Aa

Biệt thự triệu đô ở Hà Nội hối hả "đắp đập be bờ" chống bão

Thứ Bảy, 18/08/2018 - 14:01

Biệt thự triệu đô ở Hà Nội hối hả "đắp đập be bờ" chống bão; Chung cư xuống cấp ở TP.HCM: Những hình ảnh khiến nhiều người sợ hãi; Chuyện lạ Hà thành: Không có ô tô vẫn mất tiền triệu cho chỗ đỗ xe; ... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Biệt thự triệu đô ở Hà Nội hối hả "đắp đập be bờ" chống bão

Ban quản lý KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco vừa có thông báo về việc chuẩn bị ứng phó ngập lụt cơn bão số 4. Nêu tại thông báo này, phía Ban quản lý cho biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 4, cảnh báo mưa lớn từ đêm 15/8 đến ngày 17/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt); nguy cơ xảy ra ngập úng.

Để ứng phó với cơn bão số 4 và đợt mưa lớn sắp tới, Ban quản lý KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco, đề nghị các hộ dân tại đây đặc biệt là các hộ có hầm đưa toàn bộ tài sản, vật dụng từ tầng hầm lên các tầng cao để tránh hư hỏng.

Cư dân hối hả “đắp đập be bờ” quanh biệt thự triệu đô.

Cư dân hối hả “đắp đập be bờ” quanh biệt thự triệu đô.

Đồng thời, đề nghị cư dân chuẩn bị máy bơm, máy phát điện, file chắn nước tầng hầm (nếu có) để bơm nước và xử lý kịp thời trong trường hợp nước ngập vào hầm.

Ngoài ra, Ban quản lý KĐT mới Lê Trọng Tấn – Geleximco cho biết, đã chuẩn bị 6 máy bơm và hàng trăm bao cát phục vụ bơm và ngăn nước đối với hộ dân có tầng hầm để ứng phó ngập lụt trước ảnh hưởng cơn bão số 4. “Hàng trăm bao cát phục vụ bơm và ngăn nước miễn phí đối với các hộ có tầng hầm (đề nghị cư dân chủ động mang bao cát về nhà mình)” - thông báo nêu rõ.

Xem chi tiết tại đây.

Chuyện lạ Hà thành: Không có ô tô vẫn mất tiền triệu cho chỗ đỗ xe

Anh Dũng, một cư dân sống tại dự án tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay, khi nhận nhà cách đây hơn một năm, mặc dù chưa mua được ô tô nhưng anh vẫn bỏ ra 1,5 triệu đồng mỗi tháng để đăng ký chỗ đỗ xe. Dự án chung cư hơn 500 căn hộ nhưng theo ban quản lý, số lượng chỗ đỗ xe ô tô không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ.

Dù thấy lãng phí số tiền xí chỗ đỗ xe ô tô nhưng anh Dũng cảm thấy sáng suốt bởi hiện tại, những người có nhu cầu gửi xe ô tô đều phải chờ vài tháng mới tới lượt.

Chị Quỳnh Trang, cùng toà nhà với anh Dũng, cũng đang bức xúc vì hiện nay không có suất gửi xe ô tô tại tầng hầm. Theo ban quản lý, hiện bãi xe đã quá tải, không còn chỗ cho cư dân. Tuy nhiên, nếu để qua đêm thu vé lượt thì vẫn còn chỗ trống. 

Chị Trang cho rằng, ban quản lý cố tình bắt bí cư dân nên đòi khởi kiện. Tuy nhiên, không ít cư dân cùng toà nhà cho rằng, trong hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư không cam kết toàn bộ cư dân có chỗ để xe ô tô nên khó có thể khởi kiện.

Tương tự, một dự án khác trên đường Kim Giang, nhiều cư dân cũng phàn nàn về tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ô tô. “Khi mua, khách hàng đều không quan tâm nhiều tới chỗ đỗ xe ô tô nhưng hiện nay do nhu cầu tăng nên chỗ đỗ xe lại quá tải. Tôi đăng ký mà phải chờ đợi mấy tháng chưa có suất gửi vé tháng”, anh Tùng, một cư dân tại đây, phản ánh.

