Có một sự diệu kỳ nào đó, do sắp đặt của thiên nhiên, ở Bắc Kạn có tới ba hồ nước ngọt cùng chung một dòng chảy, xửa xưa không ai đặt tên, tự nó nức tiếng với tên gọi Ba Bể. Hồ Ba Bể mênh mông nước ngọt, tôi có thể đi một ngày thuyền mới lên tới thác Đầu Đẳng, nơi tôi bắt đầu từ áo Tiên ghé hòn đảo Bà Góa rồi đi dạo trên hồ.
Khi len lỏi trong rừng cây đầy lá vàng mùa thu, ao Tiên chưa bao giờ có tiên bạn ạ, nhưng lá vàng rơi trên cái cầu ao đã mục gỗ, nó làm cho tôi nhớ tới câu chuyện “Bông hồng vàng” của nhà văn Paustovsky, nhớ tới nhân vật người lính từng trở về và ra đi trên lối cũ đầy lá mục và đầy cô độc. Nhưng ao Tiên ở Bắc Kạn từng là điểm hẹn du lịch của những bạn trẻ thành phố, họ lên đây để chụp ảnh và hôn nhau, dưới chân là lá vàng, trên cây là lá xanh và lá đỏ. Họ đi trong rừng nghe chim hót và rồi chèo thuyền đi trong bảng lảng sương.
Mùa đông của hồ có vẻ đẹp tuyệt vời, nước trong và chảy chậm. Hồ nước cho tôi cảm xúc của tĩnh tại, nó làm cho ý nghĩ của mình như trong ra và vượt ra ngoài tưởng tượng. Hồ nước cho tôi nhớ tới nhân vật bác sỹ Naoê, người bác sỹ phẫu thuật tài giỏi nhưng cuối cùng chọn cho mình cái chết dưới đáy hồ, trong một chuyến đi cuối cùng với người bạn tình. Rồi ông để lại một lá thư và số tiền cả đời làm bác sỹ phẫu thuật, dù không nhiều nhưng đủ cho cô nữ ý tá muốn nuôi đứa con của ông trong bụng.
Và duy nhất chỉ có cô là người bạn tình của ông, vị bác sỹ để người yêu tự lựa chọn và quyết định nuôi con hoặc xóa bỏ đứa con. Cao cả hơn là sự tự do, chưa bao giờ có một người yêu cho người phụ nữ một thẩm quyền tự do hơn thế! Ngồi trên hồ nước tôi tự hỏi, vì sao bác sỹ Naoê lại chọn cái chết dưới hồ, nước trong vắt vào mùa thu. Vì chính ông bị ung thư và ông lựa chọn cái chết dưới nước ở nơi xứ mặt trời mọc Nhật Bản.
Tôi đọc cuốn sách này từ lâu, nhưng sao thấy mình bị ám ảnh khi lướt thuyền trên hồ Ba Bể và có lần, tôi cũng có những ngày tháng tuyệt vọng, tôi cũng từng ước được thẳm xanh ở nơi này giống như nhân vật bác sỹ Naoê. Nhưng thật may tôi khỏe mạnh hơn nhân vật bác sỹ kia, không bệnh tật và tôi đã vượt qua cái phút giây “chết người” ấy.
Nếu bạn từng đi qua cảnh ngộ ấy giống tôi, mong bạn bình tĩnh, đừng có nóng nảy, vội vàng, vì mình phải cứu lấy mình, mình phải là người thầy của chính mình và hãy răn người trò cũng là chính mình. Tốt nhất là như thế! Nếu như không có tri ỷ ở đời và hãy nhớ câu “quen biết đầy thiên hạ/ tri kỷ được mấy người”. Tìm được tri kỷ có khi tìm kiếm cả đời bạn không tìm ra ấy chứ.
Từ một bản Pắc Ngòi nơi toàn nhà sàn ven hồ, người lái thuyền tên Thuận cho tôi đi qua đảo Bà Góa, tên địa phương là Pù Giả Mải. Hòn đảo có vẻ đẹp cô đơn của huyền thoại xưa, hai mẹ con người đàn bà góa bụa sống cuộc đời trên đảo, từng đỡ lưng cơm cho bà lão ăn mày. Khi bà lão ăn mày biến mất, hai mẹ con bà góa được bà ăn mày cho gói tro và trấu, đã vượt qua thủy nạn năm đó, từ vỏ trấu cũng có thể biến thành thuyền cứu người.
