Quỹ nhà biệt thự cũ ở Hà Nội là một phần di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc, là nét riêng biệt của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình đô thị hóa và sự phát triển kinh tế, cũng như để phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân, hầu hết biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều nhà biến dạng hoàn toàn do các hộ gia đình cơi nới, xây dựng thêm. Thậm chí, có những ngôi biệt thự bỗng dưng “biến mất”, thay vào đó, mọc lên những công trình khác, đặt ra vấn đề cần bảo tồn cho biệt thự cũ.
Câu hỏi làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn, quản lý và bảo đảm chỗ ở, nơi sinh hoạt cho người dân đang sinh sống tại các biệt thự cũ là vấn đề được Hà Nội đặt ra đã lâu, song đến nay, vẫn chưa tìm ra được giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả.
Công tác quản lý “bất động”
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 1.600 biệt thự cổ, trong đó chỉ có khoảng 200 biệt thự đang là trụ sở làm việc của các cơ quan được bảo trì thường xuyên, chất lượng công trình còn khá tốt. Số biệt thự còn lại phần lớn đều xuống cấp do không được sửa chữa, bảo trì.
Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của các biệt thự cổ và nhằm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc, văn hóa của quỹ nhà này, năm 2008, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về Đề án Quản lý Quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố. Trong đó, xác định danh mục các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước được bán, không được bán và tổ chức việc thực hiện bán; quản lý việc xây dựng, cải tạo phá dỡ và xây dựng quy chế quản lý, sử dụng biệt thự.
Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành danh mục 1.253 biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự xây dựng từ trước năm 1954. Tuy nhiên, sau từng ấy năm, kết quả nhận được vẫn không mấy khả quan bởi các căn biệt thự cũ vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy, đa phần biệt thự cũ nằm trong khu vực trung tâm thành phố, tọa lạc ở những khu đất có giá trị cao nên có rất nhiều sức hút, nhất là về giá trị sử dụng đất đai. Vì vậy, một số biệt thự đã bị chủ sử dụng tự ý đập bỏ, xây mới trở thành nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê. Bên cạnh đó, do trước đây khó khăn về trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, nên nhiều biệt thự ở Hà Nội được bố trí để cơ quan làm việc, hoặc chia lại cho cán bộ làm nhà ở. Nhiều biệt thự hiện có tới cả chục hộ gia đình cùng sinh sống. Vì nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh nên các hộ này tự ý cơi nới, khiến nhiều biệt thự quá tải về công năng, các đường nét kiến trúc cũng bị biến dạng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội, nguyên nhân khiến nhiều công trình biệt thự cổ bị phá vỡ, xuống cấp là do công tác quản lý chưa tốt, một số đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm.
Không chỉ xuống cấp, danh mục các biệt thự cổ trên địa bàn Hà Nội đang dần bị thu hẹp khi một số căn nhà “tự dưng” biến mất. Căn biệt thự cũ số 37 phố Lý Thường Kiệt đã bị phá dỡ để “nhường chỗ” cho một khách sạn. Biệt thự số 32 phố Trương Hán Siêu đã bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, khiến cho biệt thự số 34 sát bên cạnh lọt thỏm giữa khối nhà cao tầng.
Trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện quản lý, bảo tồn danh mục biệt thự trên địa bàn, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân cũng cho rằng, công tác quản lý bị buông lỏng, để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến nhiều biệt thự bị phá bỏ. Thậm chí, nhiều biệt thự còn được chính quyền cấp phép cho phá dỡ, xây dựng mới, nhưng không báo cáo Chính phủ, HĐND thành phố theo đề án quản lý.
Bảo tồn, quản lý biệt thư cũ như thế nào?
Đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được biện pháp tối ưu trong việc quản lý, bảo tồn các biệt thự, đồng thời với việc bảo đảm đời sống cho các hộ dân sinh sống tại đây. Để khắc phục tình trạng này, HĐND thành phố đã giao UBND thành phố rà soát các biệt thự có hiện trạng đan xen các hộ dân sử dụng làm nhà ở và cơ quan sử dụng làm trụ sở.
Đối với các biệt thự có hộ dân đang thuê sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan đã xuống cấp nghiêm trọng, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố nghiên cứu đề xuất thí điểm việc sử dụng ngân sách Nhà nước mua lại nhằm bảo tồn, tôn tạo, xây dựng lại nguyên trạng ban đầu đối với những công trình có giá trị nổi bật, tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, gắn với lịch sử của Thủ đô và đất nước.
Bảo tồn, quản lý và sử dụng biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm giữ gìn các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm sự an toàn cho những người dân đang sinh sống trong đó.
TP. Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ các biệt thự, kịp thời có phương án xử lý đối với các biệt thự xuống cấp, nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân. Tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích người dân tự cải tạo các biệt thự…, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc nghệ thuật của đô thị.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, để tạo dựng một chính sách hiệu quả trong việc bảo tồn các biệt thự cũ có giá trị, thành phố cần xây dựng đề án bảo tồn biệt thự có giá trị với các bước: Nhận diện giá trị văn hóa, vận động sự tham gia của cộng đồng các thành phần kinh tế, quảng bá nhận thức di sản. Quan trọng hơn cả, đề án này phải được các chủ sở hữu biệt thự cam kết thực hiện.
TS. Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, "bảo tồn biệt thự là nhằm góp phần tạo lập bản sắc của đô thị. Như vậy, bảo tồn biệt thự đâu phải là lãng phí!".
Ngày 03/08/2018, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Kế hoạch số 61/KH-SXD về triển khai đánh giá và phân loại biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP.
Theo đó, trong tháng 9/2018, Tổ công tác liên ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường; Hội Kiến trúc thành phố,... sẽ kiểm tra thực tế, chụp ảnh nhà biệt thự, lập biên bản đánh giá, phân loại các biệt thự. Tháng 10/2018, họp Hội đồng thẩm định thành phố để thông qua kết quả đánh giá và phân loại danh mục biệt thự.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo UBND TP. Hà Nội kết quả đánh giá và phân loại danh mục biệt thự để UBND thành phố ban hành quyết định thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND (ngày 28/11/2013) về danh mục nhà biệt thự cũ.
Kế hoạch, chủ trương là vậy, tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại nhất hiện nay là việc thực thi sẽ được triển khai và giám sát ra sao? Liệu trải qua các khâu từ khảo sát, xem xét đến lập hồ sơ,… những câu chuyện xoay quanh các khu biệt thự cũ như: Cơi nới trái phép, xuống cấp, bị phá dỡ, cần bảo tồn… có được giải quyết triệt để?