Xem chi tiết tại đây.

Đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương tăng kỷ lục

Theo báo cáo Dòng vốn toàn cầu do Jones Lang LaSalle (JLL) công bố, lượng giao dịch bất động sản châu Á Thái Bình Dương đạt 42 tỷ USD trong quý II/2018, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính trong 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch đạt mốc 81 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất đã ghi nhận từ trước đến nay.

Đơn vị này cho biết, châu Á Thái Bình Dương đang trong giai đoạn phục hồi kể từ chu kỳ suy thoái trước. Tốc độ thực hiện các giao dịch tăng lên đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới. Sự tăng trưởng của châu Á Thái Bình Dương thúc đẩy lượng giao dịch bất động sản toàn cầu, đạt 341 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 13% so với năm 2017 và là đây là chu kỳ sáu tháng có diễn biến tốt nhất kể từ năm 2007.

Australia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đang có thị trường đầu tư bất động sản hồi phục mạnh mẽ. Ảnh: Australia.com

Australia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đang có thị trường đầu tư bất động sản hồi phục mạnh mẽ. Ảnh: Australia.com

Theo ông Pranav Sethuraman, Bộ phận Nghiên cứu Vốn toàn cầu của JLL, châu Á Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục tại các thị trường phát triển như Australia và Nhật Bản cùng với sự tăng trưởng dài hạn ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Lượng đầu tư ở hầu hết các thị trường lớn nhất châu Á Thái Bình Dương đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm. Những thị trường phát triển hàng đầu hiện nay như Hong Kong, Hàn Quốc và Australia nổi lên với tốc độ tăng trưởng trung bình là 110% so với năm 2017. Mặc dù có sự suy giảm trong quý II, tổng thể các hoạt động vẫn tăng 3% ở Trung Quốc và 7% ở Nhật Bản.

Xem chi tiết tại đây.

Chung cư xuống cấp ở TP.HCM: Những hình ảnh khiến nhiều người sợ hãi

Tường ẩm mốc bong tróc, rác thải bừa bãi, hệ thống lưới điện không đảm bảo... là tình trạng chung của nhiều chung cư xuống cấp tại TP.HCM.

Rác thải chất đống trước lối vào chung cư Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh).

Rác thải chất đống trước lối vào chung cư Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh).

Bên ngoài chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3)

Bên ngoài chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3)

Xem chi tiết tại đây.

Rã rời những "cánh chim" Cienco

Một thời, nói tới các Cienco là nhắc tới các gói thầu hàng nghìn tỷ đồng đang thực hiện. Công trình giao thông lớn của đất nước đều thấp thoáng bóng dáng các Cienco. Tuy nhiên, cùng với cổ phần hoá, bước vào cuộc chơi thị trường, dòng vốn đầu tư nhà nước sụt giảm, BOT vướng mắc, các Cienco cũng rơi vào khó khăn, nợ nần. Vòng luẩn quẩn bắt đầu khi Nhà nước nợ nhà thầu, kéo theo nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nợ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, nợ ngân hàng… tất cả thành vòng luẩn quẩn.

Mới tháng trước, một nhóm người lao động của Cienco 8 đã kéo tới trụ sở Cienco 1 (La Thành, Hà Nội) căng băng rôn, kê ghế chắn cửa để đòi nợ gói thầu thực hiện từ năm 2016 nhưng tới nay chưa trả. Theo đó, Cienco 8 thực hiện thầu phụ cho Cienco 1 gói thầu số 7 dự án đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã được chủ đầu tư thanh toán từ tháng 7/2016, nhưng tới nay nhà thầu vẫn chưa được thanh toán. Được biết, số nợ khoảng 40 tỷ đồng. Cũng Cienco1 đang bị Cty CP Phát triển đầu tư xây dựng kỹ thuật Đông Thành (Ninh Bình) đâm đơn khắp nơi để đòi số nợ hơn 4,7 tỷ đồng làm thầu phụ từ năm 2016  tới nay. Năm 2017, Cienco 1 cũng bị Cty HBI kiện ra tòa đòi số nợ gần 20 tỷ đồng, Cty 120 (thuộc Cienco1) cũng bị kiện đòi hơn 11 tỷ đồng nợ... 