Huyền thoại chỉ là huyền thoại, nhưng hòn đảo gợi cho con người nghĩ đến cách ứng xử với nhân gian. Chớ nên xem thường người cùng khổ. Rồi từ hòn đảo xinh đẹp này bạn sẽ đi thăm thác Đầu Đẳng, nơi có dãy núi Lũng Nham, nơi núi tạo nên động Puông với vẻ đẹp của trời đất ban tặng.
Thác Đầu Đẳng êm đềm, dòng chảy lách qua nhiều đá vụn, cũng có một huyền thoại do người dân thường bán cá nướng ven hồ, kể rằng: “Ngày xưa nước lũ rất lớn, thời đó có ông khổng lồ với cái tên rất hay là Tài Ngào, chính ông đã xẻ núi mở ra động Puông và đá tảng được ông dọn dẹp vứt lại phía sau, dù đá vụn hay đá lớn bỗng dưng tạo thành dòng chảy của thác Đầu đẳng bây giờ”.
Còn nếu không đi xem thác, bạn hãy đi rừng quốc gia Ba Bể, nơi có những loài rêu đá và 416 loài thực vật, quý hiếm khác. Rừng quốc gia Ba Bể như một cuốn từ điển về cây và bạn hãy học cách am hiểu những loài thuốc từ cây của đồng bào dân tộc, họ chữa bệnh bằng thuốc lá cây, thuốc của dân gian, toàn là thuốc lá gia truyền từ thủa xưa ông bà ta để lại. Thủa ông bà ta chưa có bệnh viện, bác sỹ, tiến sỹ y khoa mà vẫn sống trường thọ đấy thôi.
Bánh ngải ở chợ Rã. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)
Nếu ngoảnh lại thời hoang sơ, vẻ đẹp của sự sống cũng khác bây giờ, nó đơn giản và họ sống chậm. Tôi lại ước giá mình được sống như ngày xưa? Người ở phố, ở đất Kinh Kỳ, sống khó sao. Ngày nào ra đường cũng khẩu trang, nào tắc đường, nào chen ngang, lấn hè, nào oánh nhau vì chen lấn. Đi trong rừng quốc gia chỉ có lá khô, lá vàng mùa thu và hoa chuối đỏ rực không có ai đến hái, tiếng chim hót và quả lê (quả mắc coọc) rơi lộp độp dưới chân, cảm xúc thật dạt dào sung sướng khi phát hiện ra mùi thơm của hương quế, của hoa dại rực rỡ như khêu mà không có ai đến nhìn. Hoa rừng cũng lặng lẽ sống như người ở ẩn trên núi cao.
Lại muốn nhiều ngày, bỏ điện thoại, vi tính, để chỉ nhìn lá nhìn hoa rừng nở, rồi lặng nghe chim hót, thở sâu để phát hiện ra cuối đường còn có một cây chuối hoa đỏ, đang nở hoa, giấu mình ở phía xa xa. Biết đâu hoa chuối cũng có linh cảm đợi mình đến xem, chỉ cần có hoa chuối và tôi biết thôi. Không chụp ảnh, không “ phây búc”, không khoe mẽ, hãy lặng như cây ngàn tuổi, cây đã dạy cho người nhiều điều, chỉ có điều bạn không học cây mà sống đó thôi.
Nếu bạn trẻ chọn đi từ bến Buốc Lốm, bạn có thể vào động Puông rất gần. Hang động ở lòng hồ Ba Bể còn rất hoang sơ chưa có bàn tay còn người khai thác từ dòng điện ánh sáng, nên ánh sáng trong động Puông đẹp nguyên sơ và có vẻ đẹp của thời cổ đại, nó nhũ đá, nó rêu phong mà hình thành.
Đến vùng này, sau khi đi thuyền trên hồ, lên bờ, bạn nhớ đi chợ Rã, nhớ ăn bánh lá ngải, xôi ngũ sắc và ngồi ăn phở dưa. Miền núi vùng Lào Cai hay Lai Châu hay có phở dưa ăn với thịt cắp nách và có cả một thìa đậu xị ngon tuyệt. Nếu đi Bắc Kạn, bạn cứ sải giày mà bước, lúc nào mỏi, lại xuống thuyền đi câu cá.
Cá ở sông Năng và hồ Ba Bể chỉ nướng cá kẹp trên tre nứa, món ngon ở đây không có trong tủ lạnh, món ngon thơm lừng với vị ngọt bùi. Gặp món ngon đôi khi tôi không dám nhai chỉ ngậm miệng cốt ghi nhớ giây phút ăn ở núi, một cảm xúc khác lạ, mà ăn món ăn ở thành phố đã không cho tôi cảm xúc này. Một chuyến đi như thế, không phải là hạnh phúc sao? Nếu không tin bạn hay khoác ba lô lên và đi, nhé!