiểu này khi đã có tiền họ sẽ tìm cách để có nhiều tiền hơn.

PV: Theo ông, việc thành lập các ban phòng chống tham nhũng tại các địa phương do Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung trong đó có lĩnh vực đất đai?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ ở cấp Trung ương thời gian vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự gương mẫu của người đứng đầu.

Tuy nhiên, có những thời điểm nhất định, dư luận có cảm giác rằng, việc chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Do vậy, thành lập các Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương được xem là “cánh tay nối dài” của Đảng nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc các vấn đề liên quan tới tiêu cực, tham nhũng trong đó có lĩnh vực đất đai, một cách đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Để làm tốt công tác này thì người đứng đầu các địa phương được giao trọng trách phải trong sạch, gương mẫu, quyết liệt, không chịu sức ép trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc chống tham nhũng nên tập trung vào vấn đề nóng như đất đai, chuyển nhượng dự án… Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đất đai vẫn là vấn đề nóng, trọng tâm, trọng điểm xảy ra những tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng không trừ một lĩnh vực nào cả. Điển hình như, thời gian gần đây nổi lên vụ Việt Á, hay các vụ việc liên quan tới tuyển dụng cộng chức, viên chức…

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, lĩnh vực đất đai còn tồn tại nhiều sơ hở về chính sách pháp luật đến số vụ tiêu cực tham nhũng có phần nhiều hơn một số lĩnh vực khác. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta chỉ tập trung chống tiêu cực, tham nhũng ở một lĩnh vực mà quên đi lĩnh vực khác.

Nội dung Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đã bao gồm nội dung thanh tra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể: Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại một số bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại một số địa phương.

Do đó, vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện cơ chế chính sách để hạn chế, tiến tới ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu trao quyền lực nhưng không kiểm soát được quyền lực thì rất dễ xảy ra những tiêu cực, tham nhũng.

Xây dựng văn hóa không tham nhũng, đòi hỏi sự gương mẫu của người đứng đầu

PV: Theo ông, nhiệm kỳ này, các tỉnh, thành phố có thuận lợi như thế nào để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Hiện nay chúng ta đang áp dụng cơ chế Bí thư, Chủ tịch tỉnh không phải là người địa phương. Đến nay, trong cả nước có hàng chục Bí thư cấp tỉnh/ thành phố không phải người địa phương.

Vì lãnh đạo không phải là người địa phương, nên tôi tin rằng họ sẽ khách quan trong quá trình điều hành quản lý, hạn chế tính cục bộ địa phương. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu là tập hợp, đoàn kết nội bộ để thực hiện mục tiêu chung, vì sự phát triển của địa phương. Nếu người đứng đầu gương mẫu, sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng tại địa phương, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Tại một số địa phương, điển hình như Thanh Hóa đang quyết tâm xây dựng và thực hiện văn hóa không tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Theo ông, muốn có văn hóa không tham nhũng, điều đầu tiên cần làm là gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước hết vẫn phải hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật trong việc phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm không có vùng cấm, để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Việc chống tiêu cực, tham nhũng phải được xem là việc làm thường xuyên, liên tục.

Đặc biệt, người đứng đầu các địa phương phải thực sự gương mẫu, trong sạch, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với cán bộ Đảng viên phải tự rèn luyện, tu dưỡng để vượt qua cám dỗ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chống tiêu cực tham nhũng, trong đó có vấn đề xây dựng văn hóa không tham nhũng, thì thước đo cuối cùng vẫn là sự hài lòng của người dân. Chúng ta có thể thông qua các chỉ số như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính để kiểm chứng điều này.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Cần thực hiện tổng thể các giải pháp để hạn chế tiêu cực, tham nhũng về đất đai

Ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Để hạn chế vi phạm trong quản lý đất đai cần lưu ý 6 vấn đề chính:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đất đai như Luật, Nghị định, văn bản hướng dẫn, thi hành… để bịt khe hở trong quản lý, thực thi chính sách pháp luật nói chung, trong đó có vấn đề quản lý đất đai.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hơn ai hết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất về những vi phạm đất đai, không thể đổ lỗi cho cấp dưới mỗi khi có vi phạm. Bí thư, Chủ tịch ở địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất trước những vi phạm về đất đai. Tiếp đến là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thứ ba, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thanh tra các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Thứ tư, tăng cường vai trò giám sát, trong đó nòng cốt là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, coi nhân dân là “tai mắt” để cơ quan Nhà nước làm tốt hơn vai trò quản lý của mình.

Thứ năm, phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông khi họ không quản ngại khó khăn, dũng cảm xông vào những “trận địa” chống tiêu cực cam go, thậm chí phải đổi bằng cả xương máu, tính mạng của mình để đưa những vấn đề tiêu cực ra ánh sáng.

Thứ sáu, khi đã phát hiện ra được thì các cơ quan bảo vệ pháp luật gồm điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phải vào cuộc, xử lý thật nghiêm minh, dù người đó là bất kỳ ai".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top