Người của Cienco 8 căng biển, kê ghế chắn cửa Cienco 1 đòi nợ. Ảnh: TX.

Người của Cienco 8 căng biển, kê ghế chắn cửa Cienco 1 đòi nợ. Ảnh: TX.

Cienco 1 hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2014, khi nhà nước thoái vốn tại đơn vị này. Hiện, Cienco 1 có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 3.700 tỷ đồng. Năm 2017, tổng công ty này chỉ thực hiện được 70% mục tiêu lợi nhuận (45,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, hết năm tài chính vừa qua, nợ phải trả của Cienco 1 lên hơn 2.993 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.922 tỷ đồng, nợ dài hạn 71 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng bị đơn vị khác nợ ngắn hạn hơn 2.062 tỷ đồng, nợ dài hạn 19 tỷ đồng. Thậm chí, công ty còn nợ lương, BHXH của người lao động.

Tương tự với Cienco 5, hiện đã thành công ty cổ phần, với vốn chủ sở hữu hơn 448 tỷ đồng. Hết năm 2017, tổng công ty này có số nợ hơn 1.759 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 649 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 1.109 tỷ đồng. Cienco 5 cũng bị các đơn vị khác nợ hơn 602 tỷ đồng. Cienco 5 lý giải, các khoản nợ này chủ yếu tới từ vay ngân hàng để thi công các dự án đầu tư công, như: Cầu Cửa Đại, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Lăng Cô… nhưng chưa được thanh toán. Năm 2017, dù Cienco 5 đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế khiêm tốn hơn 9,8 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ lãi 918 triệu đồng (đạt 9% kế hoạch năm), khi chỉ thực hiện một số dự án các năm trước chuyển sang, dự án mới không có.

Xem chi tiết tại đây.

Những kiếp người "sống mòn" trên đất dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang

Đi sâu vào con đường nhỏ gập ghềnh, đầy sỏi đá, PV Reatimes tìm tới tổ dân phố 68, 41 thuộc phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Các hộ dân ở đây đều nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư.

Ngày 10/08/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ-UBND thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai) giao cho Licogi tổ chức điều tra lập phương án đến bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Tiếp đó, dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/09/2007.

Tại khắp các con đường, ngõ ngách, thậm chí trên tường của nhà dân, rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu được treo lên từ năm 2017 với nội dung: Đề nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra lại toàn bộ dự án; Cưỡng chế mà chưa có tái định cư là đuổi dân ra đường;…

Theo các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, thực tế họ chưa hề nhận được bất cứ phương án tái định cư cụ thể nào. Ngay cả khu nhà tái định cư CT5 của dự án, hiện chỉ có vài cọc bê tông thí nghiệm. Người dân hoang mang sau khi bị thu hồi đất sẽ không biết tái định cư ở đâu. Người dân cho rằng, kể từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đến nay, dự án treo 14 năm. Việc này khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án như: Không được nhập hộ khẩu về phường, trẻ em phải học trái tuyến,...

Trao đổi với PV, chị Thảo, một người dân cho biết: “Dân ở đây sống quá khổ. Bao nhiêu năm đằng đẵng trôi qua chúng tôi chưa nhận được phương án đền bù thoả đáng, cũng không thấy được căn nhà tái định cư nào xây nên. Nhà cửa hiện tại thì lụp xụp, xuống cấp nhưng nhất quyết không được tu sửa vì giải phóng mặt bằng”.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top