Những ngày cuối cùng của một năm tôi thường ngoảnh lại những chuyến đi trong đời mình, không đong đếm như đàn bà đong gạo nuôi con. Thời gian đang đi qua tháng 12, nhớ mình còn may mắn, được sống sau trận bom trải thảm B52 ở phố Khâm Thiên. Vậy mà năm 1972 đã trôi gần nửa thế kỷ.
Hồi đó có người từng hỏi: “Bạn đã làm gì ở tuổi thanh xuân?” Thời đó chúng tôi chạy bom dưới hầm trú ẩn, đội mũ rơm đi học, chỉ mong được sống thôi. Hai tiếng "hoà bình" ngân rung, là khát vọng sống của thời ấy. Thời gian trôi phiêu bạt, chẳng mấy ai thư thả ngồi đọc lại lịch sử phố Khâm Thiên và khu An Dương sau đê Yên Phụ chịu bom ngày ấy. Thời gian đã chữa lành nỗi đau cho con người. Tôi còn có nhiều chuyến đi rong ruổi trên những nẻo đường làm báo du lịch. Khoảng sáng và khoảng tối nhất sau chuyến đi thường đọng lại và khơi khơi nhớ. Chẳng phải ai cũng có tri kỷ để ngồi hàn huyên nhưng tôi thấy mình còn ấm áp hơn bạn, được ngồi viết lại câu chuyện dọc đường, có lần từng bỏ ăn và đi săn ảnh trong nắng mà tụt huyết áp suýt nằm lại lưng dốc cao. Nghĩ, cũng dặn mình vài giây, rồi chứng nào tật ấy. Lại săn mây, săn nắng. Lần này nghe nói chiếc cầu Pa Phông vắt ngang hai ngọn núi, như chiếc khăn đỏ trên vai sông Đà Giang ở xã Huổi Só, đẹp mê man hơn vùng vịnh Hạ Long.
Nghe Vàng Dỉn Tề, người sống ở núi thông thạo núi đá khoe, tôi giục bạn văn thuê xe đi. Thế rồi chúng tôi lênh phênh trên chiếc xe leo núi, qua những cung đường đất đỏ ngoằn nghèo hơn đường lên Cao Bằng để lên cầu Pa Phông. Xế chiều mới ăn gói xôi nếp nương rồi một mình một núi, thích lắm. Tản mát nhìn những ngôi nhà người dân tộc ít người họ di cư từ thủy điện sông Đà lên đây định cư. Họ sống rất giản đơn, khi mà chợ ở xa, cá dưới sông và việc tăng gia chăn nuôi gà cùng ngan vịt đã nuôi sống họ. Còn quần áo cũng mong manh vắt trên cái sào ngang vách nhà. Chẳng nhà nào có tủ quần áo.
Cầu Pa Phông đẹp như chiếc khăn nối liền cho hai xã vùng núi cao chênh vênh ở huyện Tủa Chùa vùng giáp với tỉnh Lai Châu. Chỉ ngồi trên xe “ xóc long cả ruột”, như bạn tôi đùa cho đỡ sự mệt, rồi đi qua bao nhiêu bản làng hoang sơ và thiên nhiên như mộng. Nhưng đời sống trên đây có xã còn chưa có điện, thi thoảng gặp những đường dây dẫn nước sạch của bà con dẫn xuống bản, họ đỡ phải đi gùi nước.
Tôi đã vào bản của người Huổi Só, họ là người dân tộc Dạo (một nhánh của người Dao) chỉ nhìn phân biệt khi đàn bà chải tóc, rẽ hai đường ngôi, một đường ngôi giữa mặt, một đường ngôi vắt từ tai trái sang tai phải, cắt ngang đường ngôi giữa. Mái tóc được chia làm ba phần trên gương mặt, để phân biệt và nhận ra người Dạo khác với người Dao. Bản của họ có hơn 100 nóc nhà chênh vênh khắp lối đi, dưới chân núi, có nhà leo hết hơi mới tới nơi. Những người già không nói được tiếng Kinh, chỉ có cô giáo mầm non dạy trẻ thì nói được với khách. Bản người Dạo chỉ sống bằng cách lên nương trồng sắn và đổi sắn lấy gạo. Và họ vẫn dệt vải bằng khung cửi dệt thủ công để tự may vá thêu thùa. Thời gian rỗi của đàn bà sau khi làm nương là thêu thùa khăn áo và đi lấy nước ở rất xa. Tôi vào nhà cậu em họ người lái xe tên Thắng từ Thái Bình di cư lên đây. Cậu Thang học nấu rượu ngô và rượu thóc đủ sống ở nơi này. Dân ở đây rét mướt không thể thiếu rượu và cậu Thang nấu rượu bán sống tươm tất hơn việc trồng sắn và cấy lúa.
Nhưng đi cả cây số không tìm ra một hàng tạp hóa. Một cô giáo trẻ mầm non tâm sự, bà con ở đây nghèo lắm, họ chẳng thể biết kêu tới đâu. Nhiều nhà hảo tâm không lên tới đây, họ có gửi cho trẻ con quần áo, nhiều bé còn thiếu áo quần lắm. Không ít gia cảnh, chưa có tiền để bao quanh tường nhà, họ quây tạm bợ tấm bạt và cửa nhà họ vắt tạm cái chăn để chui ra chui vào. Nhà rỗng không, tôi không thể nâng máy chụp ảnh, vì run và vì thương cảnh neo khó. Những người dân hiền lành, chịu khó đi nương mà chẳng đủ ăn.
Khi lên xe tôi ao ước một điều: "Ước gì nhà báo Trần Đăng Tuấn biết thêm 1 địa chỉ này, ông sẽ nói với cộng sự lên tới đây, để có thêm chuyến xe cứu trợ cho trẻ con những bữa cơm có thịt". Vẫn biết, bao nhiêu năm qua ông đã làm được nhiều việc nghĩa, thiết thực nhất, mang đến tình yêu thương cho những đứa trẻ còn bất hạnh và thua thiệt trên núi cao. Cũng là phận người cả, chỉ chênh vênh một tọa độ trên bản đồ mà sao đời sống trẻ thơ thật khác biệt, sự thơ ngây chưa thấu tới trời xanh?
Tôi hỏi: “Gần đây có nhà nào dệt khung cửi bằng tay không chị?" Thôn này toàn khung gửi dệt tay, đào đâu ra điện mà dệt máy. Khi leo dốc cao mới lên tới nhà sàn bà Lý Thị Thịnh, ngay gần chân cầu thang đã đặt khung cửi, vải thô đang dệt dở dang một xúc vải có bề ngang 40cm, chỉ ngang là sợi lanh đều là loại lanh trồng ven rừng, hai tháng cắt lanh về phơi, se rồi dệt vải tự may áo váy cho con cái. Bà nói bập bõm tiếng Kinh: “Trẻ con vẫn rét không đủ mặc đâu”. Thi thoảng cũng có đoàn người cho trẻ con áo ấm. Ôi giá như có đoàn thiện nguyện lên tới Huổi Só cho trẻ em quần áo từ 1 tuổi đến 10 tuổi, vùng này cần bàn tay chia sẻ của biết bao người trên cả nước. Người ở trên núi cao vùng Tây Bắc này còn thiếu thốn lắm.
Bạn Vàng Dỉn Tề, người dân tộc Xạ Phang có vợ bán hàng tạp hóa ở chợ Tủa Chùa, một mình nuôi hai con vẫn động viên chồng hãy giúp bà con nghèo xung quanh mình. Bạn Dỉn Tề vẫn không quản nắng mưa, chạy xuôi ngược, xin được quần áo lên các trường ở Phàng Mủ Phình, Páo Tình Làng 1, Páo Tình Làng 2, rồi xã Háng Chơ, Háng Súa… heo hút ở những bản xa xôi của vùng biên giới Tây Bắc để những đứa trẻ có áo ấm, có ủng đi trong mùa mưa, có tất đi trong mùa lạnh.
Vẫn còn những tấm lòng thiện nguyện trong sáng như thế. Bạn Vàng Dỉn Tề học xong cao đẳng, không xin được việc làm nên hàng ngày chạy chợ bán hàng xén cùng vợ, cảnh giật gấu vá vai, nghèo vẫn hoàn nghèo. Dỉn Tề thương cảm thấu hiểu cảnh nghèo khó, nhưng lòng trắc ẩn thương các con trẻ bằng cỡ tuổi như con trai mình, vì vậy anh sẵn lòng thiện nguyện, mang đồ dùng áo ấm cho con trẻ nơi núi cao, vùng băng giá.
Tháng 12 vừa khép lại một năm với bao biến cố dịch Covid tàn khốc trên cả thế giới, với bao nhiêu chuyến đi hủy vé. Còn bao nhiêu hy vọng mở ra, một thế giới từng công nhận tình người Việt nhân ái bao nhiêu, từng cưu mang nhau trong dịch giã và trong lũ lụt tràn qua khúc ruột miền Trung. Lòng nhân ái vẫn dâng đầy trên tay người Việt, họ biết cách sẻ chia, nâng cao giá trị sống dù thời cuộc mong manh khoảng tối, những kẻ cơ hội, đầy lòng tham vẫn trục lợi trên tay người neo khó. Người ở núi độ lượng với nhân gian, họ được ưu đãi của thiên nhiên, của đồng bào miền xuôi, hy vọng đời sống no đủ hơn, ấm áp hơn năm qua cho người ở núi và tôi. Chuyến đi Huổi Só với những ám ảnh năm cũ, mong ngóng đồng bào mình sẽ may mắn được mùa lúa khoai, để dựng lấy mái nhà, tường nhà, đủ che mưa nắng khi mùa xuân trở về.